Câu chuyện cậu bé Đức Vĩnh đăng quang ngôi vị quán quân chương trình "Tìm kiếm tài năng Việt Nam 2015" vẫn chưa hạ nhiệt trên truyền thông và trên các diễn đàn trong những ngày vừa qua.
Một cậu bé 8 tuổi, chưa từng được học hành đào tạo, nhưng đã nhập vai xuất thần trong các trích đoạn nghệ thuật chèo, tuồng kinh điển khiến hàng triệu khán giả "đứng tim" vì xúc động và ngưỡng mộ. Nhưng bên cạnh niềm vui đăng quang, sự ngưỡng mộ phát sốt của công chúng, nhiều người yêu mến Đức Vĩnh đang tự hối, cậu bé rồi sau đây sẽ ra sao. Hào quang của sự nổi tiếng, áp lực của dư luận, và cả sự nuôi dạy của gia đình, sự chăm sóc của xã hội liệu có giúp cậu bé trở thành một nghệ sĩ thực sự. Hay câu chuyện của Đức Vĩnh sẽ lại có một kết cục buồn như một số em bé khác đã từng được ngợi ca là một thần đồng lúc nhỏ, nhưng sau này đã không trở thành một người tài năng đặc biệt như gia đình và xã hội kỳ vọng.
Trong các mùa giải Tìm kiếm tài năng Việt Nam đã qua, phải nói, giải thưởng trao cho cậu bé thần đồng Đức Vĩnh là thuyết phục nhất. Theo sát cậu từ vòng sơ tuyển đến những vòng trong, và đặc biệt là đêm chung kết trao giải, ngay cả những khán giả khó tính nhất cũng bị tài diễn xuất của cậu bé chinh phục. Và giải nhất cho cậu dường như là một tất yếu, một hiển nhiên của chương trình, không có gì phải bàn cãi.
|
Quán quân Vietnam's Got Talent Đức Vĩnh
|
Truyền thông vốn thính nhạy với tất cả những gì dị biệt, độc đáo. Và Đức Vĩnh là một trường hợp như vậy. Sau một cuộc thi tìm kiếm tài năng, em đã trở thành một người nổi tiếng. Mọi chi tiết về cuộc sống của em được khai thác tối đa trên các phương tiện. Người ta biết em chưa từng được học hành trường lớp nào về nghệ thuật. Tất cả những gì em có để đến với nghệ thuật là một bộ máy tính để bàn, ở đó em xem các trích đoạn nghệ thuật cổ, rồi em làm theo, bắt chước, diễn một mình với toàn bộ sự say mê, tò mò của một đứa trẻ ham nghệ thuật, trước khi em xuất hiện trên sân khấu lớn có hàng triệu khán giả. Cha mẹ em có hoàn cảnh khó khăn, chưa từng hình dung nghệ thuật lại có sức hút lớn như vậy. Họ cũng chưa từng tưởng tượng có một ngày, đứa con 8 tuổi của mình lại có thể làm mưa làm gió trên sân khấu và trở nên nổi tiếng nhanh chóng đến vậy. Và, khi nói về câu chuyện đi học nghệ thuật của con, sau đêm cậu bé đăng quang, người mẹ cũng đã rơi nước mắt chia sẻ rằng nhà không có tiền cho con theo học.
Những hình ảnh đời thường của Đức Vĩnh tràn ngập trên các trang báo mạng. Nếu cậu bé là con nhà nòi, được tiếp xúc với nghệ thuật từ nhỏ, được cha mẹ hướng cho từ nhỏ theo nghệ thuật (như cô bé Bích Ngọc, con gái của nghệ sĩ Trang Nhung, Á quân của chương trình "Tìm kiếm tài năng") thì có lẽ sự quan tâm của người lớn, của khán giả đã không nồng nhiệt đến thế. Cô giáo Phạm Thị Loan, giáo viên THPT ở Bắc Kạn chia sẻ trên một diễn đàn: "Tôi cảm thấy lo ngại khi mà sau một chương trình truyền hình, cậu bé tài năng Đức Vĩnh không còn một chút bí mật riêng tư nào nữa. Toàn bộ cuộc sống của gia đình em được quan tâm, mổ xẻ. Gia cảnh khó khăn của em được mang ra so sánh với gia cảnh của bé Bích Ngọc Á quân chương trình. Người ta thấy bức tranh đối lập, một em bé nghèo -và một em bé giàu. Điều này liệu có làm tổn thương Đức Vĩnh không, tôi không dám nói là không. Tôi sợ cái cách của truyền thông, họ khai thác đời tư của Đức Vĩnh để thỏa sự tò mò của độc giả, để câu view độc giả hơn là họ quan tâm, nâng niu tài năng của em. Với một đứa trẻ 8 tuổi, dù em là thần đồng hay là gì đi nữa, thì điều đó là không tốt để em có thể phát triển bình thường các khả năng của mình trong tương lai".
Một trang mạng giật tít: "Thị Mầu Đức Vĩnh, bé Bích Ngọc: Nhà trăm tỉ, nhà đơn sơ", với đầy hình ảnh mang tính đối lập của cuộc sống hai đứa trẻ cùng được xem là tài năng. Xem xong, người đọc có cảm giác xót xa. Bạn đọc cũng lo lắng, ở lứa tuổi Đức Vĩnh, lại là một cậu bé có thiên hướng nghệ thuật rất nhạy cảm, liệu em có cảm thấy tủi thân, có cảm thấy buồn ít nhiều khi mỗi ngày vào mạng trên chiếc máy tính cũ của mình và xem những hình ảnh về gia cảnh nhà mình, nhà bạn.
Chưa hết, ở một số diễn đàn, còn rộ lên câu chuyện bàn tán về giới tính của Đức Vĩnh. Mặc dù trong các đêm thi, khán giả say sưa theo dõi các vai giả gái của Đức Vĩnh. Rồi ban giám khảo gồm các nghệ sĩ Thành Lộc, Hoài Linh, Thúy Hạnh không tiếc lời khen ngợi khả năng nhập vai, hóa thân của Đức Vĩnh vào nhân vật. Nhưng rất nhiều ý kiến lại đang mổ xẻ theo một hướng khác, rằng cậu bé vào vai giả gái quá ngọt, và xu hướng được khuyến khích đóng các vai giả gái như vậy liệu có làm sự phát triển giới tính của cậu bị ảnh hưởng, lệch lạc không.
Một vài khán giả lớn tuổi bộc lộ gay gắt trên diễn đàn, rằng họ không cổ súy cho việc một cậu bé có thiên hướng nhập vai "giả gái", ăn mặc, trang điểm như một bé gái. Và rằng, Đức Vĩnh càng diễn thì cái chất nữ tính trong cậu bé càng bộc lộ rõ.
Dĩ nhiên, hào quang nào cũng có mặt trái của nó. Cậu bé 8 tuổi đến từ Bắc Ninh đã làm nên một câu chuyện trong đời sống văn hóa. Em có tài thì ai cũng biết rồi. Nhưng tất cả mới chỉ là một cuộc thi. Những gì em bộc lộ là bản năng yêu và đam mê nghệ thuật của em. Nó như chút ánh sáng buổi đầu tỏa ra làm người khác thấy thích thú. Nhưng để trở thành một người nghệ sĩ, một người thực sự có ảnh hưởng trong công chúng, thì lại là một câu chuyện khác, không đơn giản chút nào.
Nếu ngược dòng thời gian nhìn lại, khán giả sẽ không khó tìm ra những ví dụ về các cậu bé cô bé được xem là thần đồng, nhưng rồi sau này đã mất tăm trong đời sống, chỉ vì được gia đình, xã hội quan tâm và nuôi dạy không đúng cách. Một số em bé biết đọc biết viết sớm từ lúc 2-3 tuổi. Rồi có em biết nói tiếng Anh lưu loát từ khi còn rất nhỏ. Có em được gọi là thần đồng toán học vì khả năng tính nhẩm siêu phàm, như em Phó Đức Bình An từng được vinh danh trong chương trình "Những chuyện lạ Việt Nam". Nhưng rồi sau một số năm nhìn lại, các cô bé cậu bé này đều là những học sinh bình thường không có gì nổi bật. Có em từ buổi đầu hào quang trở thành một đứa trẻ tự tin thái quá, không hòa nhập được với bạn bè ở trường học. Và khi lớn lên một chút, đứa trẻ tự kiêu ấy lại trở thành một đứa trẻ nhút nhát và bị tụt lại phía sau so với các bên bè cùng trang lứa.
Gần gũi hơn, nhìn từ lĩnh vực âm nhạc, có thể kể đến ví dụ bé Xuân Mai. Cô bé Xuân Mai có một tuổi thơ nổi tiếng mức nào thì có lẽ ai cũng biết. Giọng hát ngọt ngào dễ thương, khuôn mặt biểu cảm dễ thương của em đã thu hút hàng triệu trẻ em và người lớn. Cả thế hệ tuổi thơ nghe giọng hát Xuân Mai. Duy chỉ có Xuân Mai lớn lên là không còn nhiều ảnh hưởng đến công chúng nữa. Bé Xuân Mai đã trở thành một thiếu nữ. Thỉnh thoảng cô bé vẫn hát trên sân khấu, nhưng sức hút khán giả như nam châm thưở nào nay đã không còn.
|
Xuân Mai |
Lĩnh vực nào xưa nay cũng có những đứa trẻ được gọi là thần đồng. Nhưng, nhìn lại, không phải đứa trẻ nào trong số đó cũng trở thành những người lớn tài năng. Nói thế để thấy, sự phát triển của một đứa trẻ phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố. Khi một chồi non mới nhú, thì thái độ nâng niu, chăm sóc của người lớn, hiểu rộng ra là môi trường gia đình và xã hội là cực kỳ quan trọng. Bởi vì nếu không cẩn trọng, một đứa trẻ rực rỡ hôm nay có thể trở thành một người đầy mặc cảm trong tương lai, khi nó không thể trở thành một người như người lớn kỳ vọng.
Trong trường hợp bé Đức Vĩnh, quán quân 'Tìm kiếm tài năng Việt Nam 2015’, sau cuộc thi, không ít Mạnh Thường Quân đã ngỏ ý sẵn sàng chu cấp điều kiện để em có thể theo học nghệ thuật. Đó có thể là một tin vui, trong điều kiện của gia đình em. Nhưng mọi việc cũng chưa hẳn thế. Đôi khi mọi thứ đến quá nhanh với một đứa trẻ mà thiếu đi sự kiểm soát, uốn nắn, dõi theo chăm chút của những người lớn có trách nhiệm, mọi sự có thể chưa chắc đã mang lại kết quả tốt như chúng ta kỳ vọng.
Một đứa trẻ cần được phát triển một cách tự nhiên, dù có tài năng hay thần đồng đến đâu đi nữa. Sự phát triển bình thường về nhân cách, tình cảm, giới tính, tâm lý, xúc cảm là điều đặc biệt quan trọng. Nhưng một đứa trẻ đã trở nên nổi tiếng, đó là một câu chuyện khác. Xã hội, người lớn, truyền thông sẽ nhăm nhăm nhìn vào nó. Đó là một áp lực rất không tốt.
Chúng ta mừng vì có thêm một tài năng nghệ thuật nhí Đức Vĩnh. Nhưng Đức Vĩnh là ai trong tương lai vẫn còn là một câu chuyện bỏ ngỏ chưa có hồi kết, mà sự có hậu của câu chuyện phụ thuộc rất nhiều vào thái độ ứng xử, chăm nom của người lớn.
NSND Đặng Thái Sơn, người từng được xem là thần đồng âm nhạc từ khi còn rất nhỏ, một người sau này được thế giới biết đến, làm rạng danh nước Việt trong đời sống âm nhạc quốc tế. Một người đã thẩm thấu và ngấm hết mọi cơ cực của những khổ luyện để trở thành một nghệ sĩ thực sự trong công chúng. Ông chia sẻ như thế này, khi nói về câu chuyện thần đồng: "Không chỉ tôi mà trên thế giới, người ta rất sợ hai tiếng "thần đồng". Vì nó chính là con dao hai lưỡi. Trong âm nhạc, phát hiện được một mầm non khả dĩ đã khó, nhưng chăm bẵm cái mầm ấy thế nào còn khó hơn. Tôi đã chứng kiến không ít thần đồng âm nhạc trên thế giới, được tâng bốc, được chiều chuộng, đứa trẻ tưởng mình là nhất. Và thế là chỉ vài năm sau, thần đồng tắt ngóm. Ở Việt Nam, tôi thấy đang xuất hiện hai thái cực đều không tốt, một là quá tự ti và hai là quá tự tin...".
>> Hoàn cảnh éo le của gia đình quán quân Got talent Đức Vĩnh
>> Khoảnh khắc đăng quang xúc động của cậu bé 8 tuổi
Theo Mỹ Châu (Cảnh Sát Toàn Cầu)