Vào những năm 1980, để quảng bá rộng rãi hơn những kiệt tác văn học kinh điển, "Tây Du Ký", "Thủy hử", "Hồng lâu mộng" và "Tam quốc chí" đều được chuyển thể thành phim truyền hình. Trong số bốn tác phẩm này, "Tây Du Ký" thực hiện khó hơn do có nhiều cảnh chiến đấu, nhiều hình tượng yêu quái khác nhau, và cả địa điểm quay cũng phải di chuyển khắp nơi.
Đoàn làm phim lúc bấy giờ chỉ có vài người nên mỗi người đều phải đảm nhiệm nhiều vị trí và hỗ trợ lẫn nhau liên tục. Vậy nên dù chỉ có vài chục tập nhưng phải mất 6 năm gian khổ để quay. Trong suốt 6 năm này, riêng nhân vật Đường Tăng đã thay tận 3 diễn viên khác nhau.
Năm 1982, đạo diễn Dương Khiết chuẩn bị khởi quay Tây Du Ký. Bà đã xem rất nhiều ảnh của sinh viên Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, cuối cùng quyết định chọn Uông Việt. Nhận được lời mời cho vai Đường Tăng, Uông Việt rất phấn khích, sẵn sàng vào vai ngay lập tức. Tuy nhiên, do lần đầu tiên đóng phim truyền hình, ông cực kỳ căng thẳng, diễn xuất không được tốt lắm.
Sau khi thảo luận, đoàn làm phim quyết định gửi Uông Việt đến chùa Pháp Nguyên, cạo tóc và trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của một nhà sư để nhập vai cho tốt. Sống trong chùa được hơn mười ngày, ông đòi về với lý do muỗi đốt quá nhiều mà không được phép sát sinh trong chùa. Nhờ mấy ngày "tu hành", Uông Việt đã thực hiện tốt hơn những cảnh quay nhưng chỉ được 3 tập thì ông rời đoàn phim.
Uông Việt sợ mình bị rập khuôn với vai Đường Tăng nên muốn chuyển sang đóng phim khác để có tương lai tốt đẹp hơn. Nếu biết trước rằng những bộ phim sau này của ông đều không được đón nhận nồng nhiệt, hẳn ông đã gắn bó luôn với "Tây du ký" đến cùng rồi.
Không có Uông Việt, đạo diễn Dương Khiết phải phân lại vai. Vốn dĩ Từ Thiếu Hoa đóng vai Tiểu Bạch Long, nhưng không ngờ sau khi thử mặc trang phục nhà sư lại tỏa sáng đến như vậy. Thế nên không còn nghi ngờ gì nữa, Đường Tăng nhất định phải là do ông đóng. Từ Thiếu Hoa lần đầu tiên ra mắt đã được tham gia vào bộ phim "Tinh biến" và được rất nhiều người yêu thích. Với diễn xuất tốt như vậy, ông đã thể hiện rất rõ cả sự thanh cao lẫn hèn nhát của Đường Tăng.
Trong khi quay "Tây du ký", Từ Thiếu Hoa vẫn đang học ở trường. Đích thân Dương Khiết đã đến trường để mời ông tham gia bộ phim. Sau một thời gian, ông bỗng dưng kiên quyết dừng đóng phim để quay lại việc học, dù cho rất nhiều người cố gắng thuyết phục. Mãi gần đây, Mã Đức Hoa, nam diễn viên đóng Trư Bát Giới, mới tiết lộ trên một chương trình rằng sự ra đi của Từ Thiếu Hoa thực chất chỉ vì 5 nhân dân tệ (tức 18.000 đồng).
Ngày trước, lương của các diễn viên rất thấp. Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới lương có cao hơn mọi người một chút vì bất kể thời tiết như thế nào, họ đều phải đắp lên người rất nhiều phụ kiện hóa trang dày cộp. Từ Thiếu Hoa lại không hài lòng với việc này. Ông cho rằng bản thân phải học thuộc nhiều lời thoại nên phải được nhận mức lương như vậy.
Ông đã thẳng thắn đề nghị với đạo diễn Dương Khiết nhiều lần và bà đồng ý tăng thêm cho ông 5 tệ, vẫn kém Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới 5 tệ. Vì thế mà ông nhất quyết dừng đóng phim. Mất đi Từ Thiếu Hoa, đoàn làm phim lại vất vả đi tìm một "Đường Tăng" mới. Lần này, Trì Trọng Thụy được gọi tên.
Trì Trọng Thụy diễn "Đường Tăng" kiên trì từ đầu đến cuối, sau khi "Tây Du Ký" ra mắt thì ông cũng nổi đình nổi đám khắp cả nước. Sau này, Trì Trọng Thụy còn gặp được người vợ hiện tại của mình là Trần Lệ Hoa, một người rất thích "Tây Du Ký". Bà còn là một nữ phú hào với khối tài sản kếch xù. Sau khi quay xong phim "Tây Du Ký", Trì Trọng Thụy rút lui khỏi showbiz rồi kết hôn với Trần Lệ Hoa. Giờ đây, cả hai đã sống với nhau hàng chục năm và vẫn luôn bên cạnh nhau như hình với bóng.
Từ Thiếu Hoa chắc chưa bao giờ nghĩ rằng vai diễn kém 5 tệ như "Đường Tăng" mà cũng giúp Trì Trọng Thụy thành công đến vậy. Bản thân ông những năm sau này lại vô cùng ảm đạm. Ông chỉ có thể dựa vào những lần biểu diễn ở trung tâm thương mại để kiếm tiền sống qua ngày. Ai cũng tiếc rẻ, nếu ông không từ bỏ vai Đường Tăng, có lẽ ông cũng sẽ gặp được một người vợ giàu có nào đó như Trần Lệ Hoa, hoặc trở nên nổi tiếng và được đóng nhiều bộ phim kinh điển khác rồi.
Theo Nhật Linh (Công lý & xã hội)