Một thông tin đáng chú ý, sáng 21/11, đại diện của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam cho biết năm nay nhà đài sẽ không sản xuất Táo quân 2020, thay vào đó sẽ là một chương trình hoàn toàn mới. Thông tin về format chương trình mới hiện được giữ bí mật.
Chưa rõ chương trình mới thế chân Táo quân sẽ như thế nào nhưng có thể khẳng định, việc bỏ chương trình Táo quân sẽ là một mất mát lớn với nhà đài bởi hằng năm, chương trình mang lại khoản doanh thu vô cùng “khủng” cho VTV.
Theo đó, nhìn lại bảng báo giá quảng cáo do TVAd mời chào trong chương trình Táo quân 2019 thì thấy mức giá tối thiểu là 265 triệu đồng cho mỗi lần phát sóng TVC quảng cáo có thời lượng 10 giây. Đối với TVC 15 giây, mức giá là 318 triệu đồng/lần phát sóng; TVC 20 giây là 397.500.000 đồng/lần phát sóng.
Đặc biệt, để được phát sóng TVC thời lượng 30 giây, doanh nghiệp phải chi số tiền hơn nửa tỷ, lên đến 530 triệu đồng/lần phát sóng.
Nếu doanh nghiệp muốn quảng cáo ở vị trí ưu tiên ở đầu hoặc cuối chương trình, mức giá quảng cáo sẽ tăng thêm từ 10% - 20% so với bảng báo giá ban đầu.
Với dàn diễn viên “khủng” toàn những tên tuổi kì cựu nên dù muốn hay không thì cũng phải thừa nhận rằng doanh thu từ quảng cáo là rất quan trọng. Vậy nhưng có những mùa, Táo quân bị khán giả la ó vì quảng cáo quá lộ liễu, phản cảm, làm mất đi chất hài, tính nghệ thuật.
Điển hình như chương trình Táo quân 2018, khán giả nhận định điểm nhấn không phải là kịch bản với những vấn đề thời sự mà chính là việc buổi chầu bị chèn quá nhiều câu thoại PR, quảng cáo phản cảm.
Ngay từ lúc Táo quân được lên sóng ít phút, Nam Tào (Xuân Bắc) đã có hành động quảng cáo cho cổng thanh toán VNPAY khiến cho chương trình mất điểm với người xem. Cụ thể, khi Bắc Đẩu (Công Lý) than thở không mang theo tiền mặt để mua son, Nam Tào bất ngờ khuyên Bắc Đẩu mở túi thanh toán điện tử, quét mã VNPAYQR vừa an toàn vừa tiện lợi.
Hay như khi bị phàn nàn vì trốn soát vé, Táo Y tế (Vân Dung) bức xúc nói: “Ở dưới hạ giới, người ta đi vé máy bay giá rẻ Jetstar rồi”.
Chưa dừng lại ở đó, Táo Xã hội (Tự Long) tiếp tục có câu thoại PR cài cắm khá phản cảm khi Bắc Đẩu nhắc đến việc bán hàng trên Facebook. Táo Xã hội cho rằng giờ nhiều người không mua hàng trên Facebook mà mua hàng online trên trang Sendo bán tất cả mọi mặt hàng. Điều này khiến người xem ngao ngán.
Suốt chương trình Táo quân 2018, các thương hiệu tài trợ liên tục xuất hiện ở góc phải màn hình tivi. Việc phải dành thời lượng cho quảng cáo khiến chương trình có những câu thoại không ăn khớp, cách giải quyết vấn đề bị cụt, khiến người xem mất hứng.
Chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo quân do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Đài truyền hình Việt Nam (VFC) sản xuất. Chương trình được phát sóng cố định vào lúc 20h trên các kênh sóng của VTV vào ngày 30 Tết hàng năm.
Đây là chương trình hài kịch truyền hình đặc biệt được nhiều khán giả yêu thích. Dàn nghệ sĩ quen thuộc của Táo Quân có thể kể đến là Chí Trung, Công Lý, Quốc Khánh, Vân Dung, Tự Long, Xuân Bắc, Quang Thắng... Tính tới dịp Tết 2019, chương trình đã được tổ chức 16 lần do NSƯT Đỗ Thanh Hải làm tổng đạo diễn.
Vài năm gần đây, chương trình bị đánh giá là không còn đặc sắc như trước. Năm 2019, Táo Quân bị cho là quảng cáo quá nhiều, tiếng cười cũng đã "gượng".
Mức giá quảng cáo cao nhất hiện tại thuộc về trận Chung kết lượt về Giải AFF Cup 2018 giữa ĐT Việt Nam và Malaysia trên hai kênh VTV6 và VTV5. Khi ấy TVAd đưa ra mức giá lên tới 950 triệu đồng cho mỗi TVC kéo dài 30 giây. Đây là mức giá quảng cáo TVC cao kỷ lục từ trước đến nay tại Việt Nam
Theo Lê Lan (Nguoiduatin.vn)