"Dùng ngoại ngữ sai trong bài hát Việt thì rất buồn cười"

07/01/2016 11:29:02

Nhạc sĩ trẻ Châu Đăng Khoa cho rằng việc dùng một ngoại ngữ để đặt tên hay viết lời ca khúc là tất yếu nếu muốn tác phẩm vươn ra ngoài lãnh thổ nhưng phải tiết chế, cần trọng.

Nhạc sĩ trẻ Châu Đăng Khoa cho rằng việc dùng một ngoại ngữ để đặt tên hay viết lời ca khúc là tất yếu nếu muốn tác phẩm vươn ra ngoài lãnh thổ nhưng phải tiết chế, cần trọng.

 

Nhạc sĩ trẻ Châu Đăng Khoa từng nhận giải thưởng ở cuộc thi Bài hát Việt.

 
1. Là người làm nghề sáng tác, tôi có thể chắc chắn rằng ai cũng mong muốn ca khúc của mình được phổ biến rộng rãi, lan toả đến đông đảo người nghe nhạc. Đối với “thế giới phẳng” như ngày nay, mong muốn đó không chỉ gói gọn ở đối tượng khán giả trong nước nữa mà có thể là khán giả châu Á hay hơn nữa là khán giả quốc tế.
 
Việc ca khúc tiếng Việt, dành cho người Việt nghe nhưng có sử dụng “tiếng Tây” có thể làm nhiều người không hài lòng. Tuy nhiên, tôi nghĩ khán giả nên thoải mái hơn khi tiếp xúc với những sáng tác như vậy. Điều này sẽ trở nên bình thường nếu khán giả chỉ tập trung vào chất nhạc, giai điệu và toàn bộ nội dung ca khúc thay vì những tiểu tiết.
 

"Việc áp lời nước ngoài sẽ gượng ép nếu nó chỉ mang tính thủ công, "theo mốt". Nhưng ngược lại, khi người sản xuất cho tới ca sĩ thể hiện có mục tiêu rõ ràng và cảm hứng thực sự với ca từ hoặc tựa ca khúc thì tiếng Anh hay tiếng Việt chẳng còn quan trọng" - NS Quốc Trung.

2. Việc đặt tên ca khúc và dùng tiếng Anh trong quá trình sáng tác và phổ biến đem lại nhiều lợi ích. Có nhiều câu hát, với tiếng Anh thì chỉ cần một từ có thể thể hiện được hết hàm ý mà mình muốn truyền tải. Nếu là tiếng Việt thì sẽ là rất dài và khó có thể đưa vào ca khúc.

Đơn cử như ca khúc Craze tôi ra mắt gần đây, từ “craze” (cảm giác phát cuồng vì một điều gì đó/ một ai đó) khó tìm được đồng nghĩa trong tiếng Việt. Tôi viết ca khúc này theo thể loại disco và từ “craze” từng xuất hiện trong các ca khúc nổi tiếng thế giới khác. Đây là một liên tưởng đầy thú vị, vừa kế thừa vừa phát triển.

3. Khi người sáng tác sử dụng một ngoại ngữ khác tiếng Việt, họ cần đầu tư chất xám, kiến thức và phải hết sức thận trọng. Chạy theo trào lưu “sính ngoại”, bắt chước một cách ngô nghê là điều không nên và đáng phê phán.

Theo quan điểm của tôi, một vài ca khúc các đồng nghiệp đưa phần tiếng Anh vào khá khiên cưỡng và vô nghĩa. Chưa kể tới, sai văn phạm tiếng Anh một cách cơ bản cũng là điều khó chấp nhận. Nếu dùng ngoại ngữ trong bài hát Việt sai thì buồn cười lắm.
 

Nữ ca sĩ Hồ Ngọc Hà từng chia sẻ: "Ca khúc có từ tiếng Anh dễ hát hơn".

 
4. Sử dụng tiếng Việt là sự chắt chiu, nâng niu vì vậy sử dụng tiếng Anh để sáng tác lại càng phải chuẩn xác và sáng tạo hơn. Vì thế, việc dùng tiếng Anh để sáng tác không hề dễ dàng như nhiều người vẫn nghĩ. Khán giả có thể hài lòng hay không hài lòng về lối sáng tác này nhưng nó phản ánh sự hòa nhập.
 
Tôi thường đặt ra câu hỏi “có thực sự cần thiết?”, “bài hát liệu có hay hơn” mỗi khi dùng từ nước ngoài khi đặt tên hay viết lời ca khúc. Nếu không trả lời được 2 câu hỏi này tôi sẽ chỉ dùng ngôn ngữ mẹ đẻ để thể hiện.
 
5. Tôi và không ít những nhạc sĩ khác từng dùng tiếng Anh để sáng tác ca khúc (cả tên lẫn lời bài hát đều dùng tiếng Anh). Tôi mong muốn ca khúc của mình có một lối thể hiện mới. Một mục đích khác cũng được tới hướng tới chính là cơi nới đối tượng khán giả tiếp nhận hơn, ở đây là khán giả nước ngoài.
 
Ngày nay, có nhiều dịch vụ hay “kênh” âm nhạc phổ biến trên thế giới nên việc ca khúc mình chia sẻ trên đó cũng có nhiều cơ hội lan tỏa hơn. Trong trường hợp này, tiếng Anh thực sự là một lợi thế và cùng là chìa khóa để mở ra thành công.
 

Một số độc giả quan tâm đến vấn đề "Nhạc Việt lời Tây" đã chia sẻ quan điểm cá nhân:

"Vấn đề này là bình thường, không có gì to tát. Thể loại nhạc trẻ, nhạc thị trường hay thì nghe, không hay thì thôi. Không nên chèn ép sự sáng tạo của người trẻ làm gì. Thế giới vẫn có những ca khúc tiếng la-tinh lai tiếng Anh, Thái Lan có tí Hàn Quốc, Trung Quốc "lai" Nhật Bản, Anh đấy thôi. Không thể ép khán giả tuổi teen nghe nhạc trữ tình khi tâm hồn chưa đủ trưởng thành được" - Độc giả Trần Tâm.

"Vpop bây giờ nó giống như "nồi lẩu thập cẩm". Bài hát lúc thì Tây lúc thì ta. Muốn hoà nhập thì viết lời tiếng Anh toàn bộ rồi hát cho đúng là hoà nhập. Bài hát có mấy chữ tiếng Anh thì nước ngoài nghe cũng chẳng hiểu được. Diễm xưa của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết bằng tiếng Việt cũng được nhiều khán giả nước ngoài biết đến đó thôi" - Độc giả TTMD.

"Sáng tác có thêm tiếng nước ngoài vào không là vấn đề nhưng nhất thiết không được nhảm nhí. Suốt ngày cứ gào lên nhạc Việt phải thuần Việt (lời Việt hoàn toàn) cũng không hoàn toàn đúng. Mỗi lứa tuổi có thể loại nhạc, gu nhạc và cách cảm nhận khác nhau chứ. Bây giờ kêu giới trẻ nghe nhạc xưa, cải luơng, chèo, tuồng có được không?" - Độc giả Vũ Đạt.

 
Nhạc sĩ trẻ Châu Đăng Khoa

Theo Zing.vn

Nổi bật