Phải nhìn bộ phim một cách toàn diện dưới góc độ một tác phẩm nghệ thuật
Trong cuộc họp góp ý Luật Điện ảnh (sửa đổi) sáng 14/9, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội - Thiếu tướng Lê Tấn Tới đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định cấm phim có tình tiết cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật như: phạm tội nhưng không bị xử lý; phản ánh quá chân thực, chi tiết về sự tự chuyển biến, tự chuyển hóa, làm người xem nhận thức sai và có thể bắt chước, làm theo.
Tướng Tới lấy ví dụ: "Mới đây VTV1 chiếu phim Người phán xử, sau khi chiếu bộ phim đó, tình hình các băng ổ nhóm tội phạm, xã hội đen xảy ra rất nhiều. Phim chiếu trên giờ vàng, ai chịu trách nhiệm về vấn đề này?".
Ông nhấn mạnh Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng trong phim các vấn đề lại đưa cho ông trùm phán xử, thậm chí phán xử cả lực lượng công an.
Trao đổi với PV vào sáng 16/9, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, đối với ý kiến của Thiếu tướng Lê Tấn Tới góp ý vào Luật Điện ảnh (sửa đổi) là quyền của đại biểu Quốc hội nên Ban soạn thảo phải lắng nghe và nghiên cứu ý kiến này một cách nghiêm túc.
Đối với ý kiến của tướng Tới về bộ phim Người phán xử được phát trên VTV1, ông Thành cho rằng, ở đây, cần phải nhìn nhận bộ phim một cách toàn diện dưới góc độ một tác phẩm nghệ thuật.
Ông Thành nói, đối với một phim phải nhìn nhận nó là một câu chuyện xuyên suốt từ đầu đến cuối xem kết thúc có hướng tới các giá trị nhân văn tốt đẹp không.
"Phải nhìn nó trong một tổng thể, chỉnh thể thống nhất từ đầu đến cuối chứ không nên nhìn theo phân đoạn. Bởi có thể có những phân đoạn phản ánh thực tế, thậm chí, trên cả thực tế các vấn đề liên quan bạo lực, tội phạm...
Người nghệ sĩ họ sáng tạo nghệ thuật nên họ có thể đưa ra các phân đoạn này nhưng việc đưa ra nó là để người xem họ biết để rồi có biện pháp tự bảo vệ, tự kiểm soát để tránh.
Chưa kể những vấn đề bạo lực, tội phạm,... được đưa ra còn góp phần tạo ra thắt nút của câu chuyện.
Do đó, phải nhìn nhận toàn bộ kịch bản, câu chuyện, bộ phim đó có phải là tuyên truyền, cổ súy cho các vấn đề mặt trái xã hội không hay những phản ánh đó chỉ là dẫn dắt câu chuyện, đẩy cảm xúc, tạo sự thắt nút để hướng đến giá trị nhân văn, hướng thiện.
Nếu không nhìn một cách tổng thể mà chỉ nhìn có một phân đoạn thế này, thế kia mà đánh giá tác phẩm, bộ phim đó là bạo lực, cố súy cho mặt trái xã hội thì đó không đúng với cách nhìn nhận một tác phẩm nghệ thuật", ông Thành nêu rõ.
Cục trưởng Cục điện ảnh nhấn mạnh, nghệ thuật là sáng tạo của nghệ sĩ và nó sẽ góp phần định hướng cho người xem đến giá trị nhân văn tốt đẹp.
Những gì luật không cấm thì các nghệ sĩ đều được làm
Lãnh đạo Cục điện ảnh cũng chia sẻ, sau ý kiến của Thiếu tướng Lê Tấn Tới về bộ phim Người phán xử đã có rất nhiều ý kiến của anh em nghệ sĩ, điện ảnh phản ứng và điều này là đúng.
Ông nói thêm, ở đây là xã hội dân chủ nên mọi người đều được nêu quan điểm, suy nghĩ của mình và qua những trao đổi đó sẽ rõ ra vấn đề. Những trao đổi, ý kiến qua lại, ở nhiều góc độ khác nhau là tốt.
Trước câu hỏi, sau khi bộ phim Người phán xử được phát sóng có nghiên cứu, đánh giá cụ thể nào về việc gây ra các hiện tượng "băng ổ nhóm tội phạm, xã hội đen xảy ra rất nhiều" như tướng Tới nêu không? Ông Thành cho rằng, việc này, nếu có phải do các nhà nghiên cứu xã hội, kể cả ngành công an sẽ làm các điều tra để đánh giá một cách khoa học, toàn diện.
"Ở đây, nếu chưa có các điều tra xã hội học, đánh giá, mà phát biểu như vậy thì cũng cần xem xét còn tất nhiên ở góc độ đại biểu họ nêu như thế thì với trách nhiệm của Ban soạn thảo dự án Luật sẽ phải lắng nghe để nghiên cứu", ông Thành nói thêm.
Trả lời câu hỏi, thời gian tới, có nên có thêm các bộ phim có nội dung tương tự Người phán xử hay nên hạn chế, thậm chí cấm? Ông Thành nhấn mạnh, theo nguyên tắc, những gì luật không cấm thì mọi người, các nghệ sĩ đều có thể làm được.
Trước đó, PV đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại với Thiếu tướng Lê Tấn Tới để trao đổi lại các ý kiến được ông nêu ra về bộ phim Người phán xử nhưng không liên lạc được.
Theo Hoàng Đan (Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)