Lên sóng trên khung giờ vàng đài VTV3 vào các buổi tối thứ 5, thứ 6 hằng tuần, phim truyền hình Đừng Làm Mẹ Cáu nhận được sự quan tâm theo dõi của đông đảo khán giả Việt. Đây được xem là phim chữa lành tâm hồn người xem sau Gara Hạnh Phúc, cả hai dự án đều do Quỳnh Kool đóng chính. Đừng Làm Mẹ Cáu được xem là “hắc mã” của màn ảnh Việt những năm gần đây bởi thành tích lẫn sức hút mà phim mang lại vượt ngoài mong đợi của khán giả và cả ê-kíp.
Nội dung chữa lành: Tình mẫu tử thiêng liêng giúp con người vượt qua mọi bất hạnh của cuộc sống
Phim Đừng Làm Mẹ Cáu gồm 24 tập, lấy tình mẫu tử làm đề tài chính, câu chuyện trung tâm xoay quanh nhân vật Hạnh (Quỳnh Kool) đóng. Khi đang ở độ tuổi 18 đôi mươi đẹp nhất của cuộc đời, nhận được học bổng du học, có mối tình đẹp với Trung (Quang Sự), Hạnh bất đắc dĩ phải làm mẹ, nuôi nấng và dạy dỗ bé Happi (An Nhiên).
Được biết, chị họ của Hạnh chẳng may qua đời, để lại Happi cho cô nuôi. Làm mẹ khi chưa có kinh nghiệm khiến Hạnh nhiều lần rơi vào tình huống khó khăn, không tiền, không việc làm, bà mẹ bất đắc dĩ phải tìm mọi cách bươn chải, để nuôi đứa trẻ “từ trên trời rơi xuống”.
Khó khăn chồng khó khăn, bé Happi nhiều lần bệnh nặng, Hạnh lại không có nhiều kinh nghiệm làm mẹ, lúc cùng quẫn nhất, cô còn định để bé lại cô nhi viện. Hành trình làm mẹ của Hạnh trở nên vui vẻ, có nhiều màu sắc hơn khi cô lần lượt tạo được những mối quan hệ mới.
Nhiều tình huống dở khóc dở cười khi Hạnh gặp lại bạn thân Vy (Quỳnh Lương), gặp anh sếp khó tính Quân (Nhan Phúc Vinh), chị sếp hay chì chiết Mai Anh (Hương Giang), người yêu cũ Trung,... đã xảy đến. Ở mỗi tình huống ấy, Hạnh lại tích lũy được thêm nhiều vốn sống, nhiều bài học bổ ích, đồng thời cuộc sống của con gái cô cũng trở nên hạnh phúc hơn, đúng như cái tên “cúng cơm” mà cô đặt cho bé.
Nội dung phim Đừng Làm Mẹ Cáu đưa người xem trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ vui vẻ, đến cảm động rơi nước mắt xoay quanh câu chuyện về tình mẫu tử. Happi không phải con gái ruột của Hạnh, việc có bé cũng khiến cô phải gác đi tương lai của mình, và cả tình yêu với mối tình đầu. Để đổi lấy 30 triệu đồng đưa Happi đi viện, Hạnh phải ký giấy cam kết với mẹ Trung, chấp nhận rời xa anh. Và dù bản thân có khổ cực đến đâu, Hạnh cũng không để con gái mình thiếu thốn bất kỳ ai. cô bé vẫn được cắp sách đến trường và được sắm quần áo đẹp.
Làm mẹ từ khi còn trẻ, Hạnh không giấu được sự cáu gắt mỗi khi con gái không vâng lời, hay bị áp lực cuộc sống đè nén. Tựa phim “Đừng Làm Mẹ Cáu” cũng từ đây mà ra đời, cũng chính nhờ điều này, bé Happi trở nên hiểu chuyện hơn, tự ý thức được mình phải ngoan ngoãn hơn để mẹ không giận nữa.
Bên cạnh câu chuyện cảm động giữa Hạnh và bé Happi, tình mẫu tử trong phim còn được thể hiện qua câu chuyện của mẹ con Quân. Bà Kim và con trai từ đầu không mấy thân thiết với nhau. Ám ảnh về tuổi thơ bị mẹ bỏ rơi, thiếu thốn tình thương trọn vẹn của gia đình, Quân sống khép mình và trở nên nhạy cảm với câu chuyện của Hạnh. Anh nhiều lần trách móc Hạnh khi hiểu lầm cô có ý định bỏ rơi con gái. Cũng chính vì sự đồng cảm đó, anh vô cùng quý mến bé Happi, tình cảm tốt đẹp của anh, mọi người xung quanh cũng cảm nhận được.
Sau nhiều hiểu lầm, xen lẫn ngại ngùng, Quân cuối cùng cũng đã mở lời nói yêu mẹ, cần có bà trong đời là đủ trọn vẹn. Về phần bà Kim, hóa ra từ trước đến nay, bà vẫn luôn theo dõi và yêu thương Quân. Ở những tập gần đây, bà dành lời xin lỗi Quân vì đã không cho anh một danh phận đàng hoàng. Giờ đây, bà Kim, Quân cùng người anh nuôi sẽ chung sống dưới một mái nhà, đùm bọc, dành sự quan tâm cho nhau.
Câu chuyện giữa mẹ con Vy cũng lấy đi nhiều nước mắt của khán giả. Vy mang bầu bé Voi (Tuấn Phong) trong một lần lầm lỡ giữ cô và Khôi (Bình An). Cả hai về chung sống như vợ chồng dù không có tình cảm với nhau. Dù có nhiều mối quan hệ khác bên ngoài, song Vy và Khôi đều chung tay chăm sóc bé Voi. Ngay cả khi hai vợ chồng sắp “đường ai nấy đi”, Vy xin được nuôi con và khuyên chồng nên sống tốt để sau này Voi được nương nhờ nơi bố.
Tuy có hạnh phúc không trọn vẹn, chồng qua lại với tình cũ, song Vy vẫn không hề có hành động oán hận, hay cấm Voi không được tiếp xúc với gia đình nội. Với cô, sau khi chia tay, mỗi khi bố mẹ chồng muốn, cô vẫn vui lòng đưa Voi sang ở cùng ông bà. Có thể nói, những gì Vy làm chỉ muốn tốt cho sự phát triển bình thường của con.
Mẹ chồng Vy cũng là một người phụ nữ cực kỳ vĩ đại. Bà đối xử với Vy như con gái ruột, sẵn sàng đến nhà “tiểu tam” để đòi lại công bằng cho cô. Khi vợ chồng con trai xảy ra lục đục, thay vì đổ lỗi cho con dâu, bà tìm hiểu kỹ đầu đuôi sự việc, trách móc và dành lời khuyên cho Khôi, bảo anh phải biết trân trọng vợ con. Chính vì đức tính tốt này, bà Vân chiếm được tình cảm của khán giả xem đài và được tặng danh xưng “mẹ chồng tâm lý nhất màn ảnh”.
Bên cạnh những câu chuyện cảm động gắn liền với các nhân vật kể trên, Đừng Làm Mẹ Cáu cũng xây dựng tuyến phản diện. Khán giả tức tối trước một chị sếp Mai Anh mưu mô, tìm mọi cách gây khó dễ cho Hạnh, thậm chí còn khiến cô nhập viện vì một hiểu lầm tai hại.
Mục đích của Mai Anh là để chiếm lấy tình cảm của Quân, tuy nhiên, anh chỉ con cô là bạn. Nhân vật của Mai Anh bị “ném đá” tơi tả vì sự trơ trẽn. Song ở những tập cuối, nhiều khán giả lại cảm thấy thương cảm cho cô và mong cô sẽ tìm được hạnh phúc mới.
Bên cạnh đó, nhân vật Yến - người yêu cũ của Khôi cũng gây ức chế khi phá hoại hạnh phúc gia đình người khác. Đáng nói Khôi chính là người mà cô bỏ rơi để lấy chồng giàu khi xưa. Khi về với Khôi, Yến có trong mình mưu đồ bất chính, nhắm đến tài sản gia đình anh.
Phản diện trong phim mang đến nhiều tình huống oái oăm cho dàn nhân vật chính. Những tình huống này đều rất thật, được khai thác có chừng mực, mà con người dễ dàng bắt gặp trong thực tế cuộc sống. Tuyến phản diện cũng góp phần làm cân bằng câu chuyện của phim, làm kịch tính hóa nội dung nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn mà phim mang lại.
Diễn xuất ấn tượng: Nhan Phúc Vinh - Quỳnh Kool bị dàn sao nhí chiếm hết “spotlight”
Để làm nên thành công của phim Đừng Làm Mẹ Cáu, không thể không nhắc tới màn hóa thân tròn trịa của dàn cast. Vào vai người mẹ bất đắc dĩ, sống với mục đích duy nhất là kiếm tiền để lo cho con mà chẳng màng đến mạng xã hội, Quỳnh Kool nhận được nhiều đánh giá tích cực khi hóa thân vào nhân vật Hạnh trong phim.
Diễn xuất của cô được nhận xét tiến bộ hơn nhiều so với những vai diễn trước đây, gần nhất là Sơn Ca trong Gara Hạnh Phúc. Bên cạnh tình yêu vô bờ bến đối với con, Hạnh còn là một bà mẹ khảng khái, có chí cầu tiến, ham học hỏi, đáng để nhiều bạn trẻ noi theo.
Màn thể hiện của Nhan Phúc Vinh trong vai giám đốc Quân lạnh lùng nhưng sâu sắc cũng được ngợi khen. Nếu so với các nhân vật của Nhan Phúc Vinh trong quá khứ, vai Quân ở Đừng Làm Mẹ Cáu chưa phải là khó chinh phục nhất. Trong phim, phản ứng hóa học của anh với diễn viên nhí và Quỳnh Kool cũng được đánh giá cao.
Trong dàn cast phim, Bình An được xem là cái tên có màn “lột xác” ngoạn mục nhất. Nổi danh với những vai “phi công trẻ” trên màn ảnh, thỉnh thoảng lại gây tranh cãi về diễn xuất, song Bình An với vai Khôi trong Đừng Làm Mẹ Cáu đã có sự thể hiện khá thuyết phục. Trên các diễn đàn bàn luận phim, khán giả dành nhiều lời khen cho Bình An và công nhận rằng diễn xuất của anh ngày càng tiến bộ theo từng ngày. Hóa thân vào “cậu ấm” đa tình - Khôi, Bình An chịu khó để ria mép, điều này được xem là trải nghiệm đáng nhớ đối với anh.
Quỳnh Lương chiếm trọn cảm tình của khán giả với diễn xuất tự nhiên trong vai Vy. Nếu so với vai phụ của cô trong Gara Hạnh Phúc, đóng cặp với Duy Hưng, vai diễn trong phim lần này của Quỳnh Lương có chiều sâu hơn. Trong một số phân cảnh, cô được góp ý thoại nuốt chữ, tuy nhiên, nhìn chung màn thể hiện của cô trong Đừng Làm Mẹ Cáu vẫn được khen hết lời vì sự hợp vai, không gượng gạo.
Bên cạnh dàn cast toàn sao, các diễn viên nhí cũng là lý do chính giúp níu chân khán giả đồng hành cùng phim. Thậm chí, nhiều người nhận xét, sự đáng yêu của bé An Nhiên (vai Happi) và Tuấn Phong (vai Voi) còn chiếm luôn “spotlight” của dàn diễn viên đình đám trong phim. Trên các hội nhóm bàn luận phim, bé An Nhiên và Tuấn Phong được khán giả ưu ái đặt cho biệt danh “diễn viên nhí đáng yêu nhất” màn ảnh Việt, đồng thời bày tỏ sự chờ đợi được nhìn thấy bé ở các tập phim tiếp theo.
Ngoài ra, diễn xuất của các nghệ sĩ kỳ cựu, các diễn viên phụ trong phim cũng chạm đến trái tim của khán giả. Đặc biệt là nghệ sĩ Nguyệt Hằng, sau màn đánh ghen đẳng cấp hộ con dâu, cô liên tục xuất hiện trên các trang mạng, nhận được sự ủng hộ của khán giả. Cô được khen ngợi về khả năng diễn xuất bằng mắt và ngôn ngữ hình thể.
Loạt thông điệp đáng suy ngẫm và những tranh cãi
Với thông điệp mang tính chữa lành, diễn xuất tròn trịa của dàn cast, Đừng Làm Mẹ Cáu đang là phim truyền hình ăn khách nhất cả nước hiện nay, điều này được thể hiện qua rating mà phim thu được theo từng tập phát sóng. Phim mới của Quỳnh Kool đang đứng vị trí số 1 trong BXH rating cả nước, vượt Đừng Nói Khi Yêu của Mạnh Trường - Đình Tú. Bên cạnh đó, phim cũng trở nên viral trên các nền tảng mạng xã hội, thu về lượt tương tác “khủng”.
Phim Đừng Làm Mẹ Cáu mang đến nhiều thông điệp đáng để suy ngẫm về tình cảm gia đình lẫn các mối quan hệ trong cuộc sống thường nhật. Đầu tiên, phim đề cao vai trò quan trọng của gia đình trong sự phát triển của mỗi con người. Và dù cuộc sống có hướng Hạnh, Quân hay Khôi đi đến những ngã rẽ nào khác, có lúc sa ngã, nhưng cuối cùng, gia đình vẫn là nơi dang rộng vòng tay để họ trở về và gắn bó.
Con cái là món quà quý giá nhất mà ông trời ban tặng cho con người, việc làm mẹ cũng là thiên chức lớn lao của người phụ nữ. Những người mẹ trong phim, dễ nhận thấy họ đều có con trong hoàn cảnh ngặt nghèo, Vy có con vì một đêm say, Hạnh phải làm mẹ bất đắc dĩ, bà Kim rời bỏ con ngay từ lúc mới lọt lòng,...
Tuy có hoàn cảnh khác nhau, nhưng những người mẹ này luôn dành hết tình thương cho con của mình, điều này khẳng định rằng tình mẫu tử là điều quý giá nhất đối với mỗi con người. Có thể, tình cảm ấy phải tạm gác lại bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, song nó vẫn luôn trường tồn trong tim những người mẹ, người con trong cuộc sống này.
Phim cũng đề cao tình bạn và tầm quan trọng của thứ tình cảm này đối với con người. Hạnh mất nhiều năm mới nói chuyện lại với Vy vì chút hiểu lầm từ quá khứ. Cả hai kết nối với nhau nhờ Happi và Voi, về sau trở thành tri kỷ, đồng hành và hỗ trợ nhau trước những khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, Quân và Khôi, Happi và Voi cũng là những người bạn tốt của nhau.
Thông điệp về sự nỗ lực cũng được cài cắm trong phim, Hạnh từ một bà mẹ đơn thân có công việc không ổn định, sau thời gian chịu khó học hỏi cũng đã đạt được thành tựu riêng. Trước đó, cô khiến khán giả ngưỡng mộ khi một mình nuôi một đứa trẻ song song với làm việc kiếm sống. Có thể thấy, sự phấn đấu, cầu tiến của Hạnh là một phẩm chất tốt, đáng để học hỏi.
Sau khi Đừng Làm Mẹ Cáu ra mắt, ngoài những đánh giá tích cực, phim cũng vướng một số tranh cãi, chủ yếu xoay quanh cách xây dựng hình tượng nhân vật. Ở những tập gần đây của phim, nhân vật Hạnh lộ bí mật “động trời” với mẹ Trung về bản cam kết năm xưa.
Việc Hạnh thừa nhận mình đã sai khi vẫn xuất hiện bên cạnh Trung và còn tình cảm với anh đã khiến khán giả không hài lòng. Theo đó, họ nhận thấy Hạnh có tình cảm trước sau không rõ ràng, hứa xa Trung nhưng ở những cuộc hẹn trong quá khứ, cô vẫn có ý bật đèn xanh với anh. Tuy nhiên, đây chỉ là ý kiến chủ quan của một số khán giả, số khác lại nhận thấy phim xây dựng tình huống này khá thực tế.
Có thể nói, phim Đừng Làm Mẹ Cáu đã thổi luồng gió mới vào màn ảnh nhỏ Việt Nam thời gian gần đây, mang đến cho khán giả những phút giây chữa lành tâm hồn, không drama, đánh đố. Phim mở ra xu hướng mới về dòng phim chữa lành lấy đề tài gia đình, tình mẫu tử làm trung tâm để khai thác, kể chuyện dưới góc nhìn của một đứa trẻ. Qua dự án này, các nhà làm phim có thể thấy được xu hướng thưởng thức phim ảnh của khán giả, từ đó sáng tạo nên nhiều tác phẩm ăn khách hơn về sau.
Theo Tôn Nghệ Trân (Saostar.vn)