Dư luận 'ngạc nhiên, ngơ ngác' khi Hồng Đăng, Thanh Hương và nhiều nghệ sĩ nhận được tiền hỗ trợ do ảnh hưởng COVID-19

31/08/2021 17:08:27

Thông tin 99 viên chức hạng IV là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ của 6 nhà hát trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trong đó có diễn viên Thanh Hương, Hồng Đăng, Ngọc Quỳnh,... đã được nhận gói hỗ trợ do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 khiến dư luận tranh cãi.

Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 538/QĐ-SVHTT bổ sung kinh phí năm 2021 cho các đơn vị trực thuộc Sở để thực hiện hỗ trợ đối với viên chức hoạt động nghệ thuật bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.

Theo đó, 99 viên chức là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV thuộc 6 nhà hát trực thuộc Sở, gồm Ca múa nhạc Thăng Long, Kịch Hà Nội, Chèo Hà Nội, Cải lương Hà Nội, Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội và Múa rối Thăng Long được hỗ trợ, mỗi người 3.710.000 đồng.

Dư luận 'ngạc nhiên, ngơ ngác' khi Hồng Đăng, Thanh Hương và nhiều nghệ sĩ nhận được tiền hỗ trợ do ảnh hưởng COVID-19
Thanh Hương nổi tiếng với khá nhiều phim truyền hình và rất đắt show quảng cáo

Theo Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, sự hỗ trợ kịp thời với các nghệ sĩ lúc này là nguồn động lực giúp cuộc sống của họ bớt phần nào khó khăn, khích lệ cả về mặt vật chất lẫn tinh thần, giúp những người nghệ sĩ tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật. Đến nay, danh sách đã có 302 người.

Tuy nhiên, vấn đề đáng chú ý, trong số những nghệ sĩ được nhận hỗ trợ lần này có những gương mặt quen thuộc với khán giả truyền hình như: Diễn viên Hồng Đăng, Thanh Hương, Ngọc Quỳnh, Thúy Hà, Thiện Tùng, Mạnh Cường, diễn viên - nhạc sĩ Phùng Tiến Minh (Nhà hát Kịch Hà Nội), ca sĩ Đông Hùng (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long),... 

Dư luận 'ngạc nhiên, ngơ ngác' khi Hồng Đăng, Thanh Hương và nhiều nghệ sĩ nhận được tiền hỗ trợ do ảnh hưởng COVID-19 - 1
Phùng Tiến Minh và Hồng Đăng trong "Hướng dương ngược nắng"
Dư luận 'ngạc nhiên, ngơ ngác' khi Hồng Đăng, Thanh Hương và nhiều nghệ sĩ nhận được tiền hỗ trợ do ảnh hưởng COVID-19 - 2
Diễn viên Ngọc Quỳnh được nhiều khán giả biết đến trong phim "Hoa hồng trên ngực trái"

Nhìn vào những cái tên này, ngay lập tức trên mạng xã hội nhiều luồng ý kiến được đưa ra. Có ý kiến đồng tình cho rằng dù họ là những nghệ sĩ nổi tiếng có nhiều nguồn thu nhập nhưng họ cũng đóng góp thuế thu nhập cá nhân hàng năm con số rất lớn nên chính sách như vậy là công bằng hợp lý, cùng cộng hưởng. 

Ở chiều ngược lại, phần đông ý kiến bày tỏ sự ngạc nhiên đến ngơ ngác cho rằng: “Chắc có sự nhầm lẫn nào đó của các Nhà hát khi trình danh sách cho Sở, chứ tôi tin các bạn Ngôi sao phim truyền hình như này dù có khó khăn thì vẫn hơn nhiều người lao động khác. Và tôi nghĩ họ sẽ không nhận hỗ trợ đâu”; “Thực ra nên hỗ trợ cho các hoạ sĩ, tác giả, nhân viên hậu đài, kỹ thuật viên các nhà hát và các diễn viên hạng C (chuyên đóng vai quần chúng, hiếm khi được đóng phim truyền hình)... thì hợp lý hơn. Chứ một số bạn ngôi sao kia có khó khăn thì vẫn hơn rất nhiều người khác”; “COVID-19 thì ai cũng bị ảnh hưởng nhưng nếu tính như này e là không hợp lý bởi thu nhập từ trước của những nghệ sĩ này đã tích lũy, sao đánh đồng với người lao động và thu nhập thấp”… 

Cũng có người chỉ rõ: “Nhiều nghệ sĩ này có nguồn thu từ quảng cáo online, đặc biệt trên mạng xã hội. Tôi nghĩ sẽ không khó khăn vì bị mất thu nhập với các nghệ sĩ như này đâu. Có chăng là các bộ phận hậu cần và diễn viên quần chúng”.

Dư luận 'ngạc nhiên, ngơ ngác' khi Hồng Đăng, Thanh Hương và nhiều nghệ sĩ nhận được tiền hỗ trợ do ảnh hưởng COVID-19 - 3

Trước đó, thời điểm đầu tháng 7/2021, khi UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3642/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đối với lĩnh vực nghệ thuật, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam - NSND Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, đề xuất của Bộ VH-TT&DL cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo khiến các nghệ sĩ thấy ấm lòng, có niềm tin với các lãnh đạo. Sự quan tâm này là đúng lúc và thiết thực. Bởi nghệ sĩ là đối tượng bị ảnh hưởng rất lớn khi hoạt động biểu diễn gần như "đóng băng". Ngoài ra, một thực tế cho thấy, nghệ sĩ vào biên chế giờ chỉ còn lương nhà nước, còn người hợp đồng không có lương.

"Thời gian qua, có nghệ sĩ "đứt gánh giữa đường" khi xin rời nhà hát, có người chuẩn bị làm danh hiệu cũng bỏ để đi làm việc khác. Không phải họ không yêu nghề, mà cơm áo gạo tiền khiến họ không trụ nổi", NSND Nguyễn Tiến Dũng tâm sự.

Ông cũng cho biết, việc các nghệ sĩ bỏ nghề, bỏ nhà hát là điều đáng lo vì để đào tạo được một nghệ sĩ biểu diễn rất khó. Đối với nghệ thuật múa rối, cần nhiều năm để nghệ sĩ có thể vững vàng. Nếu có gói hỗ trợ, nghệ sĩ sẽ an lòng, tiếp tục ở lại đơn vị và cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà.

Theo An Khánh (Giadinh.net.vn)

Nổi bật