Hoa hậu Nguyễn Trần Khánh Vân trở thành cái tên hot sau khi lên ngôi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019 vào tối 7/12. Tuy nhiên, chỉ ít giờ sau khi Khánh Vân đăng quang đã xuất hiện rất nhiều tài khoản giả mạo Facebook của người đẹp để câu like, tương tác.
Thử truy cập vào một tài khoản bất kỳ, người xem sẽ bất ngờ khi thấy khoảnh khắc Khánh Vân nhận vương miện từ BTC Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2019, kèm theo những lời chia sẻ, cảm ơn tới người hâm mộ. Tuy nhiên, tất cả những bài đăng này chỉ là công cụ để những kẻ giả mạo hình ảnh Hoa hậu Hoàn Vũ 2019 câu tương tác (thích, bình luận, chia sẻ).
Vậy trong trường hợp này, Hoa hậu Khánh Vân cần làm gì để bản thân không bị ảnh hưởng bởi những tài khoản Facebook giả mạo. Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc công ty luật TNHH Nghiêm Quang, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết: “Việc giả mạo tên tuổi và hình ảnh của Hoa hậu Khánh Vân cũng như nhiều người nổi tiếng trên mạng xã hội là vi phạm quyền riêng tư. Điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của chính chủ. Để tránh những hậu quả khó lường, thì Hoa hậu Khánh Vân ngay lập tức cần có phản ứng với cơ quan quản lý yêu cầu gỡ bỏ ngay những tài khoản giả mạo. Nếu họ đồng ý gỡ bỏ trong vòng 24h thì sẽ không có vấn đề gì quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong trường hợp những tài khoản Facebook giả mạo này không chịu gỡ bỏ thì sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ vi phạm”.
Về biện pháp xử lý những tài khoản giả mạo Facebook của người nổi tiếng, LS Quang Vinh nêu rõ: “Thông tin về nhân thân, quyền về hình ảnh cá nhân là quan hệ dân sự, được Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, bảo đảm và bảo vệ. Theo đó, mọi hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác mà không được người đó đồng ý thì đều vi phạm pháp luật. Nếu hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân đó mà chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không đáng kể thì vụ việc được giải quyết bằng quan hệ dân sự, hành chính. Nghĩa là người sử dụng thông tin, hình ảnh trái phép của người khác phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Trong trường hợp việc sử dụng thông tin, hình ảnh của người khác trái phép trên mạng Internet nhằm xúc phạm nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng tới người khác thì tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
Cụ thể, nếu với hành vi giả mạo thông tin của người khác mà không thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, không nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm uy tín của tổ chức, cá nhân thì người có hành vi giả mạo thông tin Facebook của người khác vẫn có thể bị áp dụng các quy định tại Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP để xử phạt người vi phạm với mức phạt từ 20 - 30 triệu đồng”.
Theo luật sư Nghiêm Quang Vinh, nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009. Điều 226 Bộ luật Hình sự quy định nếu người nào dùng Facebook mạo danh người khác, rồi lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân (kêu gọi ủng hộ…) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hình phạt cho tội này có thể lên đến 7 năm tù.
Trước Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam Khánh Vân, rất nhiều người nổi tiếng khác như Hoa hậu Trần Tiểu Vy, Hoa hậu H’Hen Niê, Lương Thùy Linh, MC Lại Văn Sâm, danh hài Hoài Linh,… cũng từng rơi vào cảnh “cười ra nước mắt” khi tên tuổi, hình ảnh bị lợi dụng. Các tài khoản không chính chủ này cố gắng lôi kéo lượng người thích hoặc theo dõi để tăng tương tác, từ đó kiếm tiền bằng cách đăng quảng cáo và các hình thức khác nhau làm ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng của các nghệ sĩ.
Theo Hà Linh (Nguoiduatin.vn)