Tại hội nghị - hội thảo Tổng kết 7 năm thực hiện Chiến lược phát triển điện ảnh tổ chức năm 2021, Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch đã đặt ra một số mục tiêu cho sự phát triển của điện ảnh nước nhà tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, việc đầu tư, phát triển để điện ảnh trở thành ngành công nghiệp “mũi nhọn” đã được đặt lên hàng đầu nhằm thúc đẩy kinh tế nước nhà phát triển và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ấy vậy mà tính đến năm 2022, điện ảnh Việt vẫn chưa mấy khởi sắc dù có nhiều dự án “khủng” từ nội dung, vốn đầu tư đến dàn cast, ra đời. Đáng buồn hơn, cụm từ “giải cứu phim Việt” lại thường xuyên được người người nhà nhà nhắc đến trước thực trạng phim nội địa ngày càng thua lỗ, “lép vế” thấy thương trước phim ngoại. Nhưng đâu phải muốn là sẽ “giải cứu” được…
Thực trạng phim Việt thua lỗ, “lép vế” toàn tập trước phim ngoại
Nhìn lại một loạt những bộ phim điện ảnh ra rạp trong năm 2022, dễ nhận thấy, dù công chiếu cùng thời điểm, phim do nước nhà sản xuất đang thất thế thấy rõ so với phim nước ngoài. Thậm chí, có phim còn thua lỗ hàng chục tỷ, cụm từ “bom tấn lỗ tiền tấn” không phải tự nhiên mà được truyền thông nhắn tới.
Đối với phim Việt, năm 2022 đánh dấu sự trở lại của nhiều nhà sản xuất, diễn viên tên tuổi với nhiều cách làm phim mới, thể loại cũng cực kỳ đa dạng. Nhưng hầu như chưa có dự án nào đạt được thành công như kỳ vọng. Nhìn qua loạt phim thua lỗ tiền tỷ ra rạp trong thời gian gần đây, dễ nhận thấy đa phần các dự án đều có chung điểm yếu chí mạng đó là sự nhàm chán về nội dung lẫn diễn xuất. Trong đó, các nhà làm phim dường như chưa bắt được “tần số” giữa mình và khán giả - người có nhu cầu thưởng thức các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật và nhân tố chính làm nên doanh thu của dự án.
Giữa năm 2022, “mợ chảnh” Lý Nhã Kỳ đã mạnh tay chi 33 tỷ đồng để “hồi sinh” dự án Bí Mật Thiên Đường thành phim Kẻ Thứ Ba, tài tử Giày Thủy Tinh - Han Jae Suk đảm nhiệm vai nam chính. Nhưng rốt cuộc, phim chỉ thu về gần 1 tỷ đồng và được xem là dự án đáng quên trong sự nghiệp của Lý Nhã Kỳ.
Theo giới chuyên môn và khán giả đã theo dõi bộ phim, điều khiến Kẻ Thứ Ba “flop” nặng bắt nguồn từ khâu xây dựng kịch bản. Theo đó, nội dung phim được đánh giá là lỗi thời, dễ đoán, góc máy, âm thanh, ánh sáng cũng không có gì nổi bật nếu so với tầm vóc của một dự án có vốn đầu tư 33 tỷ. Vì thế, những bảo chứng diễn xuất một thời như Han Jae Suk, Kim Tuyến hay Lý Nhã Kỳ cũng không “gánh” nổi bộ phim.
Bên cạnh Kẻ Thứ 3, loạt phim Việt được đầu tư “khủng” khác cũng nhận cảnh ê chề vì ế vé, có dự án còn nhận “cơn mưa gạch đá” vì diễn xuất kém. Phim điện ảnh Việt tiên phong khai thác đề tài thây ma - Cù Lao Xác Sống đạt doanh thu khoảng 12 tỷ đồng sau khi rời rạp cùng nhiều bình luận tiêu cực từ khán giả và giới chuyên môn.
Thậm chí, có người gọi đây là phim làm “méo mó” hình tượng xác sống vốn có, hoặc phim zombie nhưng lại “ru ngủ” người xem vì kịch bản nhàm chán, tình tiết chậm, lồng ghép những yếu tố mang đậm tính văn hóa nhưng lại lạc quẻ.
Ngoài ra, còn nhiều tựa phim được đầu tư bài bản, quy tụ sự tham gia của dàn cast toàn sao nhưng vẫn không đủ sức tự cứu lấy mình, huống chi vực dậy nền điện ảnh Việt. Phim điện ảnh Vô Diện Sát Nhân lỗ hơn chục tỷ, bị chê kịch bản lỗi thời, dù màn trình diễn của nữ chính Phương Anh Đào được đánh giá là không quá tệ.
Phim Duyên Ma được gọi là “thảm họa” với màn “song kiếm hợp bích” lạc quẻ của Ngọc Trinh - Kiều Minh Tuấn. 578: Phát Đạn Của Kẻ Điên do Hoa hậu H’Hen Niê đóng thu về 3.5 tỷ đồng, lỗ nặng so với con 60 tỷ tiền vốn, phim vừa gây tranh cãi dữ dội và bị chê không xứng khi được chọn tranh giải tại Oscar.
Bên cạnh những bộ phim có doanh thu “nhỏ giọt”, địa hạt điện ảnh Việt năm 2022 vẫn có sự góp mặt của các dự án chạm mốc trăm tỷ nhưng lại quá thuần về thương mại, gây tranh cãi về nội dung. Nghề Siêu Dễ và Dân Chơi Không Sợ Con Rơi của Thu Trang - Tiến Luật lần lượt đạt mốc 70 tỷ và 45 tỷ và được xem là những bộ phim thành công về mặt thương mại.
Tuy nhiên, 2 bộ phim vẫn gây tranh cãi về nội dung, riêng vai nam chính trong Dân Chơi Không Sợ Con Rơi được đánh giá là màn thể hiện chưa đột phá của Tiến Luật. Em Và Trịnh là phim Việt đạt doanh thu cao nhất năm 2022 khi cán mốc 100 tỷ, soán ngôi Nghề Siêu Dễ của Thu Trang, nhưng những tranh cãi về nội dung và diễn xuất của phim vẫn kéo dài đến hiện tại.
Đặc biệt, 2 dự án ra rạp gần đây - Mười: Lời Nguyền Trở Lại và Cô Gái Từ Quá Khứ (đang trụ tại rạp) chưa đáp ứng được kỳ vọng vực dậy nền điện ảnh Việt. Trong khi Lan Ngọc được đánh giá là chưa phát huy hết tiềm năng vốn có vì giới hạn bởi kịch bản, thì Chi Pu lại được gọi tên như “lỗ hổng” về diễn xuất, để bạn diễn “gánh còng lưng”.
Trong năm 2022, Đêm Tối Rực Rỡ của vợ chồng đạo diễn Aaron Toronto - Nhã Uyên đại thắng tại lễ trao giải Cánh Diều và được xem là phim điện ảnh Việt thành công về cả nội dung và diễn xuất. Đây cũng được biết đến như một “hiện tượng lạ” của dòng phim độc lập khi thu về hơn 21 tỷ đồng (tính đến ngày 26/4). Phim ghi điểm nhờ kịch bản chặt chẽ, chân thực, đề tài và cách làm phim mới lạ, diễn xuất ấn tượng dù không sở hữu dàn cast toàn sao như những dự án khác.
Trái ngược với phim Việt, các dự án điện ảnh nước ngoài lại đạt doanh thu khủng, thậm chí còn lập kỷ lục chỉ sau vài ngày công chiếu. Phim Bỗng Dưng Trúng Số thu về 150 tỷ đồng, trở thành phim Hàn có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Việt Nam.
Dự án Ngược Dòng Thời Gian Để Yêu Anh thu về 80 tỷ, trở thành phim Thái ăn khách nhất công chiếu tại Việt Nam, “bom tấn” Avatar dù chiếu lại phần 1 (ra mắt năm 2009) cũng đạt trên dưới 15 tỷ, Black Adam của The Rock và Đặc Vụ Xuyên Quốc Gia do Hyun Bin đóng đang thay nhau “chặn đường” phim Cô Gái Từ Quá Khứ với tỷ suất người xem ngày một tăng.
Có thể thấy, dù cùng ra mắt trong năm 2022, cùng sở hữu dàn cast đình đám nhưng doanh thu phim nước ngoài so với phim Việt đang có sự chênh lệch quá lớn. Điều này đồng nghĩa với việc xác suất khán giả đến rạp chọn xem phim Việt đang chiếm tỷ lệ quá thấp so với phim ngoại. Đặc biệt, với sự trở lại của phần 2 tựa phim ăn khách nhất toàn cầu - Avatar vào 18/12 tới cùng màn đổ bộ của Black Panther 2, tình trạng “lép vế” này không biết sẽ kéo dài đến bao giờ.
Ai sẽ là người “giải cứu” phim Việt?
Thực trạng phim Việt thất thế trước phim ngoại mang đến nhiều hệ lụy cho điện ảnh nước nhà, sâu xa hơn là ảnh hưởng đến kinh tế của quốc gia. Đầu tiên, khán giả Việt sẽ dần mất lòng tin về phim do nước nhà sản xuất, lâu dài dẫn đến những định kiến không thể dứt ra được về phim Việt. Biết bao giờ những câu nói như: “Thấy phim Việt là không xem”, “Phim kinh dị Việt toàn thảm họa”, “Bỏ tiền ra xem phim Việt là có lỗi với túi tiền của bản thân”,... mới biến mất, khán giả mới lấy lại niềm tin với những sản phẩm giải trí do ê-kíp nội địa sản xuất.
Không phải tự nhiên cụm từ “giải cứu phim Việt” lại được nhắc đến với tần suất dày đặc hiện nay. Có ý kiến cho rằng, khán giả Việt đang “sính ngoại” để giải thích cho sự thất thế của phim nội địa so với phim nước ngoài tại phòng vé. Tuy nhiên, đừng đổ lỗi cho sự xuất hiện của phim nước ngoài hay chuyện “sính ngoại” làm lý do khiến phim nội địa ế khách.
Phim phải hay, phải chất lượng thế nào thì khán giả mới chịu bỏ tiền ra thưởng thức vì suy cho cùng, mỗi người đều có quyền chọn sản phẩm giải trí phù hợp với bản thân. Chưa kể, nếu bỏ cùng 1 khoản tiền để xem phim, chắc chắn công chúng sẽ chọn phim có chất lượng nhỉnh hơn, đây là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Còn nếu lấy lý do ảnh hưởng của dịch bệnh để giải thích cho sự ế khách của phim Việt cũng không thuyết phục. Bởi nhìn vào thành tích của Bỗng Dưng Trúng Số hay Ngược Dòng Thời Gian Để Yêu Anh, có thể thấy, rõ ràng khán giả có ra rạp nhưng họ không muốn chọn phim Việt để xem.
Không ai đủ khả năng để giải cứu phim Việt bằng chính nỗ lực tự thân của những nhà làm phim nội địa. Theo đạo diễn, diễn viên Trấn Thành - cha đẻ của “bom tấn” Bố Già: “Nếu phim Việt hay thì cần gì giải cứu, khán giả sẽ tự động đến rạp”.
Thật vậy, tự thân các nhà làm phim phải làm nghề một cách nghiêm túc, chú trọng khâu xây dựng kịch bản, dàn diễn viên cũng phải được trau dồi kỹ lưỡng về diễn xuất. Đặc biệt, dựa trên những dự án “flop” thấy thương thời gian gần đây, có thể thấy diễn xuất không phải là nỗi lo lớn nhất đối với phim điện ảnh Việt, mà nội dung mới là yếu tố quan trọng nhất.
Như vậy, thách thức của các nhà làm phim Việt hiện nay chính là làm sao để “đứa con tinh thần” của mình trở nên chất lượng, nổi bật trong mắt khán giả đủ để họ đồng ý chi tiền mua vé ra rạp thưởng thức. Lúc này, khán giả không còn là yếu tố chính để giải cứu phim Việt, mà chính ê-kíp làm phim phải là người tự tìm đường đi cho mình trước tiên.
Ngoài ra, các nhà làm phim nên “bắt chước” một cách có chọn lọc dự án nước ngoài về mặt truyền thông lẫn tư duy nắm bắt thị hiếu khách hàng. Tại sao phim Bỗng Dưng Trúng Số từng thu được thành tích ảm đạm tại quê nhà Hàn Quốc nhưng lại thu được đến 150 tỷ tại Việt Nam?
Chính nhà sản xuất lẫn dàn diễn viên của Bỗng Dưng Trúng Số cũng vô cùng kinh ngạc trước loạt thành tích mà mình tạo ra ở thị trường nước ngoài. Qua ví dụ này, có thể thấy nhiều nhà làm phim nước ngoài đang làm rất tốt trong việc khai thác nội dung sao cho phù hợp với khán giả Việt. Họ thậm chí còn nắm được “tần số” với người Việt “ăn đứt” phim nội địa.
Thành công của Bỗng Dưng Trúng Số nói riêng và phim nước ngoài nói chung đến từ sự thông minh trong việc xây dựng kịch bản, đầu tư về team sub để bắt kịp xu hướng thời đại, áp dụng nhiều hơn nữa tiến bộ khoa học - kỹ thuật,... đây toàn là những điều nhà làm phim Việt vẫn chưa khai thác được.
Tóm lại, đừng hô khẩu hiệu “giải cứu phim Việt” nếu bản thân bộ phim đó chưa đủ “trình” để được đón nhận và níu chân khán giả đến rạp thưởng thức. Đây sẽ là một nhiệm vụ bất khả thi nếu như không có sự đồng lòng, cố gắng của các ê-kíp làm phim Việt ở nhiều vai trò, từ nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên đến những người phụ trách hậu kỳ, âm thanh, ánh sáng,...
Nếu một bộ phim thật sự chất lượng về nội dung lẫn hình thức, chắc chắn nó sự tự giải cứu bản thân mình. “Tiếng lành đồn xa”, khán giả sẽ tự động đến rạp, con số ấy có thể tăng theo cấp số nhân và dần giúp phim Việt lấy lại vị thế, niềm tin trong lòng khán giả.
Hi vọng rằng các nhà làm phim Việt sẽ mang đến nhiều hơn nữa các sản phẩm chất lượng trong thời gian tới để đảm bảo đến năm 2030, điện ảnh sẽ trở thành nền kinh tế mũi nhọn của đất nước. Mong một lúc nào đó, điện ảnh Việt sẽ ngày càng phát triển, đạt thành tích cao và đủ sức sánh ngang với các quốc gia khác trên thế giới, mang lại niềm tự hào cho người dân nước nhà.
Team Điện Ảnh (Saostar.vn)