Video: Xem trọn vẹn những phần thi xuất sắc giúp Hương Giang trở thành Tân Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2018
Đại diện Việt Nam - Hương Giang Idol (Nguyễn Hương Giang) đã đăng quang Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2018 (Miss Intertnational Queen 2018). Sau đêm chung kết hôm 9/3, Hương Giang chính thức có tên trên bản đồ sắc đẹp thế giới dành cho người chuyển giới.
Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có đại diện đăng quang tại cuộc thi sắc đẹp chuyển giới quốc tế. Trong lịch sử 14 năm của cuộc thi này, chủ nhà Thái Lan thắng thế khi có đến 4 người đẹp giành vương miện.
Đấu trường nhan sắc của cộng đồng chuyển giới
Trên thế giới có nhiều cuộc thi sắc đẹp quốc tế uy tín. Người ta hay nói về Big 4 với Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Trái đất cùng hàng chục quốc thi sắc đẹp tầm cỡ hạng trung. Rất khó để đánh giá đấu trường nào là danh giá nhất khi mỗi cuộc thi có một tiêu chí riêng.
Tuy nhiên, Miss International Queen lại dễ dàng trở thành cuộc thi sắc đẹp uy tín, lớn nhất thế giới kể từ khi tổ chức vào năm 2004. Bởi đây là cuộc thi dành cho những người chuyển giới. Tiêu chí đầu tiên để tham gia cuộc thi này là thí sinh phải sinh ra với giới tính nam nhưng được công nhận là nữ. Họ có thể trải qua phẫu thuật chuyển giới hoàn toàn hoặc chưa hoàn toàn trong độ tuổi từ 18 đến 35. Ngoài ra, ban tổ chức còn đưa ra yêu cầu bắt buộc các thí sinh không có ảnh khỏa thân hay bê bối liên quan đến sex trong quá khứ.
Miss International Queen “khai sinh” đầu tiên và cũng là cuộc thi duy nhất đến giờ được tổ chức thường niên, quy mô. Các thí sinh trải qua các phần thi quen thuộc trước đêm chung kết như: Trang phục dân tộc, Bikini, Trình diễn Tài năng, phỏng vấn. Thông thường có khoảng 25-30 thí sinh có mặt trong đêm bán kết. Người giành vương miện Hoa hậu sẽ được đội vương miện lấy từ cảm hứng sự tái sinh của loài bướm và phần thưởng trị giá khoảng 12.500 USD.
Khi hỏi về lý do tham gia cuộc thi, người đẹp Juana Paing nói cô đến một đất nước còn bảo thủ, có cái nhìn kỳ thị với cộng đồng LGBT. Cô mong muốn khi tham gia cuộc thi lớn như Miss International Queen, người dân quê nhà sẽ biết đến cộng đồng người nhỏ bé đó.
“Tại Myanmar, cộng đồng người chuyển giới là rất nhỏ. Tôi chỉ mong sau cuộc thi này, Myanmar sẽ cởi mở hơn đối với những người chuyển giới”, Juana nói.
Ông Joe Wong, người có nhiều năm làm việc với cộng đồng người chuyển giới ở châu Á Thái Bình Dương hoan nghênh cuộc thi như một “phương tiện mạnh mẽ để đưa ra thông điệp về sự mạnh mẽ, tài năng cùng khát vọng của người chuyển giới”.
Tranh cãi và câu hỏi tính minh bạch
Miss International Queen dù được đánh giá uy tín nhưng đây vẫn như sân chơi của riêng cộng đồng LGBT. Người đẹp chuyển giới Canada Jenna Talackova gây chú ý và được đánh giá cao tại Miss International Queen 2010.
Talackova hy vọng sẽ được công chúng đón nhận sau cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế. Tuy nhiên, khi trở về nước và mạo hiểm đăng ký dự thi Hoa hậu Hoàn vũ Canada, Talackova đã nếm trải sự phân biệt từ ban tổ chức.
Cô bị gạch tên khỏi danh sách dự thi khi BTC cho rằng cô sinh ra là nam giới, không phù hợp tiêu chí. Những người ủng hộ Jenna cho rằng không có quy định nào cho thấy cuộc thi cấm những người đẹp chuyển giới tham gia. Hơn 20.000 người đã cùng ký tên vào một bức thư, yêu cầu ban tổ chức cho phép Jenna được trở lại cuộc thi. Sau nhiều tranh cãi, cô mới tham gia vòng loại Hoa hậu Hoàn vũ Cananda 2012.
Câu chuyện với Jenna kết thúc nhưng đó là vấn đề còn tồn tại cho đến bây giờ. Rất nhiều ý kiến cho rằng người đẹp chuyển giới chỉ nên thi ở các cuộc thi dành cho cộng đồng chuyển giới. Việc họ tham gia đấu trường sắc đẹp thông thường là không công bằng vì họ đã qua phẫu thuật thẩm mỹ.
Một điểm trừ nữa tồn tại ở Miss International Queen những năm qua là yếu tố công bằng, minh bạch. Cuộc thi tổ chức từ năm 2004 tại Pattaya thuộc sở hữu của Tiffany’s Show. Tiffany cũng là đơn vị tổ chức Hoa hậu Chuyển giới Thái Lan.
Nhiều bằng chứng cho thấy cách chấm điểm và thứ hạng vương miện được căn cứ theo góc nhìn của người Thái Lan. Sina cho hay cuộc thi chưa từng có người Do Thái đăng quang. Trong khi đó, đại diện nước chủ nhà luôn dễ dàng có tên trong Top 3 hoặc giành vương miện. Đêm chung kết Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2018 cũng gây ồn ào khi người đẹp Brazil Izabele Coimbra bị loại khỏi Top 3 dù cô được đánh giá rất cao.
Thành danh chật vật sau đăng quang
Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2011 Sirapassorn Atthayakorn tâm sự đăng quang tại cuộc thi sắc đẹp chuyển giới khác với các đấu trường nhan sắc thông thường.
Theo cô, sự khác biệt đó là “danh hiệu tồn tại vài tháng và không phải nhà sản xuất hay đơn vị tài trợ nào cũng sẵn sàng mời hoa hậu chuyển giới tham gia các dự án”. Sau đăng quang vào năm 2011, cô gần như biến mất trên phương tiện truyền thông.
Jiratchaya Sirimongkolnawin là ca sĩ, người mẫu trước khi đăng quang. Jiratchaya Sirimongkolnawin đăng quang Hoa hậu chuyển giới Thái Lan vào năm 2016. Ngay sau đó, cô được vinh danh tại đấu trường sắc đẹp chuyển giới toàn cầu. Tuy nhiên, cô không nhận được sự săn đón của truyền thông hay công chúng như kỳ vọng.
“Mọi thứ với tôi vẫn như thường lệ. Dư âm hào quang rất ngắn ngủi. Tôi phải trở về với cuộc sống bình thường”, cô nói trên Thaicatwalk. Người đẹp đăng quang Miss International Queen 2009 Sorrawee "Jazz" Nattee cũng không màng sự ồn ào vương miện. Cô xuất gia và trở lại làm đàn ông vào năm 2013.
Thông thường sau mỗi năm tổ chức, truyền thông quốc tế đều ưu ái đưa tin về người chiến thắng. Tuy nhiên, các hoạt động của hoa hậu sớm chìm vào quên lãng. Trong lịch sử cuộc thi, Nong Poy là người đẹp hiếm hoi có sự nghiệp nghệ thuật gây chú ý.
Theo Hiểu Nguyệt (Tri Thức Trực Tuyến)