Không ít diễn viên truyền hình diễn xuất không tệ nhưng giọng nói kém khiến vai diễn không trọn vẹn. Ngược lại, có những vai diễn lại thành công nhờ đài từ của người đảm nhận.
Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội có một môn học tên là Tiếng nói Sân khấu. Chia sẻ với Zing.vn, diễn viên Kim Oanh - nữ chính Những cô gái trong thành phố, thủ khoa đầu vào của trường - cho biết đó là một môn học quan trọng của chuyên ngành diễn viên kịch - điện ảnh - truyền hình.
Theo nữ diễn viên, trong môn học, người học được giảng dạy về đài từ, khắc phục những hạn chế về giọng nói. Một người hoàn thiện và có kỹ năng đài từ tốt phải đáp ứng được các yêu cầu như nói tròn, rõ ràng, không mắc tật phát âm, làm chủ được hơi thở.
"Nhưng quan trọng hơn, phải biết xử lý giọng nói, làm chủ đài từ để ứng biến phù hợp vào từng vai diễn. Ngoài ra còn cần kỹ năng hình thể phù hợp với giọng nói. Nói chung đó là môn học rất quan trọng vì kỹ năng đài từ là điều không thể thiếu của một diễn viên", nữ diễn viên nói.
Diễn xuất giỏi, đài từ tốt - diễn viên như "hổ có cánh"
Kim Oanh trong Những cô gái trong thành phố đảm nhận vai Lan - một cô gái Quảng Trị. Theo như yêu cầu của đạo diễn, Kim Oanh không phải nói bằng giọng Bắc, thay vào đó cô sử dụng giọng Quảng Trị cho chính vai diễn của mình.
Yêu cầu tưởng dễ nhưng thực ra không hề đơn giản. Tuy được nói bằng giọng quê mình, nhưng Kim Oanh vẫn cần phải tiết chế để khán giả truyền hình hiểu. Không nói quá nhanh, không dùng những từ quá địa phương nhưng vẫn phải truyền tải được cái e của giọng miền Trung. Đó cũng là một trong những kỹ năng của đài từ. Kim Oanh làm được điều đó, và vai diễn của cô nhận được nhiều khen ngợi.
NSND Hoàng Dũng chia sẻ rằng không phải lúc nào đài từ tốt cũng phải là "to và rõ". Cái e giọng nói, và xử lý sao cho phù hợp với nhân vật mới là quan trọng. Vai diễn của ông trùm Phan Quân trong Người phán xử của Hoàng Dũng từng rất được khen ngợi vì đài từ thuyết phục của diễn viên.
To nhỏ từng lúc, không cần lúc nào cũng quát tháo, đôi khi rất chậm rãi, từ tốn, bình tĩnh nhưng chất giọng chắc nịch như "đinh đóng cột" của Hoàng Dũng đã góp phần xây dựng hình ảnh một ông trùm quyền lực bậc nhất trong thế giới ngầm.
Một diễn viên khác cũng được giới trong nghề đánh giá tốt về khả năng đài từ là Doãn Quốc Đam. Nam diễn viên gây ấn tượng mạnh với hai bộ phim Người phán xử và Quỳnh búp bê, trong đó vai Cảnh trong Quỳnh búp bê đã gây bão mạng.
"Đặc sản" của Doãn Quốc Đam là những câu thoại lạnh lùng, bình thản, đôi khi như thì thầm. Nam diễn viên biểu đạt diễn xuất, tâm lý nhân vật ngay trong chính những câu thoại, góp phần không nhỏ vào thành công của vai diễn.
Doãn Quốc Đam từng chia sẻ với Zing.vn rằng, anh xem nhiều phim Hollywood, và đã học hỏi từ cách thoại của các diễn viên nước ngoài. Nam diễn viên khẳng định có những phân cảnh chỉ cần thoại đủ nghe, xử lý tiếng rất nhỏ lại tỏ ra hợp lý hơn hẳn.
Ngoài những trường hợp kể trên, màn ảnh truyền hình có nhiều diễn viên có đài từ tốt, xử lý giọng nói sáng tạo như NSND Lan Hương với vai mẹ chồng trong Sống chung với mẹ chồng, Công Lý với Lâm trong Những cô gái trong thành phố, NSƯT Thanh Quý với vai vợ ông trùm trong Người phán xử, Thu Quỳnh trong Quỳnh búp bê hay NSND Hồng Vân, Thúy Ngân trong Gạo nếp gạo tẻ...
Nhìn chung, các diễn viên được đào tạo bài bản thường có thế mạnh đáng kể về đài từ, xử lý giọng nói. Tuy nhiên cũng có không ít diễn viên vốn xuất thân tay ngang nhưng cũng được đánh giá là có đài từ khá như Phương Oanh với vai Quỳnh búp bê trong bộ phim cùng tên.
Ngược lại cũng có diễn viên, tuy được đào tạo bài bản, nhưng đài từ lại "thường thường bậc trung" như Quỳnh Kool trong Quỳnh búp bê hay Mẹ ơi, bố đâu rồi?
Vai diễn có thể bị "giết" vì diễn viên đài từ kém
Thực tế màn ảnh truyền hình cho thấy, nhiều diễn viên có đài từ tốt nhưng cũng không ít diễn viên gây thất vọng vì giọng nói thảm họa. Có những diễn viên diễn xuất không quá tệ, vai diễn có đất diễn, kịch bản hay nhưng vai vẫn bị chê chỉ vì không có khả năng xử lý đài từ, câu thoại.
Lưu Đê Ly trong Chạy trốn thanh xuân - bộ phim đang được chú ý trên sóng VTV có thể được coi là một ví dụ. Công bằng, diễn xuất của Lưu Đê Ly không quá tệ trong một vai diễn có cá tính mạnh, tâm lý phức tạp. Cô thuyết phục ở nhiều phân cảnh về diễn xuất. Tuy nhiên nữ diễn viên lại lộ nhược điểm về đài từ.
Trong có một đoạn thoại "Việc cậu miệt thị hay ý kiến... ý cò gì đấy... nghe.... cũng... hợp lý. Nhưng nếu không... tôi cho là cậu quả rảnh rang và quan tâm cả chuyện... của thiên hạ... rồi đấy", Lưu Đê Ly thoại nhát gừng, gần như không có cảm xúc. Một khán giả nhận xét nữ diễn viên thoại "đơ, cứng như cơm nguội".
Một diễn viên khác cũng bị chê đài từ kém trong phim thu tiếng đồng bộ là Hạ Anh với vai Ngân trong phần 2 Cả một đời ân oán. Hạ Anh không chỉ bị chê về diễn xuất mà còn bị khán giả truyền hình nhận xét "đọc lời thoại như trả bài". Hạ Anh cũng nằm trong danh sách Những vai diễn bị chê trong những phim truyền hình gây bão năm 2018.
Danh sách diễn viên đài từ kém còn có Nhã Phương trong Ngày ấy mình đã yêu, Mai Thu Huyền trong Những ngọn nến trong đêm phần 2 hay Chi Pu trong Mối tình đầu của tôi... Dù đó là những gương mặt nổi tiếng, diễn xuất không tệ, thậm chí được đánh giá cao nhưng vì đài từ không tốt, đôi khi vai diễn không thuyết phục hoàn toàn.
Nghịch cảnh phim thu đồng bộ vẫn phải có vai lồng tiếng
Lồng tiếng vốn được cho là đã có phần cũ kỹ, lạc hậu, tuy nhiên vẫn tỏ ra hiệu quả trên thị trường vì không ít diễn viên đài từ kém. Đôi khi, diễn viên còn phải bấu víu vào việc lồng tiếng, và người lồng tiếng vô tình "cứu" hoặc khiến vai diễn thuyết phục hơn.
Nhã Phương là một diễn viên có năng lực diễn xuất, tuy vẫn bị phản ứng là diễn một màu nhưng về cơ bản cô đóng đạt trong những cảnh đòi hỏi tâm lý nặng nề, khóc lóc. Thế nhưng, Nhã Phương cũng là diễn viên không có thế mạnh đài từ, giọng của cô bị chê là "ngang" và khó nghe.
Nhiều vai diễn của Nhã Phương cần có sự vào cuộc của diễn viên lồng tiếng. Ví dụ tiêu biểu là vai Linh trong Tuổi thanh xuân. Vai được khán giả đón nhận không thể phủ nhận công sức của diễn viên lồng tiếng Huyền Lizzie.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp lồng tiếng cũng không cứu được vai diễn. Hải Anh trong Quỳnh búp bê là ví dụ.
Quỳnh búp bê là bộ phim thu tiếng đồng bộ. Tuy nhiên, nghịch cảnh là vẫn có vai phải lồng tiếng là Thịnh của Hải Anh. Hải Anh cũng là diễn viên duy nhất phải lồng tiếng khi mà các vai khác trong phim thu tiếng đồng bộ.
Giọng lồng tiếng tương đối lộ khiến vai diễn gây thất vọng. Đây không phải lần đầu Hải Anh bị phản ứng về khả năng diễn xuất, trước đó Hoa cỏ may phần 3, anh từng bị chê bai cả về diễn xuất và việc lồng tiếng "thảm họa".
Rõ ràng, đài từ kém của diễn viên đôi khi không chỉ ảnh hưởng đến một vai diễn mà còn làm tác động đến "tiến độ" của cả một bộ phim.
Theo Quang Đức (Tri Thức Trực Tuyến)