“Đêm nhạc lớn nhất thế giới? Grammy 2018 là một sự xấu hổ lạc quẻ”, “Grammy 2018 mất 6 triệu lượt xem và đây là lý do tại sao”, “Grammy lại hạ thấp hiphop - đi theo xu hướng vinh danh nhạc pop an toàn và phi chính trị”, “Chuyện bình thường - Grammy vô dụng và ai cũng biết”...
Đó là hàng loạt tít bài của các tờ báo lớn như Forbes, Washington Post, USA Today, cùng các chuyên trang âm nhạc như NPR và Spin... về lễ trao giải âm nhạc uy tín nhất thế giới.
Lần đầu trong 10 năm, rating xem Grammy trực tiếp giảm xuống mức kỷ lục, chỉ còn 19,8 triệu người, tức là giảm tới 24,1% so với buổi lễ năm ngoái.
Nhận xét công bằng, Grammy 2018 vẫn là một chương trình được đầu tư công phu với nhiều màn biểu diễn khiến người xem thỏa mãn, vinh danh những cá nhân xứng đáng, dẫu vậy, trên tư cách là đêm trao giải đáng mong đợi nhất hàng năm, người ta có quyền kỳ vọng nhiều hơn thế.
Grammy vẫn luôn lạc hậu
Kendrick Lamar mở màn Grammy 2018 bằng một màn trình diễn không thể xuất sắc hơn mang đậm tính giễu nhại nền chính trị nước Mỹ.
Xuất hiện trên sân khấu với phông nền là hình ảnh lá cờ Mỹ tung bay với dàn vũ công trong trang bộ quân phục rằn ri, đeo mặt nạ kín bưng, Kendrick Lamar cùng Bono (thành viên U2) biểu diễn ca khúc XXX với ngôn từ sâu cay tới mức cả khán đài đồng loạt đứng lên vỗ tay sau khi anh kết thúc.
Được nhiều tạp chí âm nhạc chọn là nghệ sĩ của năm 2017, những người yêu âm nhạc đều mong đợi Kendrick Lamar sẽ giành những giải thưởng quan trọng nhất tại Grammy lần này.
Nhưng thêm một lần, họ phải thất vọng. Album DAMN, một album được đánh giá là “sự kết hợp rực rỡ giữa những giá trị vượt thời gian và những giá trị hiện đại”, cuối cùng lại thất bại trước 24K Magic của Bruno Mars.
Hiphop đã vươn lên từ underground trở thành dòng nhạc thịnh hành nhất của nước Mỹ, nhưng giấc mơ của hiphop tại Grammy - một giải thưởng khá thủ cựu - xem ra còn khá xa vời.
Điều đó xem ra chẳng có gì lạ. Bởi nếu nhìn vào lịch sử giải thưởng, khán giả đều thấy rõ điểm yếu của Grammy là né tránh những phong trào âm nhạc có tính lịch sử. Tờ LA Times gọi hành trình 60 năm của Grammy là “một hành trình dài và kỳ lạ”.
Trong thập niên 60, thập niên bùng nổ của rock, Grammy đã không trao bất cứ giải thưởng nào cho các tượng đài như Jimi Hendrix, The Rolling Stones, Otis Redding, Janis Joplin, The Doors hay Van Morrison.
Ngay cả album Sgt Pepper’s Lonely Hearts Club Band của The Beatles, xếp ở vị trí số 1 trong nhiều danh sách album hay nhất mọi thời đại, mang tính cách mạng, cũng bị Grammy bỏ lơ vào thời điểm đó.
Còn trong thập niên 70, những Prince, David Bowie, Bruce Springsteen, các rocker vĩ đại đã thay đổi bộ mặt âm nhạc, cũng luôn trắng tay tại giải thưởng này. Chỉ mãi về sau, khi họ đã qua thời đỉnh cao nhất hoặc đã tạ thế, Grammy mới vinh danh họ.
Một cây bút lâu năm của tờ Rolling Stone - ông Anthony DeCurtis - thẳng thắn nói: “Về mặt lịch sử, Grammy xưa nay, buồn cười thay, vẫn thường xuyên lạc hậu”.
Rock chứ không phải pop, là thể loại nhạc thịnh hành nhất ở Mỹ từ những năm 60 cho tới tận thế kỷ 21, nhưng dường như nó không phải là gu của hội đồng chấm giải Grammy. Vì thế, cũng dễ hiểu thôi khi Hiphop, tuy vượt qua rock để trở thành thể loại nhạc được nghe nhiều nhất, cũng chỉ được làm nền cho thứ âm nhạc an toàn, không đả động tới các vấn đề nóng bỏng của xã hội.
Dẫu cho 24K Magic của Bruno Mars cũng là một sản phẩm âm nhạc chất lượng cao, xứng đáng với giải thưởng, nhưng sự thất bại của Lamar khiến nhiều khán giả thở dài.
Kendrick Lamar - HUMBLE. Ca khúc giúp Kendrick Lamar gặt hái nhiều thành công trong năm nay.
Đây là lần thứ 3 Lamar lỡ hẹn với giải thưởng này. Anh lần lượt bị Daft Punk, Taylor Swift, và giờ là Bruno Mars vượt qua. Cả 3 ca sĩ trên đều là những người trung thành với việc làm các ca khúc dễ nghe, không quá sắc sảo hay chạm tới những vấn đề thời cuộc nhức nhối.
Tạp chí Esquire an ủi: “Những ca từ của Kendrick Lamar còn quan trọng hơn cả giải thưởng Grammy nữa.”
Những cuộc cách mạng vẫn chỉ là giấc mơ
Grammy 2018 đứng trước nhiều cơ hội tạo nên lịch sử nhưng cuối cùng không có lịch sử nào được tạo nên. Kendrick Lamar chỉ nhận các giải về Rap, còn Bản thu của năm cũng không được trao cho Despacito, một ca khúc tiếng Tây Ban Nha.
Một trong những khoảnh khắc khó quên là khi cái tên Ed Sheeran được xướng lên ở hạng mục Biểu diễn Pop solo xuất sắc nhất cho bản hit Shape of you, và đã có những tiếng huýt sáo la ó diễn ra. Một làn sóng người hâm mộ cũng bày tỏ sự không đồng tình trên Twitter.
“Không thể hiểu được tại sao Ed Sheeran chiến thắng trước Kesha. Cô ấy đã viết một ca khúc về vượt qua nạn lạm dụng tình dục đó”, một người dùng Twitter tức giận.
Kesha tỏa sáng trong đêm trao giải Grammy với phần biểu diễn ca khúc Praying, trong trang phục trắng như một thiên thần, khiến người nghe trào nước mắt xúc động. Nhưng cô lại không phải người giành giải thưởng.
Không biết rằng, được nhận giải là may hay xui cho Ed nữa, anh rõ ràng là một nhạc sĩ - ca sĩ rất tài năng, khiêm nhường, nhưng trên thân phận một nghệ sĩ nam da trắng, Ed đang gặp bất lợi khi phong trào nữ quyền #metoo và Time’s up được nhiều người ủng hộ.
Và Shape of you, nếu so với Praying, thì chỉ là một ca khúc giải trí không có nhiều ý nghĩa.
Một lý do khác khiến khán giả không hài lòng là việc Lorde, nữ nghệ sĩ trẻ tuổi được đề cử Album của năm, lại không được mời biểu diễn trên sân khấu.
Riêng lần này thì Grammy đã động tới một vấn đề quá đỗi nhạy cảm, bởi Lorde là nghệ sĩ nữ duy nhất có album lọt vào danh sách đề của Album của năm. Vậy mà cả 4 nghệ sĩ còn lại đều có tiết mục, mình Lorde thì không.
Có thể chỉ là sơ suất, nhưng sơ suất này đã đủ để Grammy mất điểm trầm trọng trong mắt những nhà bình quyền.
Theo Hiền Trang (Tri Thức Trực Tuyến)