Cục "đổ" việc cấm ca khúc xưa là do sở đề xuất

12/04/2017 21:13:00

Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM đã đề xuất tạm dừng lưu hành 5 ca khúc xưa do vi phạm bản quyền.

Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM đã đề xuất tạm dừng lưu hành 5 ca khúc xưa do vi phạm bản quyền.

Ông Đào Đăng Hoàn (đứng), cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn trả lời chất vấn của báo chí - Ảnh: V.V.TUÂN

 

Ông Đào Đăng Hoàn trả lời báo chí về việc cấm các ca khúc trước năm 1975 - Video: V.V.TUÂN


Thông tin này được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ quý 1, năm 2017 của Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch, chiều 12-4.

Buổi họp báo rất nóng bởi hàng loạt các câu hỏi của báo chí chất vấn Cục Nghệ thuật biểu diễn về việc cấm đoán tuỳ tiện các ca khúc sáng tác trước năm 1975. 

Cục nghệ thuật biểu diễn: Không “xin - cho” trong cấp phép

Nói về 5 bài hát bị cấm lưu hành, ông Đào Đăng Hoàn, cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn, giải thích rằng Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM đề xuất tạm dừng 10 bài hát, nhưng Cục chỉ tạm dừng 5 bài. Lý do được ông Hoàn đưa ra là những bài hát này vi phạm bản quyền.

“Nhà sử học Dương Trung Quốc có phát biểu trên báo Tuổi Trẻ rằng chúng tôi cần lập danh sách các bài hát bị cấm và công khai cho người dân, nhưng chúng tôi làm sao thu thập được tất cả những bài hát của miền Nam cũ để lập danh sách ấy. Vì vậy, cần phải thông qua xin phép để chúng tôi thẩm định rồi mới cấp phép".

"Còn những bài chưa được cấp phép thì do chưa có đơn vị nào xin phép. Như bài Nối vòng tay lớn mọi người vẫn hát cả trong những chương trình chính trị nhưng chưa có đơn vị xin cấp phép nên chưa được cấp phép”, ông Hoàn phân tích.

Đáp lại thắc mắc của báo chí, vì sao bài hát Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao đến năm 2009 mới được cấp phép phổ biến, ông Hoàn nói ông không biết rõ.

Ông Hoàn cũng nói không đồng ý khi báo chí nói rằng việc cấp phép bài hát là cơ chế “xin - cho” bởi nói như vậy cho thấy Cục Nghệ thuật biểu diễn rất cửa quyền trong việc này! “Nếu bài hát đúng thì chúng tôi cấp phép, còn nếu bài hát có vấn đề gì đó thì chúng tôi sẽ có văn bản phản hồi nói rõ lý do. Chúng tôi hoàn toàn không “xin - cho” trong cấp phép bài hát”.

Ông Hoàn còn cảnh báo báo chí rằng khi báo chí dẫn ý kiến thân nhân các nhạc sĩ có các bài hát trước năm 1975 bị tạm dừng lưu hành, thì đó chưa chắc đã phải là ý kiến chính thức của gia đình.

Cục nghệ thuật biểu diễn làm sai Luật?

Khi ông Đào Đăng Hoàn quá lúng túng, ông Lê Minh Tuấn, cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn, được đề nghị đứng ra trả lời báo chí. Ông Tuấn nói, có sự vênh nhau trong các danh sách bài hát được cấp phép phổ biến bởi vì website của Cục nghệ thuật biểu diễn có dung lượng nhỏ hơn web của bộ nên khi đăng danh sách không được đầy đủ!

Trả lời câu hỏi của báo chí, khi tạm dừng lưu hành 5 bài hát đó, Cục nghệ thuật biểu diễn đã hỏi ý kiến gia đình hoặc thân nhân các nhạc sĩ hay chưa mà biết các bài đó vi phạm bản quyền tác giả? Theo Luật sở hữu trí tuệ quy định, các cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc liên quan đến vi phạm bản quyền là thanh tra Bộ hoặc các cơ quan Toà án nếu có đơn kiện phát sinh chứ Cục Nghệ thuật biểu diễn không có chức năng này?

Ông Lê Minh Tuấn trả lời: “Chúng tôi thu hồi quyết định lưu hành các bài hát đó theo đúng Nghị định 79/2012 và Nghị định 15/2016. Vấn đề các bạn hỏi không liên quan đến Luật sở hữu trí tuệ".

Nhưng ông Bùi Nguyên Hùng, cục trưởng Cục bản quyền, lại khẳng định theo Luật sở hữu trí tuệ, trong trường hợp có vi phạm bản quyền thì các cơ quan có trách nhiệm giải quyết vụ việc sẽ bao gồm: thanh tra, các cơ quan như công an, hoặc toà án. Nghĩa là, Cục Nghệ thuật biểu diễn không có chức năng và nhiệm vụ giải quyết các vấn đề về bản quyền tác giả các bài hát.

Về việc có nên sửa đổi các quy định xin cấp phép phổ biến bài hát để phù hợp với thực tế cuộc sống hay không, ông Lê Minh Tuấn trả lời sẽ tiếp thu các ý kiến này để tổng hợp, đánh giá, báo cáo Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch xem có sửa hay không. 

Theo V.V.Tuân (Tuổi Trẻ)

Nổi bật