7 năm về trước, truyền hình Việt xuất hiện một tựa phim trở thành ngoại lệ hiếm hoi của nhà đài, khiến VTV phải tăng cả số tập phát sóng từ 2 lên 3 tập/tuần. Đó là tác phẩm “quốc dân” một thời Sống Chung Với Mẹ Chồng mà cho đến tận hiện tại, những lời thoại, trích đoạn trên phim thỉnh thoảng vẫn trở thành trend được giới trẻ săn đón. Đây cũng là bộ phim mở ra giai đoạn “hoàng kim” của thể loại phim drama tâm lý gia đình trên sóng truyền hình Việt với những tình tiết mâu thuẫn thái quá xoay quanh những từ khoá cơ bản như ngoại tình - nàng dâu - mẹ chồng. Dĩ nhiên trước Sống Chung Với Mẹ Chồng thì tâm lý tình cảm gia đình vẫn luôn là thể loại phim thịnh hành trên sóng truyền hình. Nhưng không thể phủ nhận việc sau tác phẩm quốc dân này, các biên kịch truyền hình Việt nói chung và VFC nói riêng mới bắt đầu “điên cuồng” khai thác mảnh đất màu mỡ này, cày cuốc, reo hạt nhiều tới độ mảnh đất không khô cằn thì khán giả cũng cảm thấy chán ngấy.
Sự thoái trào của dòng phim drama gia đình, ngoại tình
Lại quay ngược về quá khứ, phim truyền hình trên sóng VTV bắt đầu có khái niệm “khung giờ vàng” từ năm 2007. Những năm đầu của khái niệm này, khán giả được chiêu đãi vô số những tác phẩm đa dạng về thể loại. Đặc biệt có 2 xu hướng làm phim rất thịnh hành thời đó, là phim về nông thôn và phim hình sự, tâm lý xã hội. Thời điểm này, tâm lý tình cảm gia đình dĩ nhiên vẫn xuất hiện nhưng nó giống như một gia vị vô cùng thú vị của các tác phẩm, khiến người xem vừa thích thú vừa “thèm thuồng”. Trong khi đó vài năm trở lại đây, drama gia đình không chỉ còn là gia vị mà nâng cấp trở thành một “món ăn” độc lập, chiếm thị phần lớn nhất trên “mâm cơm” giờ vàng. Dĩ nhiên phim tâm lý, gia đình không sai và càng không bao giờ lỗi mốt khi nó phản ánh một phần chính những gì luôn xảy ra trong đời sống cá nhân của mỗi khán giả. Thế nhưng cách các biên kịch cứ dùng đi dùng lại những công thức, cố gắng cài cắm một vài tình tiết nào đó có thể khiến bộ phim của mình gây ra tranh cãi trên MXH lại đang vô tình đánh đố sự kiên nhẫn của khán giả.
Sau Sống Chung Với Mẹ Chồng, truyền hình Việt từng có một tác phẩm được tung hô như chuẩn mực của dòng phim tâm lý, tình cảm gia đình là Về Nhà Đi Con. Dĩ nhiên phim vẫn có một vài yếu tố dông dài nhưng khách quan mà nói thì đây thực sự là một tác phẩm tương đối vừa vặn và hoàn chỉnh về mặt cảm xúc. Sau liên tiếp 2 bộ phim hot, các biên kịch sóng giờ vàng bắt đầu điên cuồng khai thác hai motif là giật chồng và nhà chồng quá quắt. Rất nhiều bộ phim tương tự được trình làng, ban đầu thì vẫn tương đối hiệu quả trong việc câu kéo khán giả nhưng càng về sau lại càng khiến người xem mất kiên nhẫn. Không bàn quá xa, chỉ tính riêng trong năm 2023, phim truyền hình Việt liên tục có những tác phẩm bị chê bai thậm tệ về mặt kịch bản khi nó ôm đồm quá nhiều mâu thuẫn. Đó là Dưới Bóng Cây Hạnh Phúc - một bộ phim không hề hạnh phúc, Nơi Giấc Mơ Tìm Về - tác phẩm mà đến tận tập cuối khán giả vẫn chưa hiểu nổi ý nghĩa tiêu đề, Đừng Nói Khi Yêu - bộ phim có phần nhẹ nhàng hơn nhưng motif vẫn cũ kỹ và đỉnh điểm là Chúng Ta Của 8 Năm Sau. Trên thực tế Chúng Ta Của 8 Năm Sau từng là một bộ phim “vô cùng tốt” khi 15 tập đầu (được gọi là phần 1 của phim) mang đến hơi thở thanh xuân nhẹ nhàng với một câu chuyện rất vừa vặn, có đủ hỉ nộ ái ố nhưng vẫn đáng yêu. Sang tới phần 2, màn thay máu toàn bộ dàn cast chính với những gương mặt “xưa như Diễm” của sóng giờ vàng, tưởng đâu sẽ giúp phim nổi tiếng hơn, ai ngờ nó lại phản tác dụng. Dĩ nhiên diễn viên chỉ là một phần lý do khiến phim đi xuống, điều quan trọng hơn cả vẫn nằm ở yếu tố kịch bản. Một lần nữa, biên kịch lại sa đà vào câu chuyện tiểu tam giật chồng, yêu lại người cũ với những dây dưa nhập nhằng mãi chẳng tìm thấy hồi kết. Nữ chính Huyền Lizzie, người trước đó có màn thăng hạng sự nghiệp nhờ bộ phim Thương Ngày Nắng Về, nay ngã ngựa đau đớn vì một kịch bản thảm hại và lối diễn xuất khó ngấm cùng một bạn diễn hoàn toàn không phù hợp.
Sang tới 2024, truyền hình Việt lại tiếp tục đi vào những vết xe đổ cũ mà đỉnh điểm là bộ phim vừa kết thúc: Trạm Cứu Hộ Trái Tim. Mấy năm trở lại đây, làn sóng phim chữa lành trở nên thịnh hành, chủ yếu là nhờ những tác phẩm đến từ Hàn Quốc. Sóng giờ vàng phim Việt cũng có một số tác phẩm khai thác thể loại này và Trạm Cứu Hộ Trái Tim là một bộ phim đã tự hô hào rằng bản thân thuộc thể loại chữa lành. Thế nhưng sau cùng, thứ chữa lành duy nhất trong bộ phim của Hồng Diễm chỉ là cụm từ “cứu hộ trái tim” ở tên tác phẩm, còn lại không có bất cứ một yếu tố nào đảm bảo về mặt thể loại. Trạm Cứu Hộ Trái Tim rõ ràng chỉ là một bộ tâm lý tình gia đình đơn thuần hoặc nếu ekip muốn khiến nó trông mới hơn trong mắt khán giả thì có thể tạm gắn cho nó cái mác “phim báo thù”, dù thực tế nữ chính trong phim cũng không báo thù được ai cả.
Vẫn phải nhấn mạnh việc phim gia đình luôn là một món ngon khó bỏ với khán giả nhưng rõ ràng việc các biên kịch cứ ôm đồm drama thái quá đã khiến dòng phim này trở nên biến chất và mất đi vị thế trong lòng người xem. Ví dụ điển hình và gần nhất vẫn chính là Trạm Cứu Hộ Trái Tim, một tác phẩm có quá nhiều cái tên hot, bảo chứng về mặt danh tiếng nhưng sau cùng lại thất bại ê chề. Đồng ý là phim vẫn có một đối tượng khán giả riêng, là các bà nội trợ rất thích những bộ phim “ồn ào” nhưng rõ ràng là phim truyền hình Việt ngày nay đang nỗ lực tiếp cận đa dạng khán giả hơn, nhất là khán giả trẻ. Bằng chứng là việc các ekip đều cố gắng khai thác tiềm năng từ mạng xã hội, tích cực quảng bá phim qua những nền tảng mà người trẻ ưa chuộng. Thế nên, việc cứ chăm chăm khai thác những bộ phim đầy drama, những motif cũ hướng đến sự tranh cãi đã không còn là một bài toán thích hợp nữa.
Nỗ lực “tỏ ra chuyên nghiệp” nhưng bất thành
Lại nhớ thời điểm những năm đầu của khái niệm phim giờ vàng, thời điểm đó nhà đài đều đặn cho ra mắt những tác phẩm thuộc dòng phim chính luận, hình sự nhận về sự quan tâm vô cùng lớn từ khán giả. Sở dĩ nhắc đến điều này là bởi những năm trở lại đây, sóng truyền hình Việt vẫn không thiếu những bộ phim chính luận cùng rất nhiều tác phẩm khai thác các ngành nghề đặc thù như lính cứu hỏa, bác sĩ, luật sư,... Thế nhưng tất cả đều vướng phải một lỗi chung đó là những hạt sạn về chuyên môn công việc và nội dung khô khan, không đủ sức cầm chân người xem. Nếu nói là thể loại phim này khô khan, kén khán giả thì có lẽ cũng chẳng đúng, khi chúng ta từng có thời kỳ hoàng kim với series Cảnh Sát Hình Sự vô cùng nổi tiếng và ăn khách. Vấn đề lớn nhất vẫn nằm ở khâu kịch bản khi các biên kịch cứ cố gắng nhồi nhét drama gia đình vào những bộ phim đặc thù ngành nghề mà quên mất việc phải dành thời gian để chăm chút cho các tiểu tiết liên quan đến chuyên môn công việc của nhân vật.
Lửa Ấm là bộ phim hiếm hoi trên sóng VTV khai thác câu chuyện của người lính cứu hỏa đi kèm nữ chính là một bác sĩ thế nhưng phim lại gặp một loạt các lỗi sai về kiến thức của cả hai ngành nghề. Thứ nổi tiếng hơn cả ở tác phẩm này vẫn là câu chuyện tiểu tam trơ tráo và mẹ chồng khó chiều. Hành Trình Công Lý cũng là một tác phẩm tương tự. Phim có quá nhiều những lỗi sai không thể chấp nhận được, làm xấu hình ảnh một luật sư, tiêu biểu như việc nữ chính luôn xử lý vấn đề bằng cảm tính mà quên đi những nguyên tắc cơ bản của công việc. Một trong số những hạt sạn gây sốc nhất của phim là khi nữ chính đã phản bội thân chủ của mình, khiến anh ta thua đau trong vụ kiện cáo tranh giành tài sản với em ruột. Những chi tiết này khiến bộ phim trở nên ngô nghê, khó hiểu và dĩ nhiên, chẳng có hành trình công lý nào trong suốt cả tác phẩm khi thứ người ta thấy chỉ là câu chuyện ngoại tình, phản bội vợ con và cảnh nóng lặp đi lặp lại của nam chính. Ngay cả bộ phim Trạm Cứu Hộ Trái Tim gần đây cũng thế, nhân vật Vũ (Trương Thanh Long) thân là bác sĩ nhưng lại bỏ rơi bệnh nhân đang chờ mổ vì nghe tin con gái người yêu gặp nạn. Những tình tiết vẽ ra nhằm cố gắng tôn vinh các nhân vật là người sống đạo lý, tình cảm nhưng vô tình lại khiến bộ phim trở nên ngô nghê trong mắt khán giả, mà ngay cả những người không có chuyên môn đặc thù công việc cũng nhận ra lỗi sai của kịch bản.
Tránh xa drama thì vẫn còn nhiều câu chuyện để khai thác mà!
Như đã đề cập ở trên, bộ phim Trạm Cứu Hộ Trái Tim từng nỗ lực tung hô bản thân thuộc dòng phim chữa lành, có lẽ cũng bởi gần đây, truyền hình Việt có không ít những tác phẩm cộp mác chữa lành đã gặt hái được kha khá thành công. Những tựa phim như Gara Hạnh Phúc, 11 Tháng 5 Ngày, Đừng Làm Mẹ Cáu hay thậm chí là cả Chúng Ta Của 8 Năm Sau phần 1,... tuy ít nhiều vẫn còn những yếu tố gây khó chịu cho khán giả nhưng tựu chung lại thì chúng đều mang lại cảm giác tương đối vừa vặn. Thực tế những tác phẩm này không hề đòi hỏi kịch bản đao to búa lớn cũng chẳng cần đầu tư nhiều về mặt hình ảnh, bối cảnh. Những câu chuyện nhẹ nhàng và dung dị, vừa đủ để cầm chân khán giả nhưng không khiến họ phải tức tối, bực dọc rõ ràng là một cách làm phim quá hay và phù hợp với thị hiếu của khán giả hiện nay.
Nhìn lại thành công của những tựa phim này và nhìn cả tình hình phim truyền hình Việt khoảng 5 năm trở lại đây thì dễ nhận thấy khán giả đang cần gì ở các nhà làm phim Việt. Drama dông dài, thị phi thái quá và những mâu thuẫn không lời giải đã không còn là mẫu số chung của sự thành công. Người xem cần nhiều hơn những tác phẩm thực sự giải trí, những bộ phim dung dị, gần gũi với lời thoại bớt đạo lý, cao siêu. Không phủ nhận việc những tác phẩm khiến khán giả “vừa xem vừa chửi mắng” thường thành công hơn về mặt danh tiếng nhưng nếu cứ lao đầu vào công thức làm phim đầy thị phi này thì sẽ chẳng thể nào có được những bộ phim thực sự chất lượng và đáng nhớ.
Truyền hình Việt đã có quá nhiều drama rồi, những tác phẩm nhẹ nhàng, hài hước vừa đủ chính là điều mà khán giả đang thực sự mong chờ. Đáng mừng là gần đây, bên cạnh Trạm Cứu Hộ Trái Tim thì truyền hình Việt còn có kha khá những tác phẩm vừa vặn và dễ thương. Đó là Mình Yêu Nhau Bình Yên thôi, Sao Kim Bắn Tim Sao Hoả hay mới nhất là Vui Lên Nào Anh Em Ơi,… Khán giả không hề quá khó tính, thậm chí họ còn chẳng muốn đánh đố các biên kịch với các tác phẩm cao siêu, càng chẳng cần những bộ phim có bối cảnh, nhân vật lộng lẫy xa hoa (để rồi làm không tới). Những tựa phim gần gũi, những tiêu đề dễ thương, những câu chuyện đủ hỉ nộ ái ố chứ đừng chăm chăm vào “nộ” và “ố” đâu phải một bài toán quá khó cho các biên kịch Việt?!
Năm 2023, chúng ta từng có một bộ phim rất hay, đó là Chúng Ta Của 8 Năm Sau phần 1. Và có lẽ bộ phim chỉ nên dừng lại ở phần 1 như cái cách truyền hình Việt cần có thêm nhiều tác phẩm đáng yêu như thế!
Theo Lệ An (Nguoiduatin.vn)