Làm gì có ông bụt bà tiên nào dung túng cho tội ác, thế nên Minh Béo đừng khóc nữa.
Song làm gì có ông bụt bà tiên nào xuất hiện? Mà dù có xuất hiện đi nữa, chỉ cần nhìn thấy anh, họ sẽ lập tức biến mất. Minh Béo nào phải là cô Tấm, không siêng năng cũng chẳng tội nghiệp, hiền lành. Đó là còn chưa kể đến cái tội ấu dâm, sai lầm mà mỗi lần nhắc đến, cả cộng đồng nổi giận.
Clip Minh béo khóc trên sân khấu |
Cách đây mấy ngày, sân khấu kịch của anh lại hoạt động. Băng rôn quảng cáo cho những vở kịch thiếu nhi lại được giăng lên rực rỡ. Vé chẳng bán được, hàng ghế khán giả chỉ có lèo tèo vài người. Cũng đúng thôi, làn sóng tẩy chay anh ngoài kia vẫn còn ầm ĩ lắm.
Khán giả không muốn đón nhận trở lại, cũng chẳng muốn gọi anh là nghệ sĩ nữa. Họ lo sợ cho những đứa trẻ, không muốn anh lại gần chúng, huống gì mang chúng đến để xem anh trình diễn.
Làm như không muốn tin vào sự thật ấy, trên trang cá nhân của Minh Béo, người ta đọc thấy anh chia sẻ về vở diễn cháy vé, sân khấu chật kín người. Rồi anh lại khóc, như mưa như gió, để giải thích cho sự trở lại của mình trong một vai chính là vì quá đam mê.
Minh Béo khóc lóc trên sân khấu để cầu xin sự ủng hộ của khán giả. |
Những giọt nước mắt ấy, một lần nữa số đông lại thấy phản cảm. Đó là hành động cho thấy Minh Béo đang tin rằng, tội lỗi của anh không thật sự nghiêm trọng đến thế. Đáng trách thay, niềm tin ấy của anh ta - đã quá sai rồi!
Lần trước, khi Minh Béo đăng tuyển diễn viên, công chúng và rất nhiều anh chị em nghệ sĩ đã lên tiếng phản đối. Nhưng dường như những "cái tát" ấy chưa đủ mạnh mẽ để Minh Béo tỉnh ngộ.
Anh vẫn cố vùng vẫy, vẫn cố mang cái lý do đam mê để quay trở lại sân khấu và làm thầy. Nhưng xin thưa, những người đang lo lắng cho tương lai của những đứa trẻ ngoài kia không phản đối một nghệ sĩ có đam mê mà đang tẩy chay một tội phạm ấu dâm.
Có biết rằng, vì những người như anh, những đứa trẻ đang phải sống trong một xã hội đầy rẫy nhưng hoài nghi và mệt mỏi. Thay vì được thoải mái vui chơi, chúng phải học cách dè chừng cả những người thân quen nhất.
Có biết rằng, vì những người như anh mà có những đứa trẻ phải lớn lên với nỗi ám ảnh suốt cả cuộc đời. Để rồi sau đó, chúng lại lập lại hành động tàn nhẫn ấy với những đứa trẻ khác.
Thế nên, anh đừng bước lên sân khấu nữa, đừng cố bám víu vào thánh đường thiêng liêng ấy để hy vọng một sự tha thứ. "Đôi giày bẩn" anh đã mang vào sẽ mãi mãi chẳng thể tháo ra.
Nếu thật sự yêu nghề, hãy bước ra khỏi đó, nhường chỗ lại cho những người xứng đáng hơn. Họ đáng được tôn trọng thay vì chôn chân chịu trận với anh trên sân khấu.
Đừng lôi mẹ và anh trai vào cuộc nữa. Họ chính là người đã cứu anh khỏi cái chết, hãy sống sao để họ cảm thấy yên lòng chứ không phải cùng anh chường mặt ra chịu nhục.
Đừng biến lỗi lầm của bản thân anh thành nỗi khổ của những người bên cạnh. Đừng tiếp tục như thế nữa, sai rồi.
Hãy chấp nhận sự thật này và chọn lấy một cuộc sống khác nếu còn muốn sửa sai. Khóc lóc hay xin lỗi suông lúc này vốn dĩ chẳng có giá trị gì.
Theo Ngân An (Trí Thức Trẻ)