Cơn giận dữ từ Tùng Dương vừa lắng dịu, lại đến Thanh Lam gây xôn xao với những phát ngôn về Bolero và ca sĩ miền Nam. Trong câu chuyện lần này, ngoài việc mổ xẻ phát ngôn: "Ca sĩ miền Nam nhiều người không học hành mà vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông" của Thanh Lam, người ta còn chú ý đến việc phân tích sự chênh lệch giữa văn hóa bình dân và văn hóa hàn lâm.
Nhiều người cho rằng, ca sĩ miền Nam cứ ồ ạt hát Bolero theo thị hiếu của khán giả là việc làm không hay. Bởi thay vì cứ chìm đắm trong những giá trị "cũ kỹ", các ca sĩ nên tìm lối đi mới, chú trọng sự đổi mới, sáng tạo của âm nhạc. Ở phía ngược lại, đông đảo khán giả lại đánh giá rằng âm nhạc có giá trị thì thứ âm nhạc chạm tới cảm xúc. Đừng nên bắt ép bất kỳ ai phải đi theo con đường mà họ không thích. Nếu ca sĩ thích hát Bolero, khán giả thích nghe Bolero thì cứ để họ làm điều này. Cuộc khẩu chiến giữa các đối tượng khán giả làm nóng mạng xã hội và các mặt báo nhiều ngày. Và Đàm Vĩnh Hưng - ca sĩ gắn liền tên tuổi với dòng nhạc Bolero cũng có quan điểm riêng:
Hiện nay có nhiều ca sĩ hát Bolero dù rằng chất giọng và cách hát của họ hoàn toàn không phù hợp với dòng nhạc này. Là người gắn bó với Bolero nhiều năm, Đàm Vĩnh Hưng suy nghĩ như thế nào?
Là một người đồng nghiệp, tôi thấy mình không nên có bất cứ lời khuyên nào dành cho họ cả. Ở đây tôi nói là không nên chứ không phải chẳng đủ tư cách nhé. Bởi vì lời nói của tôi lúc này, đôi khi có thể khiến họ hiểu rằng là đang giành đất hay sợ mất thị phần gì đó. Rất khó cho tôi. Chỉ có học trò của mình, tôi mới nói được. Còn lại, ai muốn làm gì thì làm. Khán giả sẽ là người cuối cùng quyết định ai sẽ trắng án hay có tội. Khán giả mới có quyền tối cao để đánh giá rằng ca sĩ đó thăng hoa hay phải dừng lại. Khi lựa chọn quyết định đó, mỗi người phải chịu trách nhiệm. Việc còn lại, các em phải hát như thế nào, hát thật ngon lành cho khán giả.
Khán giả họ hát tràn lan đại hải kia chứ đừng nói chi là ca sĩ. Hơn nữa, Bolero bây giờ cũng như là chén cơm mà. Công việc ca hát là miếng ăn của họ. Khó kêu ai dừng lại lắm. Họ có thể ăn thử, nếu vừa miệng có thể nuốt luôn. Còn ngược lại thì phải phun ra ngay lập tức. Khán giả không cho họ có quyền nuốt miếng bánh dở đâu.
Bây giờ, Bolero được đẩy lên quá mạnh. Bolero là trào lưu rồi. Ai cũng có quyền hát cả, có thể tôi thấy họ hát không hay nhưng họ lại cảm thấy mình hát hay. Vậy thì nói làm sao bây giờ? Nếu tôi nhận xét hay ngăn cản, họ sẽ nói tôi giành miếng ăn ngay. Nhưng mà, tôi cũng muốn gửi gắm, nếu yêu Bolero thì hãy làm cách nào đó cho nó trở nên hay hơn đi.
Tôi đặt giả sử trường hợp, bây giờ chê ai đó hát phá cách là dở, họ sẽ nói lại tôi rằng anh Đàm Vĩnh Hưng cũng phá cách đấy, vì sao lại vẫn được khán giả yêu thích. Là thế này, nếu em muốn phá cách, em hãy sở hữu lượng fan đủ để chấp nhận sự phá cách của em. Hơn nữa, em chưa đủ kinh nghiệm mà phá cách khi hát Bolero như vậy thì khán giả sẽ xa cách em hơn. Em phải có bề dày kinh nghiệm, có tiếng nói và năng lượng tích cực nhất định, có thế thì em mới đưa cái tôi của mình ra được.
Người ta đang đặt ra câu hỏi rằng có phải là các ca sĩ Bolero quá dễ dãi trong âm nhạc nên mới làm cho thị trường trở nên bát nháo như hiện tại. Anh chia sẻ về điều này ra sao?
Nếu nói dễ dãi, không phải chỉ riêng Bolero thôi đâu. Bolero rất khó hát, cực kỳ khó. Nhạc trẻ có thể luyến láy theo cách của mình. Còn riêng Bolero, nó có cái hồn riêng rồi, nếu làm ẩu là mình chết ngay. Nhắc đến dễ dãi, cả thế giới đang dễ dãi mà! Tôi nói thật, nhạc bây giờ dễ nghe, không cần cao trào, không cần nặng nề nhưng vẫn ăn. Có nhiều bài hát, cá nhân tôi nghĩ là không đủ lực để đứng số 1, vậy mà nó vẫn hot. Rất dễ dàng! Chẳng để lại ấn tượng gì hết trơn, nhưng vẫn đứng hạng 1 suốt thời gian dài.
Cái dễ dãi ở đây xuất phát từ những người nghe, họ đã bình chọn như thế chứ không phải ca sĩ tự bình chọn được. Tất cả đã tạo thành một bức tranh dễ dãi! Ca sĩ có thể hát tràn lan nhưng khán giả mới là người chọn, họ có quyền đưa bài hát nào, ca sĩ nào trở thành số 1.
Và cũng trong câu chuyện này, người ta bắt đầu so sánh giữa văn hóa bình dân với văn hóa hàn lâm. Nhiều người còn cho rằng ca sĩ miền Nam quá sa đà vào văn hóa bình dân. Họ thậm chí còn đánh giá ca sĩ miền Nam bằng những lời lẽ khó nghe. Riêng cá nhân mình, anh có suy nghĩ gì?
Làm ơn! Tôi nói thế này, khi bạn ép khán giả bình dân nghe nhạc hàn lâm, họ sẽ bức bối, khó chịu. Khi quá lắm, họ còn đạp đổ và tẩy chay nữa chứ chẳng chơi. Người ta thích cái gì thì cho người ta chọn cái đó, Đấy là quyền mà. Trái tim và tâm hồn của họ, không ai được xâm phạm. Cũng giống như việc ép những người hàn lâm nghe nhạc bình dân, họ có nghe được không?
Cho nên đừng có can thiệp thô bạo như vậy. Vì có làm như thế thì cũng chẳng đưa nền âm nhạc này lên tới tận trời xanh hay rớt xuống vực thẳm đâu. Kể cả người hàn lâm bây giờ đứng ra tẩy chay, cấm cản âm nhạc bình dân thì cũng chẳng được. 50, 60 thậm chí là 100 năm nay rồi, có ai làm được điều đó đâu! Đừng để nằm mơ và hoang tưởng nữa. Cứ để khán giả họ chọn thôi. Việc của mình là phải làm sao cho khán giả họ quên đi văn hóa bình dân, rồi họ thích thú âm nhạc của mình thì mới giỏi chứ. Còn quyền cá nhân của mỗi người, can thiệp làm gì? Khán giả chửi cho mà chết!
Năm nay, Đàm Vĩnh Hưng đại diện Việt Nam mang Bolero ra nước ngoài để tham gia một chương trình âm nhạc mang tầm cỡ thế giới. Điều này có phải là một sự chứng minh ngược lại cho nhận xét "già trẻ gái trai cứ hát Bolero thì đó là sự thụt lùi"?
Câu hỏi này đã nói hết những lời tôi muốn nói! Tới giờ phút này, tôi rất hãnh diện vì là ca sĩ Việt Nam duy nhất từ sau năm 1975 tới giờ mà chiến thắng các giải thưởng lớn trong 3 năm liên tiếp với dòng nhạc xưa.
Không lâu trước đây, tôi là một trong những người khai hoang, bước đi trên con đường đầy sỏi đá để đến với Bolero. Bây giờ, mảnh đất Bolero đã trở nên màu mỡ như thế rồi, tôi tự hào lắm. Sự tự hào này có cả cho ba má, ông bà và những người đã truyền cho tôi tình yêu nhạc xưa. Nhạc xưa là một màu sắc rất riêng của âm nhạc Việt Nam. Bolero hay lắm, nó thấm sâu vào tiềm thức của cả những người trẻ luôn. Nhiều khi nghe một ai đó cất lên câu nào là họ đã thấy quen, thậm chí còn hát theo được. Tôi tự hào vì đã cùng với khán giả chung tay làm cho Bolero không bị thụt lùi, không bị mất đi!
Xin cám ơn anh Đàm Vĩnh Hưng vì đã dành thời gian chia sẻ!
Theo Thu Thảo (Thời Đại)