Lửa Ấm lên sóng cho đến tập 42 hứng chịu nhiều gạch đá và phản đối từ khán giả từ những lỗi trong nội dung và cách hành xử của Minh (Trương Minh Quốc Thái) - tổ trưởng tổ cứu hoả. Đầu tiên là pha xử lý người phơi nhiễm HIV/AIDS thiếu chính xác của bác sĩ Thuỷ (Thuý Hằng) và tiếp theo là quyết định của Minh khiến cấp dưới - Tiến (Tô Dũng) hy sinh trong một vụ tai nạn. Từ kết quả của hai tình tiết này, rất nhiều khán giả đã phản đối và cho rằng nghiệp vụ của Minh là kém và diễn xuất của Thuý Hằng là không tốt. Thế nhưng, từ phía các diễn viên đã đưa ra một số phân tích đa chiều hơn từ góc nhìn của những người am hiểu nhân vật.
Trương Minh Quốc Thái: "Minh không phải là anh hùng hay hoàn hảo"
Đối với Trương Minh Quốc Thái, anh đối mặt với nhận định là "kém chuyên môn" và "ngớ ngẩn" khi cứ phải vật lộn với drama gia đình mãi không hồi kết. Người đội trưởng đội lính cứu hoả khi trả lời phỏng vấn, đã nhận định rằng Minh chữa được lửa ngoài đường, chứ không cứu được "lửa" nhà.
Anh nhận xét như thế nào về vai diễn của mình trong Lửa Ấm?
Vai của tôi trong Lửa Ấm là một người lính cứu hoả. Khi nhận kịch bản tôi đã rất hứng thú vì tôi thích hình tượng người lính đã lâu, ở mặt trận nào cũng vậy. Hình tượng người chiến sĩ Phòng Cháy Chữa Cháy (PCCC) - Cứu Nạn Cứu Hộ (CNCH) là vai hiếm có dịp được thể hiện. Minh là người rất chuẩn mực về tác phong công việc. Đó là phẩm chất khiến tôi thích thú khi nhận vai.
Nhân vật Minh gần đây khá bị "thù" vì đưa ra quyết định khiến Tiến bị mất trong nhiệm vụ giải cứu. Anh có giải thích hay minh oan gì cho Minh?
Phải đợi khán giả xem tiếp phim thì mới biết Minh có cần minh oan hay không. Vấn đề về sự chính xác nghiệp vụ hay không, là một phần của nhân vật. Minh được thể hiện rất sát với đời sống. Anh ta duy trì chuẩn mực trong công việc, nhưng cũng chỉ là người thường và phải có sai sót. Tôi không tạo ra nhân vật lý tưởng, hoàn hảo.
Ngay cả trong cuộc sống riêng, Minh vẫn không thể giải quyết chu toàn. Đó là cái sát với thực tế, cuộc sống. Nếu Minh là nhân vật có thể sắp xếp chu toàn cả công việc và cuộc sống riêng thì lại lý tưởng hoá quá. Người ta nói "70 chưa phải là lành", trường hợp của Minh là để mỗi người tự rút ra bài học cho bản thân chứ không phải hình mẫu.
Tô Dũng - Chàng lính cứu hoả đẹp trai hy sinh trong sự tiếc nuối của khán giả và câu chuyện chân thực về người lính ngoài đời
Khi Tiến (Tô Dũng) qua đời, nhiều khán giả để lại bình luận trên mạng xã hội bày tỏ sự tiếc nuối. Phải công nhận mắt đánh giá của khán giả "tinh" thật vì ai nấy đều chọn rất đúng nhân vật để "bias". Tiến là anh chàng lính cứu hoả chăm chỉ. Thay vì nhận tiền hối lộ, anh làm thêm nghề thứ hai là shipper để trang trải. Sự hy sinh của Tiến thực sự đáng tiếc nhưng trải nghiệm của Tô Dũng về nhân vật của mình, sẽ khiến khán giả còn... tiếc hơn sau khi xem phần chia sẻ của anh.
Sau khi Tiến qua đời trong phim, khán giả bày tỏ thương tiếc rất nhiều. Anh có cảm nhận gì khi biết nhân vật của mình được yêu mến như vậy?
Sau khi Tiến qua đời , tôi thực sự thấy bất ngờ vì tình cảm của mọi người dành cho mình và Tiến . Tôi không nghĩ mọi người lại bày tỏ cảm xúc nhiều tới vậy. Tôi hạnh phúc thật sự vì suy cho cùng đối tượng hướng tới là khán giả. Mọi người đồng cảm với nhân vật có nghĩa là mình đã phần nào đó thành công.
Tôi thấy tiếc cho nhân vật. Vì trước đó mình cảm thấy còn nhiều chỗ mình làm chưa tốt , và phim cũng chưa có quá nhiều thứ để nói lên sự vất vả khó khăn của người lính PCCC và Cứu hộ cứu nạn. Còn cuộc đấu tranh nào cũng có những sự hy sinh. Nhân vật chết đi lại để lại tình cảm lớn trong lòng khán giả, điều đó làm cho mình không tiếc nữa.
Có nhận định rằng Minh quá vô lý khi liều mạng chiến sĩ của mình vì một hũ tro cốt. Anh có đồng ý với ý kiến này?
Tiến đi ship hàng tình cờ gặp đám cháy. Tiến vào cứu người và rõ ràng anh là nắm rõ tình hình. Minh cùng đồng đội tới sau nên không thể rõ tình hình như người đến trước. Lên phim thì có vẻ dư dả thời gian suy nghĩ, nhưng thật ra mọi thứ diễn biến rất nhanh.
Tiến chỉ đơn giản là đã cứu được người, hũ tro cốt có ý nghĩa thế nào chúng ta đều biết. Trong khi sự việc xảy ra, Tiến đơn giản nghĩ là mình đã nắm được mọi yếu tố cần biết, sẽ nhanh hơn là để anh em vào. Mọi diễn biến xuất hiện rất nhanh và Tiến là người chủ động.
Tôi đồng cảm và hiểu với tâm lý của khán giả, nhưng chắc chắn ai trong cuộc sống cũng có nhiều những lúc xao nhãng, hay bị đặt vào tình huống gấp gáp mà ta không thể nào giải thích được cho quyết định của mình. Tôi tin là bản thân đội trưởng Minh cũng dằn vặt rất nhiều. Nhưng điều đó nói lên điều đáng quý của những người lính PCCC và CHCN, họ không màng tới hiểm nguy xảy ra với mình. Điều quan trọng là họ phải cứu được ai đó!
Nhân vật Tiến có hoàn cảnh khá éo le, phải đi làm thêm nghề shipper để kiếm sống. Điều này ngoài đời là có thật. Khi tôi nhận kịch bản, đọc thì mình chỉ biết thế, biết là biên kịch tạo ra cuộc đời của nhân vật để hoá thân, nhưng trong một lần đi quay tôi có được nghe tâm sự về một trường hợp. Bản chất công việc của lính PCCC là làm 1 ngày nghỉ 1 ngày và không có cơ quan nào nhận người có thời gian biểu như thế cả. Nên chỉ có nghề giao hàng là phù hợp nhất.
Có người lính ở Xuân Mai (Thị trấn cách Hà Nội xa tít tắp 33km về phía Tây) ngày nào cũng vậy, 8 giờ sáng, họp giao ban xong anh sẽ xuống Hà Nội làm giao hàng, xe ôm. Tới 6h chiều thì về Xuân Mai để nghỉ ngơi, 8 giờ hôm sau đi làm... Hết ca là 8h sáng hôm sau giao ban thì anh lại xuống Hà Nội tiếp, đều đặn như vậy. Anh làm hai việc để kiếm sống nhưng không bỏ nghề cứu hoả.
Nghe xong câu chuyện thì mình càng tin hơn về nhân vật của mình là có thật, vất vả thật khó khăn thật nhưng cũng sống chết với nghề. Điều đó làm mình càng yêu , biết ơn và trân trọng những người lính PCCC và CHCN.
Thuý Hằng: "Kịch bản có rất nhiều điều sơ sài"
Nhân vật của Thuý Hằng có lẽ là người hứng chịu nhiều sóng gió nhất trong Lửa Ấm. Những trục trặc về thoại của cô bị bị khán giả phê bình nhiều. Khó khăn nhất là tình huống bác sĩ Thuỷ xử lý hai ca phơi nhiễm HIV/AIDS trong tập 36, 37. Ai cũng chê người diễn viên nhưng khi lên hiện trường, có nhiều bất cập mà nếu Thuý Hằng không lên tiếng, chắc ít người hiểu được.
Về nhân vật trong Lửa Ấm, chị sáng tạo nhân vật như thế nào?
Lửa Ấm là phim hiếm hoi của Việt Nam làm sâu về đề tài bác sĩ. Vì thế nên phim có thể không được như những tác phẩm khác của nước bạn. Tôi tham khảo từ rất nhiều nguồn nhưng vì là sản phẩm đầu nên khó tránh sự khập khiễng so với các tiền đề khác.
Khán giả có khá nhiều tranh cãi về chuyện chị đọc sai kịch bản, sai thoại. Chị có giải thích gì?
Vấn đề là ở kịch bản có rất nhiều điều sơ sài. Ví dụ phòng cấp cứu đang có rất nhiều bác sĩ bận rộn, nhưng không ai miểu tả rằng bác sĩ đang bận làm cái gì? Điều này rất là khó cho chúng tôi khi diễn xuất.
Cảnh phim tuyên truyền sai về HIV/AIDS trong tập 36 - 37, có bác sĩ tư vấn cho chị khi diễn xuất không?
Kịch bản đã được Bộ Y Tế duyệt và sửa rất nhiều lần. Toàn bộ cảnh quay đều có đội ngũ tư vấn, những người có chuyên môn, bác sĩ thật đến giám sát. Bản thân người diễn viên, đạo diễn đều không biết. Vì đấy không phải chuyên môn. Bộ Y Tế đã phải sửa kịch bản ngay từ đầu. Nhưng về việc này, VFC sẽ là phía đưa ra phát ngôn chính thức chứ không phải tôi.
Lửa Ấm lên sóng vào 21h thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần trên kênh VTV1.
Theo Paul (Trí Thức Trẻ)