Trên chuyên trang Rotten Tomatoes lúc này, điểm số của “Apocalypse” chỉ hơn duy nhất “X-Men Origins: Wolverine” (2009) trong số các tác phẩm thuộc thương hiệu “X-Men”.
X-Men: Origins: Wolverine (2009) - 38%: Sau khi The Last Stand (2006) gây thất vọng, hãng Fox muốn vực dậy thương hiệu X-Men bằng tập phim riêng về Wolverine - nhân vật dị nhân được nhiều người yêu mến. Song, để thu hút thêm khán giả, bộ phim chủ động giảm mức độ bạo lực để nhắm tới nhãn PG-13, khiến nhiều fan nguyên tác truyện tranh thất vọng. Thời lượng 107 phút là quá ngắn ngủi và không đủ để khán giả hiểu thêm về Wolverine. Chưa kể, thất bại lớn nhất của tác phẩm là làm sai lệch hoàn toàn hình ảnh Deadpool so với nguyên tác. Hậu quả đây chính là tập phim X-Men bị cả giới phê bình lẫn khán giả đại chúng ghẻ lạnh nhất. |
X-Men: Apocalypse (2016) - 49%: Nhiều khán giả cảm thấy thỏa mãn với tập phim X-Menmới nhất, nhưng giới phê bình thì không. Các pha hành động trong phim, đặc biệt của Quicksilver, được ca ngợi; nhưng nhân vật phản diện Apocalypse bị đánh giá là quá cũ kỹ, một màu và nhàm chán. Mâu thuẫn giữa các dị nhân trong phim cũng không có gì mới mẻ so với hai tập gần nhất là First Class (2011) và Days of Future Past (2014). Ngoài ra, một số chi tiết trong Apocalypse khiến không ít người thấy khó hiểu, như chuyện tại sao tướng Stryker có thể bắt giam Wolverine, trong khi người làm điều đó ở cuối phần trước thực chất là dị nhân Mystique. Có lẽ kỳ vọng của giới phê bình dành cho bom tấn trước giờ ra rạp là quá lớn và dẫn đến điểm số thấp như lúc này. |
X-Men: The Last Stand (2006) - 58%: Tập phim điện ảnh X-Men thứ ba gặp không ít trục trặc từ trong quá trình sản xuất khi đạo diễn Bryan Singer quyết định chuyển sang thực hiệnSuperman Returns (2006). Người thay thế Brett Ratner bị chỉ trích dữ dội khi ôm đồm quá nhiều chi tiết và nhân vật cho cốt truyện. Có lẽ cũng giống như Apocalypse, thành công vang dội của X-Men (2000) và X2: X-Men United (2003) đã khiến qua nhiều người kỳ vọng ở The Last Stand để rồi phải thất vọng. |
The Wolverine (2013) - 70%: Sau thất bại của X-Men Origins: Wolverine, hãng Fox vẫn quyết không từ bỏ nhân vật dị nhân được nhiều khán giả yêu mến. Lần này, họ cùng đạo diễn James Mangold đã thành công khi đưa “người chồn” Logan tới xứ sở hoa anh đào Nhật Bản. Kịch bản của The Wolverine được đánh giá là trung thành với nguyên tác, hấp dẫn và đủ chặt chẽ; còn các pha hành động của Hugh Jackman thì vẫn khiến người xem mãn nhãn giống như các phim dị nhân khác. |
X-Men (2000) - 81%: Ra đời tại thời điểm chuyển giao giữa hai thiên niên kỷ, X-Men chinh phục cả giới phê bình lẫn công chúng khi trình làng hàng loạt nhân vật dị nhân lôi cuốn như Giáo sư X, Magneto, Wolverine, Mystique, Storm, Jean Grey, Cyclops, Rogue… Điều thú vị là khi đó, đạo diễn Bryan Singer không cần các tập phim riêng để giới thiệu về từng nhân vật như chiến lược mà Marvel Studios dành cho nhóm Avengers thời gian qua. Hơn 300 triệu USD doanh thu toàn cầu và những lời khen ngợi vang dội từ giới truyền thông lập tức biến X-Men thành thương hiệu điện ảnh hàng đầu, giúp vực dậy dòng phim siêu anh hùng vốn đang bết bát kể từ Batman & Robin (1997). |
X2: X-Men United (2003) - 86%: Lời nguyền “phần sau dở hơn phần trước” đã không ứng nghiệm với X-Men khi hãng Fox trình làng tập hai của loạt phim vào năm 2003. Những xung đột giữa loài người và dị nhân được đẩy lên cao và khai thác sâu hơn, sự góp mặt của Nightcrawler, Jean Grey hé lộ bản ngã Phoenix…, tất cả khiến người ta ngất ngây với X2. Tác phẩm thu tới hơn 400 triệu USD toàn cầu và tới nay vẫn được đánh giá là một trong những phim siêu anh hùng hay nhất mọi thời đại. |
Deadpool (2016) - 83%: Sau lần trình làng thất bại trong X-Men Origins: Wolverine, tài tử Ryan Reynolds đã thề là sẽ sửa chữa sai lầm. Cũng nhờ hàng loạt chiến lược marketing sáng tạo, gã lính thuê lắm mồm, ưa bạo lực rốt cuộc tạo ra cơn sốt tại phòng vé hồi đầu năm khi thu tới 763 triệu USD (bất chấp bị dán nhãn 17+). Quan trọng hơn, Deadpool nhận được vô số lời ngợi khen từ giới phê bình nhờ sự lém lỉnh của nhân vật chính, cũng như nhiều pha hành động bạo lực hoàn toàn trái ngược với phong cách có phần an toàn của Marvel Studios. |
X-Men: First Class (2011) - 87%: Sau hai thất bại liên tiếp của The Last Stand và X-Men Origins: Wolverine, hãng Fox quyết định tái khởi động thương hiệu phim dị nhân với dàn diễn viên trẻ trung, qua đó giới thiệu lại nguồn gốc của Giáo sư X, Mystique, Magneto và nhiều nhân vật khác. Không ít khán giả khi ấy ngờ vực dự án, nhưng đạo diễn Matthew Vaughn đã mang tới luồng gió mới cần thiết cho X-Men bằng một tác phẩm mãn nhãn về hình ảnh và sâu sắc về mặt nội dung. Người xem từ đây có cái nhìn hoàn toàn khác về mối quan hệ giữa Giáo sư X và Magneto, giờ do lần lượt James McAvoy và Michael Fassbender khắc họa. Chưa kể, đây cũng là một trong những bệ phóng giúp Jennifer Lawrence trở thành ngôi sao hạng A như lúc này. |
X-Men: Days of Future Past (2014) - 91%: Đạo diễn Bryan Singer trở lại với hoài bão “sửa chữa sai lầm” của tập The Last Stand, sử dụng cả những gương mặt dị nhân cũ ở ba tập phim đầu tiên, lẫn thế hệ trẻ tuổi mà Matthew Vaughn mới giới thiệu trong First Class. Thách thức khổng lồ đó rốt cuộc đã được ông xử lý đầy khéo léo, khiến tất cả thỏa mãn. Days of Future Past đến nay là tập phim X-Men duy nhất nhận được đề cử Oscar (hạng mục Hiệu ứng kỹ xảo hình ảnh xuất sắc), đồng thời thu đến hơn 747 triệu USD tại phòng vé hồi mùa hè 2014. |