Tối 8/9, bộ phim của VTV Đặc biệt "Ranh giới" được phát sóng khiến nhiều người xem không cầm được nước mắt. Với thời lượng 50 phút, bộ phim đã lột tả chân thực cuộc chiến giành sự sống cho các thai phụ nhiễm Covid-19 của các y bác sĩ tại bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM.
Cả bộ phim không có lời bình, chỉ có những âm thanh hiện trường giúp người xem như trực tiếp đến những điểm nóng và khốc liệt nhất trong cuộc chiến chống Covid-19. Những tiếng tiếng thở dốc, những tiếng gọi bệnh nhân, tiếng điện thoại, tiếng bác sĩ và cả tiếng "píp" kéo dài từ máy monitor ám ảnh người xem.
Bộ phim "Ranh giới" đã lột tả chân thực nhất bức tranh giữa lằn ranh sự sống và cái chết. Các bác sĩ luôn phải đối mặt với nhiều sự lựa chọn, trong đó, lựa chọn nào cũng day dứt. Những thước phim sống động đã giúp người xem hình dung ra được cuộc chiến chống Covid-19 khốc liệt và căng thẳng đến nhường nào!
Để có được bộ phim xúc động như vậy, ê-kíp của Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự VTV đã ngược dòng vào tâm dịch, nằm vùng ở những điểm nóng và khốc liệt nhất. Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và quay phim Kiều Viết Phong đã túc trực tại Bệnh viện Hùng Vương 21 ngày để thực hiện bộ phim tài liệu về các thai phụ mắc Covid-19.
Giữa những màu áo trắng của các y bác sĩ nơi tuyến đầu, có những con người đặc biệt, mặc những bộ trang phục bảo hộ cầm máy quay, máy ghi âm để ghi lại những thước phim chân thật nhất. Tại đây, họ phải đối mặt với nguy hiểm cận kề, khi đón nhận thông tin xét nghiệm Covid-19.
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư xác định trong chuyến đi là vào nơi tâm của tâm dịch, sẽ tiếp xúc thường xuyên với F0. Trong môi trường đặc biệt có khả năng lây nhiễm cao khủng khiếp như thế, anh xác định nằm trong diện bị nhiễm bất cứ lúc nào.
Chia sẻ với VTV, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư tiết lộ thời gian tác nghiệp tại Bệnh viện Hùng Vương, trong một lần test thì mẫu gộp của anh và 2 bác sĩ dương tính.
"Trong một lần test thì mẫu gộp của chúng tôi dương tính, tên của tôi và của 2 bác sĩ khác được bôi đậm hơn. Lúc đó, tôi chỉ sợ là tôi không thể hoàn thành công việc thì đã phải đi cách ly thôi. Cũng may tôi âm tính, buồn một nỗi là 2 bác sĩ test lại với tôi chiều hôm đấy thì đều dương tính cả", đạo diễn Tạ Quỳnh Tư kể lại.
Thay đổi để thích ứng và quên đi những nguy hiểm xung quanh, ê-kíp đã ghi lại những khoảnh khắc đội ngũ y bác sĩ chạy đua để cứu lấy mạng sống bệnh nhân, những thời khắc đưa ra quyết định khó khăn, … Để không làm ảnh hưởng đến công việc của đội ngũ y tế và bệnh nhân, ê-kíp đã có sự chuẩn bị kỹ về thiết bị, không gian, thời gian ghi hình. Đồng thời cố gắng ghi lại những chi tiết chân thực giàu cảm xúc.
Là người trực tiếp ghi lại những thước phim ấy, quay phim Kiều Viết Phong đặc biệt ấn tượng với khoảnh khắc người cha già đến nhận di vật của cô con gái không may qua đời vì Covid-19.
"Hình ảnh khi mà người cha đến nhận hành lý và ký xác nhận con và cháu của mình không qua khỏi. Lúc đó có một bác sĩ đưa điện thoại, bật cái hình ảnh lúc người con của ông còn đang nằm trên giường bệnh. Tôi nhìn người bác sĩ cũng rưng nước mắt và người cha thì sững người nhưng tôi cảm nhận được tình đồng bào bác sĩ dành cho gia đình bệnh nhân", anh Viết Phong tâm sự.
Khi có những thước phim đầu tiên, đạo diễn Nguyễn Hoàng Long, người tổ chức sản xuất "Ranh giới" không khỏi xúc động, cảm phục lực lượng y tế tuyến đầu.
"Khi mà có những thước hình đầu tiên, thì tôi thấy rằng những khó khăn của mình nó quá nhỏ bé. Ngành y tế, họ đã nhiều đêm không ngủ và cứu chữa hàng nghìn, thậm chí hàng vạn những bệnh nhân F0, là lực lượng truyền cảm hứng cho chúng tôi để chúng tôi nỗ lực, hoàn thành nhiệm vụ", đạo diễn Hoàng Long chia sẻ.
Vượt qua những nỗi sợ hãi và thách thức, ê-kíp thực hiện "Ranh giới" mang đến khán giả một bộ phim tài liệu thấm đẫm tình người, nghĩa đồng bào, vượt khỏi rào cản dịch bệnh. Đồng thời tôn vinh nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ y bác sĩ trong cuộc chiến vô cùng gian khó và hiểm nguy này.
Theo Thanh Thanh (Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)