Khi "cơn sốt" "Để Mị Nói Cho Mà Nghe" vẫn chưa hoàn toàn qua đi, Hoàng Thùy Linh tiếp tục cho ra mắt "Tứ Phủ" vào tối 8/8 chỉ sau vẻn vẹn 2 ngày thông báo. Ca khúc được nhạc sĩ Hồ Hoài Anh phổ nhạc theo thơ của Ngân Vi, phối khí bởi Triple D, hiệu ứng âm thanh bởi Long Halo, vũ đạo do biên đạo múa Tấn Lộc. Về hình ảnh và trang phục do NTK Công Trí và Stylist Hoàng Ku đảm nhiệm. Sản phẩm âm nhạc khiến khán giả không khỏi trông chờ khi khai thác về đề tài Đạo Mẫu - Tứ Phủ, một bước đi đột phá của nữ ca sĩ trong năm 2019.
MV "Tứ Phủ" - Hoàng Thuỳ Linh (ft Hồ Hoài Anh - TripleD) |
Đạo Mẫu - Cảm hứng tâm linh chủ đạo của "Tứ Phủ"
Đạo Mẫu từ hàng thế kỉ qua là tín ngưỡng đặc trưng của người Việt, không lẫn với bất kì hệ tín ngưỡng hay tôn giáo nào trên thế giới. Ở Đạo Mẫu không chỉ là nét thiêng liêng của những nghi lễ, mà còn là tổ hợp những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc: âm nhạc, trang phục, nghi lễ, lịch sử,... Việc UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ Mẫu" tại Việt Nam là "Di sản Văn hóa Phi Vật thể", là tài sản chung của nhân loại, càng xác định giá trị quý giá của thực hành tín ngưỡng này trong dòng chảy văn hóa Việt Nam.
Có lẽ Hoàng Thùy Linh là nghệ sĩ trẻ đầu tiên đưa loại hình tín ngưỡng dân gian độc đáo này một cách triệt để vào sản phẩm âm nhạc của mình.
"Tứ Phủ" chính là quan niệm và nhận thức của người Việt xưa về vũ trụ và thế giới. "Tứ Phủ" gồm Thiên Phủ, Địa Phủ, Thoải Phủ và Nhạc Phủ lần lượt tương ứng với 4 miền: Trời, Đất, Nước và Rừng, mỗi miền, mỗi phủ sẽ do nhiều vị Thánh cai quản, thứ bậc các vị cũng được phân chia sau trước rõ ràng.
Trên nhất là Chư Phật, dưới Phật lần lượt có Vua Cha (Ngọc Hoàng Thượng Đế), Thánh Mẫu, Quan Lớn, Chầu Bà, Ông Hoàng, Thánh Cô, Thánh Cậu,... mỗi vị đều có một thần tích đi kèm, đều là những câu chuyện chống giặc ngoại xâm, giúp đỡ dân lành, diệt trừ kẻ ác,... thể hiện khát vọng muôn đời của bao thế hệ. Bên cạnh đó, hệ thống thờ tự của Đạo Mẫu thể hiện sự giao lưu tôn giáo và biến chuyển của người Việt trong việc khi có sự pha trộn giữa Phật giáo, Đạo giáo với lớp tín ngưỡng bản địa.
Hoàng Thùy Linh hóa thân thành một cô đồng với phục sức và trang sức riêng. Nhắc đến Đạo Mẫu thì không thể không nhắc đến nghi thức hầu đồng, theo quan niệm dân gian, đó chính là cách con người liên lạc với thế giới siêu nhiên thông qua một người trung gian giữa thánh thần với người phàm, họ sẽ cầu xin những sự chỉ bảo về tương lai, xin thuốc chữa bệnh, thanh trừ những thứ không sạch sẽ, ban tài phát lộc,... thông qua chính người trung gian giao tiếp này.
Lí giải về hình tượng xuyên suốt của Hoàng Thùy Linh
Màu sắc tượng trưng cho Tứ phủ trong tín ngưỡng được thể hiện khá thống nhất thông qua trang phục của các vị thánh thể hiện trong các giá đồng hay trong các vật phẩm cúng lễ. Các màu cơ bản bao gồm: màu đỏ tượng trưng cho Thiên phủ (trời), màu vàng tượng trưng cho Địa phủ (đất), màu trắng tượng trưng cho Thoải phủ (nước), còn các màu xanh lam, chàm, tím tượng trưng cho Nhạc phủ (rừng).
Trong "Tứ Phủ", Hoàng Thùy Linh sử dụng một dạng thức trang phục với màu trắng chiếm chủ đạo: một chiếc khăn vành dây với tấm khăn trùm bên ngoài, trang phục cùng một dải lụa, tất cả đều có màu trắng, thậm chí đến cả hoa tai của nữ ca sĩ cũng sử dụng tông trắng. Đó là hình tượng của một vị Thánh thuộc về miền Thoải Phủ - tức miền sông nước. Chia sẻ trong buổi họp báo ra mắt "Tứ Phủ", Hoàng Thùy Linh cho biết hình tượng trong MV mà cô hóa thân chính là "Cô Bơ", một vị Thánh rất nổi tiếng thuộc hàng Tứ Phủ Thánh Cô, tuy nhiên, nữ ca sĩ khẳng định chỉ mượn một vài nét chấm phá những nét đẹp nhất của hình tượng trên, còn những điểm sai khác sẽ nằm ở sự tưởng tượng và suy nghĩ của chính khán giả.
Theo truyền thuyết, Cô Bơ hay Cô Ba, trong tâm thức dân gian chính là thị nữ của Thánh Mẫu Thoải cung. Tương truyền, Cô là tiên nữ Thủy cung giáng sinh ở vùng Ba Bông, Thanh Hóa. Cho đến nay, có nhiều huyền tích về Cô Bơ được truyền tụng trong dân gian, như việc Cô đã từng giúp Lê Lợi trong những năm đầu kháng chiến chống giặc Minh, từng có lời hẹn ước với người quân tử nhưng duyên phận éo le. Sau khi cô "hóa", cô lại hiển linh nơi vùng sông Mã, giúp thuyền bè của người dân qua lại được thuận buồm, xuôi gió.
Khi Cô Bơ về ngự đồng lại mặc xiêm y màu trắng, đôi tay cầm mái chèo mô phỏng động tác chèo thuyền khoan thai, nhịp nhàng, ứng với câu hát văn: "Ba Bông chốn ấy quê nhà - Vì đời vững lái vượt qua thác ghềnh".
Một số ý kiến từ khán giả lại cho rằng, hình tượng này không phải là Cô Bơ do thiếu vắng sự xuất hiện của mái chèo cũng như các sự tích liên quan. Nhiều khán giả cho rằng đây chính là hình tượng của Thánh Mẫu Đệ Tam Thoải Cung - Mẫu Thoải, vị thánh mẫu trị vì miền sông nước mênh mông, cũng sử dụng trang phục màu trắng nhưng sẽ đội mũ mão uy nghi hơn hình tượng Cô Bơ.
Mẫu Thoải là Xích Lân Công chúa, con gái Vua Cha Thủy Quốc Động Đình, nên duyên với Kinh Xuyên vốn dòng thế phiệt chốn thủy cung. Kinh Xuyên lại nghe lời vợ hai gieo oan cho Mẫu không giữ lòng chung thủy nên bị đày lên chốn rừng sâu. Sau này, nho sinh Liễu Nghị trên đường trở về sau khi lên kinh ứng thí qua chốn rừng sâu gặp được người Tiên, cảm thương nỗi niềm nên đã nhận chuyển lời giúp lá thư về Vua Cha. Mẫu sau đó được giải oan về lại chốn long cung.
Hoàng Thùy Linh đã xuất hiện trong hình tượng một nữ thần miền sông nước: mềm mại, uyển chuyển, thanh thoát đầy tính nữ. Cả MV không xuất hiện một khung cảnh sông nước nhưng khán giả lại như chìm đắm vào trong vùng sông nước mênh mông được tạo dựng nên từ lời hát, vũ điệu và ánh sáng. Dù là hình tượng Mẫu Thoải hay hình tượng Cô Bơ, cả hai đều là những bậc tiên thánh ngự ở miền sông nước, thứ hai nữa cả hai đều có những sự tích buồn khiến người dân không khỏi thương cảm trong những huyền tích dân gian xung quanh. Đây cũng chính là thông điệp ngấm ngầm mà Hoàng Thùy Linh muốn gửi đến về thân phận khổ đau của người phụ nữ xưa. "Run run ngọc vỡ con tim này - Ai thêu gấm lên đồi hoang vu - Đào phai mấy kiếp thân em đoạ đày -Đời gập ghềnh thuyền tình chòng chành chao nghiêng - Đành vùi mình vào chốn linh thiêng,..."
Nếu như hình tượng xuyên suốt trong MV thuộc về miền Thoải Phủ, thì lời bài hát quả thật đã chạm đến cả những miền, những phủ còn lại. "Em khóc cúi mặt Cửu Trùng Thiên" nhắc đến Mẫu Cửu Trùng Thiên - Thánh Mẫu ngự trên chín tầng trời cao cai quản thiên tiên thượng giới. "Nơi đây đại ngàn em chờ thiên thu" lại hiển hiện nơi Nhạc phủ, chốn rừng núi thiêng liêng.
Có lẽ chính vì vậy mà tên bài hát được đặt là "Tứ Phủ". Không chỉ có chiều sâu của không gian miền Thoải phủ, mà đã mở rộng nên mênh mông của đất trời, của Thiên phủ, Nhạc phủ, miên man, khắc khoải.
Một bước đi tham vọng của Hoàng Thùy Linh
Hoàng Thùy Linh khi thể hiện chất liệu từ văn hóa cổ truyền của dân tộc như cá gặp nước. Nữ ca sĩ mang đến một tư duy rất hiện đại và trendy để truyền tải những giá trị văn hóa Việt Nam. Từ "Bánh Trôi Nước" đến "Tứ Phủ", đó là hai hình tượng phụ nữ trong xã hội cũ. Khai thác yếu tố dân gian, nhưng thông qua đó cũng là thông điệp ẩn chứa về nữ quyền đầy mạnh mẽ.
Chọn một đề bài rất khó thể hiện, có thể thấy đây là một dự án đầy tham vọng và thách thức đối với Hoàng Thùy Linh. Với những đón nhận vô cùng hào hứng bước đầu, có thể thấy nữ ca sĩ đã đưa ra 1 dự án đầy thú vị và khơi gợi về 1 tín ngưỡng của văn hóa dân tộc.
Tài liệu tham khảo:
- "Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ - chốn thiêng nơi cõi thực" - Thạc sĩ Trần Quang Dũng (chủ biên), NXB Thế giới.
- Hầu đồng Việt Nam - Nguyễn Á, NXB Thông Tấn.
Theo Koi Koi (Helino)