Không chỉ cấp phép cho nhiều ca khúc sau năm 1975 vì lầm tưởng mà Cục NTBD còn cấp nhiều giấy phép cho một ca khúc vì cứ hễ có ai xin là cho
Nhạc "đỏ" cũng đưa vào danh sách
Chiều 19-5, trên website Cục NTBD đã cập nhật hơn 300 bài hát được phổ biến rộng rãi, chủ yếu là nhạc truyền thống cách mạng (nhạc đỏ). Đây đều là những bài hát đã rất quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt Nam. Trong đó, có những bài: "Bước chân trên dải Trường Sơn" (Vũ Trọng Hối), "Chào em cô gái Lam Hồng" (Ánh Dương), "Chào sông Mã anh hùng" (Xuân Giao), "Chào quê hương tuyến lửa anh hùng" (Huy Du - Đại Đồng), "Bộ đội về làng" (Lê Yên - Hoàng Trung Thông), "Biết ơn Võ Thị Sáu" (Nguyễn Đức Toàn), "Bình Trị Thiên khói lửa" (Nguyễn Văn Thương), "Bài ca Trường Sơn" (Trần Chung - Gia Dũng), "Trên đỉnh Trường Sơn ta hát" (Huy Du), "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây" (Hoàng Điệp - Phạm Tiến Duật)…, kể cả bài "Tiến quân ca" (Quốc ca) và những bài ca ngợi lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Bài “Áo mới Cà Mau” của tác giả Thanh Sơn sáng tác sau năm 1975 vẫn bị Cục NTBD cấp phép phổ biến. Trong ảnh: Tiết mục trình diễn của Phương Mỹ Chi trong chương trình “Giọng hát Việt nhí”. (Ảnh do chương trình cung cấp) |
Nhạc cách mạng đương nhiên được lưu hành phổ biến bởi nó được sử dụng để tuyên truyền ngay từ khi ra đời, cho đến nay chưa hề có quy định nào của pháp luật điều chỉnh những bài hát này. Vì vậy, việc Cục NTBD đưa vào danh sách các bài hát được phổ biến gần 300 ca khúc nhạc truyền thống cách mạng là việc làm thừa.
Ngay cả khi ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD, giải thích với báo chí, chiều 21-5, rằng: "Tất cả các bài hát có chất lượng nghệ thuật cao, có nội dung tốt đều được cập nhật và phổ biến rộng rãi đến công chúng. Cục NTBD chỉ rà soát và công bố những tác phẩm sáng tác trước năm 1975 để các tổ chức, cá nhân thuận tiện khai thác, sử dụng" cũng chưa thuyết phục được về việc làm này của Cục NTBD.
Cứ xin là cho
Có những ca khúc sáng tác ở Việt Nam sau năm 1975 nhưng Cục NTBD vẫn cấp phép phổ biến như trường hợp các ca khúc: "Ấm áp tình quê" của nhạc sĩ Hàn Châu phổ thơ của nhà thơ Vịnh Đại Sơn năm 2010; bài "Anh Sáu về quê" của nhạc sĩ Hữu Minh sáng tác cùng nhạc sĩ Vinh Sử đều bị cấp phép phổ biến trong Quyết định số 501/QĐ-NTBD ngày 21-10-2013; bài "Áo mới Cà Mau" (Thanh Sơn) bị cấp phép tại Quyết định 312/QĐ-NTBD, ngày 21-8-2014.
Kể cả ca khúc đã làm nên tên tuổi của cặp song ca nổi tiếng đầu thập niên 1990: Phương Thảo - Ngọc Lễ do chính Ngọc Lễ sáng tác tại TP HCM lúc đó: "Cà phê một mình" cũng bị Cục NTBD cấp phép phổ biến trong Quyết định số 291/QĐ-NTBD, ngày 12-8-2015…
Từ đây cho thấy việc cấp phép phổ biến ca khúc sáng tác trước năm 1975 tại miền Nam đã trở thành mê hồn trận. Cục NTBD không phân biệt được ca khúc nào ra đời trước hay sau 1975, trong nước hay ngoài nước, hễ cứ có đơn vị nào xin là Cục NTBD cấp phép!
Không những thế, còn khá nhiều trường hợp một ca khúc có 2-3 quyết định cho phép phổ biến bởi vì đơn vị nào xin thì đơn vị đó biết, đơn vị khác cần sử dụng lại phải xin tiếp như trường hợp bài "Phút cuối" của nhạc sĩ Lam Phương được cấp trong Quyết định số 10/QĐ-NTBD ngày 17-6-2008 cho Công ty TNHH Giải trí Tiếng Hát Việt và 16/QĐ-NTBD ngày 16-4-2008 năm 2008 cho Công ty TNHH Khoa & Cường Vina, "Đêm cuối cùng" (Phạm Đình Chương) cũng trong quyết định số 10 ở trên và số 17/QĐ-NTBD ngày 21-7-2008 cho Công ty TNHH Phòng thu âm Viết Tân… Điều này đặt ra dấu hỏi về trình độ cũng như kỹ năng tác nghiệp của các nhà quản lý ở Cục NTBD.
Từ những sự việc trên cho thấy ý nghĩa của việc cấp phép các ca khúc sáng tác ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 và của người Việt Nam định cư ở nước ngoài không rõ ràng, nhất quán, gần như chỉ đặt ra để có người phải xin và có người cho.
Theo Lệ Minh - Huy Nguyên (Nld.com.vn)