Ngày 15/6, Sina đưa tin diễn viên, biên đạo múa Dương Lệ Bình mới đây đã tới Tứ Xuyên làm khách mời. Tại đây, Khổng tước làng múa Trung Quốc đã trả lời về việc điệu múa chim công bị chê gợi dục, trang phục bất nhã.
Dương Lệ Bình chia sẻ sự xuất hiện của các diễn viên phù hợp với cốt truyện. Việc nam diễn viên mặc đồ da, trang phục trong suốt dưới ánh đèn, để lộ cơ bắp và phần nhạy cảm là ý đồ của biên kịch, bởi khi đó con đực đã trao toàn bộ lông vũ trên cơ thể mình để giành lấy sự tự do cho công cái.
"Toàn bộ vở diễn được chia làm 4 phần: Xuân, hạ, thu, đông. Điệu nhảy đó là phần tôi thích nhất và cũng là phần khó nhất trong bài múa. Không có những trang phục lộng lẫy hỗ trợ, đòi hỏi các diễn viên phải sử dụng ngôn ngữ hình thể ở mức cực hạn để biểu diễn", Dương Lệ Bình giải thích về ý nghĩa của vở múa đứng trên khía cạnh nghệ thuật.
Trên QQ, nhiều khán giả ủng hộ việc các nghệ sĩ múa sáng tạo và cho rằng trang phục, các động tác trên sân khấu không mang ý nghĩa tiêu cực như công chúng đang bình phẩm.
Trước đó, điệu múa chim công nổi tiếng của Dương Lệ Bình nhận chỉ trích vì bị cho là có các động tác mơn trớn gợi dục quá mức giữa vũ công nam và nữ.
Ngoài ra, chương trình của Dương Lệ Bình không hạn chế độ tuổi khán giả, nhiều trẻ em theo cha mẹ tới thưởng thức. QQ bình luận màn múa có thể gây ảnh hưởng xấu tới khán giả nhỏ tuổi. Công chúng cảm thấy thất vọng vì điệu múa chim công đã bị tình dục hóa. Bên cạnh đó, nhiều câu hỏi được đặt ra về ranh giới giữa sáng tạo nghệ thuật và động tác phản cảm.
Hồi tháng 4, biên đạo múa Tiếu Dung Hạo, học trò của Dương Lệ Bình đăng hình ảnh đôi chim công quấn quýt với nhau lên mạng xã hội, khẳng định điệu múa xuất phát từ tập tính sinh hoạt trong đời thực của loài công.
Dương Lệ Bình là nghệ sĩ múa nổi tiếng bậc nhất Trung Quốc. Bà sở hữu đoàn múa riêng, được yêu mến nhờ nhiều sáng tạo trong nghệ thuật múa và lưu giữ các nét đẹp văn hóa truyền thống. Các buổi biểu diễn của Dương Lệ Bình và vũ đoàn thường cháy vé.
Theo Minh Vũ (Tiền Phong)