Áp đảo về mọi mặt
Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện có hơn 400 hãng phim tư nhân. Đây là làmột con số không nhỏ nhưng điều mà điện ảnh Việt Nam thiếu nhất là nguồn vốn và nguồn nhân lực sáng tạo đang bị tản mạn, thiếu tập trung. Thực tế cho thấy, với số lượng phim nhập áp đảo, không khó để nhận ra Việt Nam đã và đang là nơi đổ bộ của nhiều bộ phim “bom tấn” của thế giới với các ứng dụng công nghệ tiên tiến mang đến nhiều cảm giác mới lạ cho khán giả. Trong bối cảnh công nghệ, kỹ thuật, kỹ xảo can thiệp mạnh mẽ vào đề tài, câu chuyện, nhân vật, bối cảnh… nhiều ekip làm phim Việt Nam cũng mạnh dạn sáng tạo, đầu tư. Có thể kể tới một loạt phim đã tận dụng kỹ thuật, kỹ xảo để tăng thêm hiệu ứng chop him như “Lôi Báo”, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, “Người bất tử”… Tuy nhiên, do kinh phí hạn chế đã không cho phép các ekip tận dụng được sức mạnh từ công nghệ cũng như tự bó hẹp, hạn chế chính mình.
Không chỉ khó khăn trong việc nắm bắt, tận dụng các ưu thế của công nghệ mà trong quá trình sản xuất, mạng lưới phát hành Việt Nam cũng gặp nhiều “rào cản”. Để các phim chiếu rạp được ứng dụng công nghệ mới hiện nay đòi hỏi các thiết bị truyền dẫn, trình chiếu phải tương thích. Trong khi đó, thực tế hệ thống rạp do Nhà nước quản lý tại các tỉnh, thành phố xuống cấp, công nghệ thiết bị chiếu phim lạc hậu, không đáp ứng nhu cầu chiếu phim và thưởng thức của khán giả…
Đặc biệt, sự phát triển rầm rộ về số phòng, điểm chiếu, hệ thống máy móc hiện đại của các nhà phát hành phim nước ngoài cũng gây nên những bất đồng, tranh chấp. Các đơn vị nước ngoài hiện nay tận dụng những lợi thế về số phòng lớn, điểm chiếu nhiều, bản quyền ký với các nhà cung cấp lớn đã dần có những áp đặt, bất lợi mà các nhà phát hành phim nước ngoài áp dụng tại Việt Nam. Đơn cử, tính đến tháng 12/2018, cả nước có 922 phòng chiếu phim nhưng các công ty nước ngoài đã chiếm đến 60% số rạp và chi phối hoạt động chiếu phim tại Việt Nam.
Tìm biện pháp căn cơ
Để điện ảnh Việt có thể hòa nhập ngay trên sân nhà còn nhiều câu chuyện đáng bàn. Theo bà Ngô Thị Minh Nguyệt- Tổng Biên tập Tạp chí Điện ảnh Việt Nam, việc đầu tiên là Luật Điện ảnh cũng như các chính sách phát triển, bảo hộ cho nền điện ảnh trong nước phải được bàn bạc, thảo luận và có quy định chặt chẽ trong Luật. Ở đó, điện ảnh Việt Nam nên tham khảo các nền điện ảnh đang phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản… trong vấn đề bảo hộ điện ảnh trong nước. Bà Nguyệt cũng bày tỏ, một tín hiệu vui là Luật Điện ảnh sửa đổi đang tiến hành với sự tham gia, góp ý kinh nghiệm từ các nhà quản lý, nghệ sĩ, nhà sản xuất, phát hành…
Còn về mảng phát hành, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh Việt cũng cho rằng để tạo được thương hiệu ngay trên “sân nhà” cần có sự bắt tay, hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp phát hành phim nội để tạo thế và lực. Bởi thực tế, khi mạng lưới phát hành trong nước đủ mạnh sẽ tạo nên cơ hội để hệ thống phát hành phim ngoại tại Việt Nam dần có những điều chỉnh hợp lý. Từ đó, tỷ lệ “ăn chia” sẽ có những cải thiện hợp lý giữa các nhà sản xuất trong nước với các đơn vị nước ngoài.
Thị trường điện ảnh Việt Nam sẽ đi được bao xa đang phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Ngoài sự hỗ trợ về chính sách, tài chính của Nhà nước, sự nỗ lực các cấp, các ngành còn trông cậy rất nhiều ở ý chí, quyết tâm, sự đam mê và sự sáng tạo của các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh. Thực tế cho thấy ngay cả ở những nước có sự kiểm soát ngặt nghèo về tư tưởng thì một số nghệ sĩ vẫn tìm ra được đường đi và có tiếng nói riêng vì niềm đam mê với điện ảnh. Chính nghệ sĩ, bằng tư duy đổi mới, bằng niềm đam mê khôn cùng với nghệ thuật điện ảnh sẽ chắp cánh cho những sáng tạo, nhứng khao khát chiếm lĩnh và chinh phục các đỉnh cao mới của nghệ thuật thứ bẩy. Họ cũng chính là những người tham gia vận hành và quyết định nhiều đến sự thành bại của điện ảnh dân tộc. Trong bối cảnh phát triển không ngừng của công nghệ thông tin các nghệ sĩ chính là lực lượng tác động không nhỏ đến thị trường điện ảnh.
Theo Minh Sơn (Đại Đoàn Kết)
http://daidoanket.vn/dien-anh/dien-anh-viet-nam-thoi-40-loay-hoay-tim-huong-chuyen-minh-tintuc452696