Giữa cơn mưa lời khen, người ta vẫn thấy "Cô Ba Sài Gòn" vướng những hạt sạn

13/11/2017 11:30:00

Được khen ngợi nhiều về kịch bản, nhưng rõ ràng "Cô Ba Sài Gòn" vẫn còn nhiều điểm yếu mà lí ra đã có thể làm tốt hơn.

Cô Ba Sài Gòn đang được đánh giá rất cao về tổng thể cũng như nhiều giá trị văn hóa, có thể xem là một bộ phim tốt nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều lỗ hổng trong kịch bản mà lí ra đã có thể xử lý tốt hơn. Cùng điểm qua những điểm lấn cấn dưới đây trong phim Cô Ba Sài Gòn.

Trailer phim Cô Ba Sài Gòn

1. Cuộc sống ở thời hiện đại chỉ làm Như Ý "sốc"... hơi hơi, phải chăng vì cô biết thế nào mình cũng về được nhà!?

Như Ý vô tình mặc chiếc áo dài gia truyền và được đưa đến thế kỉ 21, năm 2017 bằng viên ngọc trên áo. Ở đây, cô đối diện với chính mình 48 năm sau, nhìn thấy mình bệ rạc thất bại, nhà may của gia đình sắp bị siết còn Sài Gòn năm 2017 đã hoàn toàn lạ lẫm với những tòa nhà chọc trời, đường sá đông đúc toàn là xe máy cùng nhiều thứ lạ lẫm.

Giữa cơn mưa lời khen, người ta vẫn thấy "Cô Ba Sài Gòn" vướng những hạt sạn

Với ngần ấy cú sốc, tất nhiên là Như Ý hoảng loạn. Phân đoạn cô chạy khắp phố phường được xử lý bằng máy quay cầm tay cùng góc máy cận, mục đích là khiến khán giả "nhức đầu" theo, về cơ bản là thành công và ấn tượng. Thế nhưng, dường như Như Ý chỉ sốc trong một ngày, sau đó lập tức chuyên tâm vào chuyện cứu lấy gia đình, học may áo dài mà chẳng màng đến bản thân mình nữa.

Nói như vậy có vẻ hơi ích kỉ nhưng chẳng phải khúc đầu Như Ý rất ích kỉ sao!? Cô ấy không muốn may áo dài, không quan tâm cơ nghiệp dòng họ, chỉ muốn may Âu phục thì đáng lí ra khi xuất hiện ở năm 2017, cô ấy phải quan tâm đến chuyện tìm lại viên ngọc bị rơi trước tiên chứ!

Với phản ứng của người bình thường hay như trong mấy phim xuyên không khác, các nhân vật đều nghĩ mình đang mơ hoặc cố gắng tìm cách để trở về nhà. Thậm chí, có những câu chuyện mà ở đó đường về nhà chỉ có một cách duy nhất là tìm được thứ đã đưa mình đến đây, và thứ đó chỉ xuất hiện khi mình hoàn thành chuyện gì đó. Vì thế, cái sai nhất ở đây chính là tâm lý của Như Ý. Cô đã nhanh chóng muốn cứu cơ nghiệp gia đình đến nỗi học để thay đổi, trưởng thành mà quên luôn việc mình vừa bị "xuyên không" đến thời đại mới, cứ như cái việc ấy là một chuyện chỉ hơi hơi kì lạ mà thôi và trước sau mình cũng trở về vậy. Cô còn chẳng mảy may tìm viên ngọc cho đến khi An Khánh vô tình tìm ra.

Có thể vì thời lượng phim, hoặc biên kịch cố tình muốn Như Ý trưởng thành theo một cách "cao cả" nhất, đó là nhận ra trách nhiệm của mình từ những thất bại. Ý tưởng này hay, được thể hiện tốt nhưng vô tình đã khiến nhân vật bị gãy tâm lý khá nhanh ở giai đoạn chuyển giao mà lý ra có thể xử lý tốt hơn.

2. Tuấn nghĩ gì khi đang giúp Như Ý?

Tuấn là con trai của Thanh Loan và em ruột của Helen, 2 cái tên lớn nhất trong làng thời trang hiện tại. Anh chàng này gây ấn tượng ngay từ vẻ bề ngoài của một lãng tử điềm đạm, tự tin. Ban đầu, người ta cứ nghĩ Tuấn là người giúp việc hay trợ lý gì đó của An Khánh bởi anh xuất hiện ở nhà bà ngay từ đầu và việc đầu tiên anh làm là đuổi theo Như Ý cũng là "lệnh" của bà cô này. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao một thiếu gia chẳng thiếu thứ gì như Tuấn lại nhiệt tình với An Khánh đến vậy.

Giữa cơn mưa lời khen, người ta vẫn thấy "Cô Ba Sài Gòn" vướng những hạt sạn - 1

Khi Như Ý xuất hiện thì mặc nhiên giúp đỡ cô mà chẳng có lý do gì thuyết phục. Một điều đáng chú ý nữa là về nguyên tắc, khi giúp đỡ Như Ý trở thành truyền nhân đích thực của nhà may Thanh Nữ thì chắc chắn tương lai sẽ bị thay đổi. Mà nếu điều ấy làm ảnh hưởng đến tương lai của Thanh Loan thì sao? Liệu mẹ và chị của Tuấn có bị thay đổi gì không? Tại sao Tuấn không nghĩ gì đến điều này? Đây là một trong những lý do lớn nhất khiến khán giả cảm thấy lấn cấn khi xem phim. Rõ ràng, những vấn đề xoay quanh "xuyên không" không được quan tâm kĩ cho lắm khi xây dựng kịch bản.

3. Tại sao An Khánh giấu rồi mới lại trả viên ngọc cho Như Ý?

Trong phim, khán giả sẽ thấy tình tiết Anh Khánh khi tìm thấy viên ngọc kỳ diệu mà Như Ý đánh rơi thì đã đem giấu đi. Điều này có thể được giải thích là hành trình lãnh ngộ áo dài của Như Ý đang theo chiều hướng rất tích cực nên An Khánh không muốn cô bị phân tâm, giao động. Tuy nhiên, giả sử An Khánh khi đó không giấu mà đưa ra luôn cho Như Ý thì chắc chắn là cô nàng vẫn sẽ đợi đến khi bộ sưu tập áo dài ra mắt xong rồi mới trở về quá khứ. Chẳng có lý do gì cho việc giấu viên ngọc cả.

Còn không, nếu đã giấu đi thì nó phải gợi mở cho một xung đột nào đó ở phía sau. Ví dụ như Như Ý vô tình phát hiện An Khánh giấu ngọc và mắng cô, hoặc đơn giản hơn là cô sẽ tự bảo An Khánh giữ giùm đến khi mình may xong bộ sưu tập áo dài, chứng tỏ sự trưởng thành trong suy nghĩ. Nhưng không, không gì xảy ra cả, Anh Khánh giấu ngọc rồi trả lại sau vài phút. Điều này là một điểm thừa trong kịch bản và khiến cho nhiều khán giả xem phim cảm thấy hụt hẫng.

Giữa cơn mưa lời khen, người ta vẫn thấy "Cô Ba Sài Gòn" vướng những hạt sạn - 2

4. Phim về áo dài mà lại nói về thời trang tân thời nhiều hơn

Cô Ba Sài Gòn mang thông điệp rất rõ ràng: áo dài và những gì thuộc về truyền thống thì luôn là vĩnh cửu. Tuy nhiên, vẫn có gì đó sai sai ở đây khi phim tung ra một đống triết lý và kiến thức thời trang nhưng lại thiếu triết lý về áo dài. Gia đình Thanh Nữ được giới thiệu qua lời thoại là đã có 9 đời làm nghề may áo dài nhưng những gì họ làm trong phim vẫn chỉ là hàng loạt những động tác may vá liên tục. Những lý do thuyết phục hơn về ý nghĩa của áo dài thì lại không thấy nhắc đến. Hai động cơ học may áo dài của Như Ý là phục dựng nhà may và gìn giữ truyền thống gia đình cũng chưa được kết nối tốt.

Giữa cơn mưa lời khen, người ta vẫn thấy "Cô Ba Sài Gòn" vướng những hạt sạn - 3

Tại sao Thanh Mai lại nhất định giữ vững cơ nghiệp, tại sao áo dài nhà may Thanh Nữ lại nhất Sài Thành? Tất cả chỉ là những câu thoại được nói ra mà không chứng minh, trong khi áo dài mới là trang phục cần được quan tâm nhất trong phim. Phải chi có thêm vài câu nói mang tính triết lý hay ho về áo dài, để người ta nhận ra sự vĩ mô của nó ở tầm quốc phục thì đã sướng hơn rất nhiều.

5. Lương làm lao công hẳn là rất cao!?

Như Ý bắt đầu sự nghiệp ở nhà may Helen với vai trò lao công. Thế mà rất nhanh chóng cô nàng đã thay đổi ngoại hình một cách chóng mặt. Từ một cô gái có phong cách retro chuyển sang diện mạo sành điệu, năng động, tân thời. Bông tai, kiểu tóc thay đổi liên xoành xoạch. Bữa khao tháng lương đầu thì cứ như bàn nhậu của một anh hùng hảo hán truyện Kim Dung vậy. Nhưng nên nhớ là cho đến trước hôm cô đứng ra thiết kế đồ cho Trang Ngô thì Như Ý vẫn chỉ là cô lao công. Tại sao lương một cô lao công lại có thể chu cấp cho Như Ý mức sống cao đến như vậy? Kể cả Tuấn có lén chu cấp cho Như thì đây vẫn là một tình tiết chưa được xử lý thỏa đáng.

Giữa cơn mưa lời khen, người ta vẫn thấy "Cô Ba Sài Gòn" vướng những hạt sạn - 4

Kết

Nhìn chung, những vấn đề nêu trên tồn tại khá là rõ ràng trong phim và đôi khi làm cản trở khán giả trong quá trình cảm nhận và theo dõi bộ phim. Tuy nhiên, thay vào đó thì Cô Ba Sài Gòn cũng có rất nhiều điểm mạnh khác để thế chỗ cho những khuyết điểm như thông điệp truyền tải rõ ràng, diễn xuất rất tốt của các diễn viên, kịch bản gọn gàng không ôm đồm, hình ảnh đẹp mắt, thuyết phục... Đó cũng là những điểm tích cực mà chúng ta nên ghi nhận. Còn phía ekip làm phim cũng có thể nhìn lại những điểm chưa tốt để hoàn thiện cho những dự án tiếp theo.

Theo Minh Quân - Phúc Du (Trí Thức Trẻ)

Nổi bật