Chưa bao giờ nội dung các chương trình giải trí trên tivi mang tên game show lại trở thành vấn đề của toàn xã hội, gây bức xúc cho cộng đồng như hiện nay…
Kêu trời… hài ơi là hài
Từ khi rộ lên đến nay có thể kể ra đến hơn 30 game show truyền hình có yếu tố hài, tiêu biểu như Ơn giời cậu đây rồi, Thách thức danh hài,Người bí ẩn, Hội ngộ danh hài, Chết cười, Hội quán tiếu lâm, Hội ngộ danh hài, Danh hài đất Việt, Cười xuyên Việt, Làng hài mở hội, Diêm vương xử án, Bí mật đêm Chủ nhật, Song đấu, Đại náo thành Takesi... Nhưng điểm lại phần lớn game show có hài ít nhiều có những yếu tố phản cảm nặng nề.
Trên màn ảnh tivi, người xem liên tục thấy từ những diễn viên tên tuổi Minh Nhí, Hoài Linh, Chí Tài, Trấn Thành, Trường Giang, Minh Đức, Gia Bảo, La Thành… đến những thí sinh vô danh chưa một lần đứng trên sân khấu và cả những ca sĩ như Long Nhật, Ngô Kiến Huy, Thanh Duy Idol… thi nhau giả gái vô tội vạ. Đi kèm với những màn giả gái này là những lời thoại thô thiển kiểu như “Bà nội cha mày”, “Thôi đi mấy má”, “Kệ bà tao”, “Thôi đi bà nội”, “Vong này ám, vong này nặng lắm nè”…
Không chỉ Hương Giang đưa ra đáp án phản cảm, chương trình Siêu sao đoán chữ còn có những đáp án khó chấp nhận. Ảnh: BTC |
Từ ăn nói bỗ bã, các diễn viên chuyển qua sự thô tục. Trong chương trình Chết cười, khán giả phải chịu đựng những kiểu nói ám chỉ như:“Cong quá gãy thì sao?”; “Xóc đi, xóc mà không ra là có chuyện”…Trong Bí mật đêm Chủ nhật, ở tiểu phẩm Đêm tân hôn, diễn viên hài hải ngoại Vân Sơn có những cử chỉ sờ soạng diễn viên Hồng Đào. Ngược lại, trong tiết mục Đi coi bói, Hồng Đào áp sát vào người Vân Sơn, lăn lê, dạng chân với những động tác nhạy cảm…
Hết giả gái, ăn nói bỗ bã, diễn thô tục, trong các game show người ta lại thấy Trấn Thành, Việt Hương, Trường Giang, Thu Trang… lôi những thói tật, đặc điểm của nhau ngoài đời ra bông đùa, chọc phá nhau. Vậy nên người xem đang có cảm giác coi diễn viên kê kích nhau trên màn ảnh nhỏ. Không chỉ vậy, chuyện yêu đương của các diễn viên cũng thường xuyên bị lôi lên màn ảnh như một yếu tố gây cười. Chuyện này nhiều đến mức đã có một bài viết thống kê có bao nhiêu lần chuyện yêu đương của hai cặp Trấn Thành - Hari Won, Trường Giang - Nhã Phương được hai đôi này đem ra chọc cười nhau, chọc cười khán giả. Vậy nên mới có chuyện trong chương trình Đấu trường tiếu lâm, khán giả đã tức giận lên mạng phản ứng chuyện này.
Không hài cũng lắm chiêu trò phản cảm
Game show The Face mùa 2 chưa bắt đầu đã gây scandal tưng bừng bởi những trò đấu tố nhau từ chuyện công việc đến chuyện đời tư của những gương mặt nổi tiếng dự kiến sẽ là giám khảo. Cái sự ồn ào này nhắc nhớ đến những scandal ồn ào không kém ở mùa 1 đã qua của cuộc thi này khi các giám khảo và các học trò liên tục xích mích, đăng Facebook, lên mặt báo nói cạnh khóe nhau. Khán giả đã ngán ngẩm đặt câu hỏi vậy chương trình này đưa ra thông điệp, bài học gì đến thí sinh và công chúng? Phải chăng là bài học đấu đá, tranh giành, phản bội?
Ở Tuyệt chiêu siêu diễn, nhà sản xuất đã khẳng định đây là game show mang tính giải trí cao, kết hợp cả âm nhạc và khả năng diễn xuất. Bên cạnh khả năng hát nhép, các thí sinh phải biết diễn sao cho hài hước, sáng tạo. Vậy nhưng sáng tạo ấn tượng khó phai nhất của chương trình này là nhiều tập liền đều có những màn giả gái thô thiển.
Chương trình Người giấu mặt còn có màn lột đồ để đọ cân ngay trên sóng truyền hình. Trong khi đó Tôi dám hát và Đố ai hát được khiến khán giả rùng mình vì đã để thí sinh vừa hát vừa bị tra tấn tinh thần bằng cách sờ mó, tiếp xúc với trăn, rắn…
Mới đây nhất, sau sự cố Hương Giang Idol cho đáp án nghệ sĩ Trung Dân đút đầu vô bồn cầu thì hàng loạt sự nhảm nhí, thiếu tính văn hóa của game show Siêu sao đoán chữ đã bị đề cập. Khi MC của game show này đưa ra câu hỏi “Một tên cướp nhà băng lạ lùng nhất thế giới. Thay vì trùm vớ lên đầu thì hắn ta lại trùm... lên đầu”, đã có diễn viên tham gia trò chơi đưa ra đáp án là cái “lờ”. Đáp án gây sốc về mặt ngôn ngữ ẩn dụ dễ liên tưởng nên MC đã phải giải thích thêm “lờ là cái đồ bắt cá”. Hoặc khi gặp câu hỏi “Hương Giang kể rằng: Khi còn bé, đến con chó cũng ghét tôi. Cách duy nhất để con chó đến gần tôi là tôi phải ăn mặc như một con...”, có ca sĩ chơi game đưa ra đáp án “chó mẹ”, cũng có đáp án là… “chó cái” (!).
Có thể thấy rõ khi xuất hiện, các game show giải trí cũng đã ồ ạt đẩy lùi, chiếm sóng của nhiều chương trình tivi về khoa học, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, phim ảnh, sân khấu… và cả những game show giải trí nhưng lồng ghép nhiều kiến thức như Trúc xanh, Rồng vàng, Chiếc nón kỳ diệu… Tuy chiếm sóng, giành chỗ nhiều như thế trong đời sống tinh thần của đại bộ phận người dân hiện nay nhưng giá trị văn hóa, tinh thần các game show giải trí đem lại cho cộng đồng, xã hội là gì? Giá trị giải trí mang lại như thế nào?
Dư luận xã hội, dư luận báo chí, tiếng nói của nghệ sĩ bức xúc về hiện trạng game show bẩn đã đến mức tràn ly. Vấn đề còn lại là trách nhiệm của những nhà quản lý kiểm duyệt, định hướng, là trách nhiệm của những nhà sản xuất game show về ý thức với cộng đồng, xã hội…
Tại một hội thảo về thực trạng nghệ thuật biểu diễn do Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức cách đây không lâu, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của kịch IDÉCAF bức xúc: “Các sân khấu kịch đã và đang phải chịu sự xét duyệt vở diễn rất kỹ của Sở Văn hóa-Thể thao. Trong khi các chương trình hài kiểu truyền hình thực tế gần như không ai duyệt. Diễn viên không cần kịch bản, muốn nói gì thì nói. Không ít chương trình hài trên tivi vô bổ, nhảm nhí, dung tục. Chỉ trong một năm các chương trình hài nhảm trên tivi đã quét sạch thành quả nghệ thuật gầy dựng 15 năm của các sân khấu kịch, nghệ sĩ kịch Sài Gòn. Các chương trình này đã đẩy lùi, kéo thị hiếu khán giả và giá trị lao động nghệ thuật của diễn viên đi xuống trầm trọng”. Tại đây, nghệ sĩ Xuân Hương cũng phát biểu: “Chính sự vô trách nhiệm với cộng đồng của một số cơ quan báo chí, truyền thông đã góp phần làm tình trạng suy thoái văn hóa nghệ thuật hiện nay càng trầm trọng hơn; giết chết nghệ thuật chân chính, nghệ sĩ lao động chân chính”. Tại hội thảo nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, góp phần xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình do HĐND và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức năm rồi, NSND Hồng Vân phát biểu: “Bây giờ trên mạng, truyền hình, game show bùng nổ với tỉ lệ người xem rất cao khiến chúng ta ngộ nhận là người dân thích tiếp nhận những điều đó. Game show, nhất là những game show hài đang giật văn hóa, giật thẩm mỹ xuống đến mức lệch lạc, lệch hướng khiến chúng tôi là người vừa quản lý vừa trực tiếp tham gia những game show đó cũng bị mất định hướng”. |
Theo Tâm Khanh (Pháp Luật TP.HCM)