Từ lâu, trong làng điện ảnh thế giới, có một sự kiện được xem là đối trọng với giải Oscar danh giá. Ra đời lần đầu năm 1981, Mâm Xôi Vàng được tạo ra để "vinh danh" một cách đầy châm biếm những tác phẩm điện ảnh tệ nhất năm. Lễ trao giải thường diễn ra một ngày trước Oscar hàng năm, tăng thêm sự hài hước và tương phản giữa hai danh hiệu này.
Đó là câu chuyện ở “kinh đô điện ảnh thế giới”. Còn tại nước ta, một giải thưởng phim ảnh danh giá là Bông Sen Vàng (thuộc Liên hoan phim Việt Nam) cũng đang diễn ra ở Đà Lạt, nhằm vinh danh những cá nhân và tập thể xuất sắc nhất của ngành điện ảnh. Thế nhưng, không có đối trọng nào để nhắc nhở khán giả và chính các nhà làm phim rằng năm qua phòng chiếu Việt cũng giới thiệu không thiếu các tác phẩm có chất lượng bị nhận xét “thảm họa”.
Câu chuyện “lời chê” trong làng điện ảnh Việt
Gần đây, văn hóa chê phim là chủ đề được bàn tán nhiều trên các diễn đàn mạng cũng như những hội thảo về điện ảnh. Tiêu biểu nhất là trường hợp của Đất Rừng Phương Nam, khi một số cho rằng tác phẩm đang bị “đánh”, bị “vùi dập” bởi một luồng dư luận ác ý. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng trực tiếp lên tiếng thể hiện sự bức xúc về hiện trạng này. Câu chuyện sau đó còn trở thành chủ đề được thảo luận sôi nổi tại một buổi chất vấn và trả lời chất vấn do quốc hội tổ chức.
Không thể phủ nhận, thời gian qua, không ít phim điện ảnh sau khi phát hành phải đón nhận những “cơn mưa gạch đá” từ cộng đồng mạng. Trên những diễn đàn mở như vậy, nhiều bài viết khoác bóng review, phê bình nhưng bị sa đà vào việc công kích, thoá mạ tác phẩm cùng đội ngũ sản xuất. Đất Rừng Phương Nam cũng chỉ là một trong số đó.
Ở thời đại bùng nổ thông tin, việc bình phẩm là bình thường, nhưng phê bình thực sự cần khen đúng, chê đúng và có trách nhiệm. Điện ảnh là bộ môn tổng hợp từ nhiều loại hình nghệ thuật khác. Vì vậy, việc cho ra đời một bộ phim hay, ghi dấu ấn thực sự không phải nhiệm vụ dễ dàng. Một dự án điện ảnh ra đời cũng thường đòi hỏi một ekip lớn, tốn kém chi phí. Thế nên, càng cần những biện pháp bảo vệ giới làm phim khi họ đối mặt với việc bị tấn công một cách không minh bạch.
Tại một số quốc gia có nền điện ảnh phát triển, nhiều năm qua đã xuất hiện hiện tượng nhiều đoàn phim phải đối mặt với việc bị trù dập một cách đáng ngờ. Cách đây không lâu, một số nhà làm phim Trung Quốc từng phải kêu cứu vì cho rằng bị “thuỷ quân” đánh đập. Đây là thuật ngữ chỉ những người được trả tiền để “làm ngập” các trang blog, diễn đàn, mạng xã hội hoặc group chat bằng những bình luận mang tính bôi nhọ hoặc không chính xác về một tác phẩm.
Điều đó càng cho thấy nền điện ảnh Việt đang thiếu các diễn đàn chính thống cho giới phê bình, nơi những người có chuyên môn bàn luận và trao đổi về chất lượng của các tác phẩm nghệ thuật.
Phê bình chân chính góp phần thúc đẩy chất lượng đi lên
Hiện nay, ngoài những chỉ số về doanh thu, khán giả khó tìm được cơ sở để biết được chất lượng một bộ phim mới ra rạp. Thực tế thì không phải doanh thu nhiều tiền đồng nghĩa với chất lượng tốt, mà có những phim doanh thu thấp lại có chất lượng nghệ thuật cao, thể hiện rõ được “bước tiến” của điện ảnh nước nhà.
Mới đây, nhân dịp phát hành tiểu luận Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập, Nguyên cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan có nhận xét trong khoảng 10 năm gần đây, ngành phim cho ra mắt nhiều tác phẩm hơn, không thiếu những dự án đạt doanh thu cao nhưng tỉ lệ những phim thực sự hay, ấn tượng thì lép vế hơn hẳn thời kỳ đổi mới trước đó.
Những bài đánh giá lẻ tẻ trên mạng phần nào chỉ nhận xét về nội dung, diễn xuất chứ khó chỉ ra những ưu điểm hay thiếu sót về chuyên môn của các tác phẩm này. Trọng trách đó vốn thuộc về những nhà phê bình uy tín, những người có thể giúp khán giả hiểu thêm về giá trị nghệ thuật của các tác phẩm ra rạp.
Chính các nhà làm phim cũng cần lắng nghe những ý kiến từ những người có chuyên môn để có góc nhìn khách quan về đứa con tinh thần của mình. Từ đó, họ thấu hiểu hơn về nhu cầu của công chúng, của những người quan tâm và yêu mến điện ảnh để cho ra đời những dự án hay hơn.
Nghệ sĩ cũng cần cởi mở hơn với những lời đóng góp
Chi phí sản xuất một dự án điện ảnh là không nhỏ, thường lên đến hàng chục tỷ. Vì vậy, dễ hiểu khi các ekip e ngại khi đối diện những bài viết tiêu cực khi ra mắt. Luồng dư luận xấu có thể ảnh hưởng cực mạnh đến khả năng bán vé, đặc biệt trong bối cảnh làng điện ảnh Việt vẫn đang cho ra đời nhiều tác phẩm bị chê nhiều hơn là được khen.
Lời chê trong làng nghệ thuật - giải trí vốn dĩ đã là câu chuyện nhạy cảm. Trước đây, một tạp chí trong nước từng đứng lên khởi xướng một “giải thưởng” trao tặng những nghệ sĩ ăn mặc phản cảm trong showbiz Việt. Ý tưởng đó lập tức thu hút sự chú ý từ công chúng nhưng cũng gây ra hàng loạt ồn ào. Những nghệ sĩ “được” nêu tên lập tức lên tiếng phản đối gay gắt, thậm chí đòi kiện ban tổ chức.
Khi mạng xã hội bùng nổ, nghệ sĩ cũng dần quen hơn với những lời khen, chê. Có người đón nhận như một quy luật thường tình của xã hội. Người ấm ức cho rằng đó là cái nghiệt ngã mà họ phải chịu khi làm nghề. Như trường hợp của giải Mâm Xôi Vàng, có không ít ngôi sao tiếng tăm là “bảo chứng phòng vé” hay đoạt giải Oscar cũng từng bị bêu riếu. Thế nhưng, có những nghệ sĩ còn vui vẻ đến nhận kỷ niệm chương vì biết bản thân làm chưa tốt trong những dự án đó.
Ông bà ta có câu “cây ngay không sợ chết đứng”. Một tác phẩm tốt sẽ không sợ những lời nhận xét mang xu hướng “dìm” vô cớ. Đối mặt với phê bình cũng thể hiện bản lĩnh của nhà làm phim. Những lời khen chê sẽ là ý kiến quý giá cho các nghệ sĩ để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Một môi trường phê bình cởi mở và đa góc nhìn chắc chắn sẽ có ích cho cả khán giả và những người làm nghề. Một sự kiện như Mâm Xôi Vàng có thể bị coi là lan toả những nguồn năng lượng tiêu cực. Những lời chê luôn là chủ đề nhạy cảm, dễ khiến người khác mất lòng. Thế nên càng cần những bài phê bình liêm chính và công tâm. Đến khi một dự án gây tranh cãi, công chúng cũng khó tìm được những luồng ý kiến công tâm, thấu tình đạt lý từ chuyên gia để tham khảo.
Theo Phan Đạt (Phụ Nữ Mới)