Nhận được nhiều kỳ vọng của công chúng ngay từ khi công bố những thông tin đầu tiên, Cù Lao Xác Sống - phim Việt tiên phong khai thác đề tài sinh tồn chính thức ra rạp vào 2/9 vừa qua.
Phim nhận về nhiều ý kiến khen chê từ khán giả và giới phê bình ngay khi ra mắt. Trong đó, đa phần công chúng cho rằng ê-kíp của bộ phim đáng khen trong việc chọn khai thác, làm mới hình tượng xác sống mang hơi hướng thuần Việt. Tuy nhiên, phim được đánh giá khó níu chân người xem bởi còn tồn đọng nhiều điểm trừ đáng tiếc.
Cù Lao Xác Sống kể về hành trình tháo chạy của bà con ở một vùng cù lao nghèo thuộc khu vực Thượng nguồn sông Mê Kông khỏi một đại dịch xác sống đang tấn công. Nhân vật chính của phim là Công - một thầy thuốc nổi tiếng ở địa phương, anh đã vượt qua nhiều khó khăn của đại dịch để bảo vệ bố và con gái. Trên đường tháo chạy, anh gặp nhiều bà con đồng cảnh ngộ và cùng họ ngăn chặn sự hoành hành của đại dịch.
Hình tượng xác sống “có một không hai”
Ngay từ khi công bố dự án, hình tượng xác sống (zombie) trong phim là điều được quan tâm nhiều nhất. Có thể nói, cách xây dựng hình tượng xác sống “có một không hai” vừa là ưu điểm, vừa là khuyết điểm của bộ phim.
Nói về ưu điểm, binh đoàn zombie trong Cù Lao Xác Sống kế thừa những tinh hoa từ các dự án zombie nước ngoài về diện mạo, sức mạnh nhưng vẫn mang chút gì đó thuần Việt: nghe phát thanh, nghe cải lương, thường mặc đồ bà ba,... và đặc biệt cũng hiền lành hơn. Đây cũng được xem là một nỗ lực của ê-kíp trong việc Việt hóa hình tượng xác sống truyền thống.
Theo chia sẻ từ đạo diễn và nhà sản xuất của dự án, zombie trong phim không thuần về giết chóc. Bởi những xác sống này chính là người dân, là đồng bào của mình nên ít nhiều cũng có tính người, thừa hưởng những đức tính tốt vốn có của người Việt. Chính vì thế, khi xem phim, nhiều người sẽ nhận thấy những xác sống trong phim có những nếp sống, tập quán khá giống con người.
Như đã nói, hình tượng xác sống là điểm cộng cũng là điểm trừ của tác phẩm. Trên một nhóm bàn luận phim, có khán giả để lại bình luận về xác sống như sau: “Chưa bao giờ thấy một zombie hiền lành như vậy, chỉ cần lấy ná thun bắn là chết” hay “Nam chính (Huỳnh Đông) chỉ cần dùng 1 cây gỗ để dẹp loạn binh đoàn xác sống ‘đông như quân Nguyên’, giống phim siêu nhân thì đúng hơn”. Đa phần khán giả cho rằng xác sống trong phim quá yếu và hiền, chưa kể việc di chuyển quá chậm phần nào làm giảm độ kịch tính của câu chuyện.
Đặc biệt, cách hóa trang cho các xác sống trong phim cũng nhận được nhiều ý kiến khen chê của khán giả. Thoạt nhìn qua, có vẻ như ê-kíp đã cố gắng đầu tư và mang đến hình tượng zombie có phần chỉn chu với lớp hóa trang kỹ lưỡng, không quá lộ liễu, nhất là ở những góc quay cận. Tuy nhiên, khán giả tinh mắt đã phát hiện chỉ có một vài zombie được chăm chút kỹ lưỡng về phần nhìn.
Ở các cảnh toàn, khi binh đoàn zombie xuất hiện, người xem dễ nhìn thấy lỗ hổng là một số zombie trông khá xuề xòa, không khác với người bình thường là mấy. Ngoài ra, khán giả nhanh chóng phát hiện ra những điểm vô lý liên quan đến xác sống trong phim như: dễ bị chiêu dụ chỉ bằng một tiếng hô lớn, biết nghe cải lương, nghe đài phát thanh, ngủ vào ban đêm,...
Kịch bản rời rạc, nhiều tình tiết phi lý
Sự rời rạc trong việc xây dựng kịch bản là nguyên nhân quan trọng khiến Cù Lao Xác Sống nhận về nhiều đánh giá tiêu cực từ người xem. Nguồn gốc của đại dịch bắt đầu từ đâu? Ngay từ đầu phim, người xem chỉ biết được đại dịch xác sống bắt nguồn từ Thượng nguồn sông Mê Kông nhưng cụ thể là ở đâu thì không được đề cập tới.
Từ đầu đến cuối, phim chỉ xoay quanh các tình tiết rượt đuổi giữa dân thường và xác sống. Người dân vô tội sau khi bị cắn nhanh chóng biến thành xác sống và tiếp tục đi tìm đối tượng mới. Tình tiết này được lặp đi lặp lại xuyên suốt 90 phút của phim mà không có cách nào ngăn chặn.
Đều đặn không sót một ngày nào, đài phát thanh mở thông báo rằng đại dịch xác sống đang tràn lan và kêu gọi người dân cẩn thận và tìm cách tháo chạy đến bến phà. Trong suốt thời gian người dân khổ sở đương đầu với xác sống, họ không hề nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào của các lực lượng chức năng. Không có thuốc men, lương thực, không tình nguyện viên,... nhưng vẫn phát loa thông báo đều đặn hàng ngày để thông báo về tình hình dịch bệnh. Điều này khiến người xem vô cùng khó hiểu.
Bên cạnh đó, kịch bản phim được đánh giá là ôm đồm quá nhiều thứ, đề cập đến câu chuyện của một loạt nhân vật nhưng lại không khai thác đến nơi đến chốn tạo cảm giác rời rạc cho tổng thể kịch bản.
Nếu để ý, mỗi người dân xuất hiện trong phim đều có một câu chuyện từ quá khứ, Trinh (Lê Lộc) vốn là gái bán cà phê nay trở thành con dâu của bà Vàng (Thanh Hằng), Diễm (Ốc Thanh Vân) có con gái hóa zombie nên cô phải đi tìm bạn về chơi cùng con mà nạn nhân trong phim chính là con của Công.
Trong phim có cảnh ông Tám (nghệ sĩ Tấn Thi) và cháu gái đứng trên nóc tòa nhà, cầm radio để nói chuyện với zombie, còn gọi họ là bà con. Hay việc bà Vàng hát cải lương để làm mồi nhử cho lũ zombie đến ăn thịt mình, nhằm cứu lấy gia đình và đứa cháu mới sinh,... Hai cảnh trên vốn dĩ có tác dụng tô đậm tình cảm gia đình nhưng cách mà ê-kíp khai thác khiến khán giả lắc đầu vì quá vô lý.
Lãng phí dàn diễn viên thực lực
Có thể nói, dàn cast Cù Lao Xác Sống thuộc hàng “khủng” nếu so với các dự án phim Việt từ trước đến nay. Bên cạnh độ nổi tiếng, họ còn được mệnh danh là những gương mặt bảo chứng về diễn xuất như nghệ sĩ Thanh Hằng, nghệ sĩ Tấn Thi, Huỳnh Đông, Ốc Thanh Vân, Lê Lộc, La Thành, Xuân Nghị, Hoàng Mèo,...
Tuy nhiên, việc câu chuyện của nhân vật không được khai thác sâu đã dẫn đến đất diễn của họ cũng bị chia nhỏ. Như vậy chẳng khác nào lãng phí một dàn diễn viên thực lực của bộ phim.
Hoàn cảnh, tính cách của tuyến nhân vật từ chính đến phụ trong phim cũng được xây dựng một cách hời hợt, thiếu chiều sâu. Nhân vật chính của phim là Công - một thầy thuốc từng vang danh khắp vùng và cứu sống được nhiều người dân nghèo.
Tuy nhiên, Công từ một người ấm áp, tử tế trở nên bất cần, không tin tưởng ai sau cái chết của vợ năm xưa. Cũng như nhiều gia đình khác, Công trở thành trụ cột, bảo vệ và dẫn dắt cha ruột và con gái tìm đường trốn khỏi đại dịch đang tràn lan ở địa phương. Diễn biến tâm lý của nhân vật Công được xây dựng khiến khán giả “thương không nổi”.
Anh chỉ vì những chuyện buồn trong quá khứ mà trở nên máu lạnh, không tin một ai. Thậm chí, anh còn bỏ mặt đồng bào khi họ đang lâm vào cảnh “thập tử nhất sinh” mà chỉ lo tìm đường tháo chạy. Thậm chí, khi ông Tám tha thiết xin Công cứu người vì đó là đồng bào của mình, anh cũng không bận tâm.
Đồng ý rằng khi mạng sống bị đe dọa, bất kỳ ai cũng trở nên ích kỷ. Nhưng nếu so về tình cảm mà đồng bào đối xử với Công và cách mà anh đáp lại họ thì nhân vật này đúng là quá máu lạnh. Mặc dù, tính cách của nhân vật Công có sự thay đổi ở những phút cuối phim nhưng lại không đủ để người xem thay đổi định kiến về sự ích kỷ trước đó của anh.
Tính cách nhân vật ông Tám (bố Công) cũng rất khó hiểu. Ông không chút hoảng sợ khi đại dịch xảy ra, thậm chí khi đứa cháu ruột mất tích, có khả năng bị giết bởi zombie, ông vẫn ung dung ngồi hát cả lương với cố nhân - bà Vàng. Phân cảnh ông Tám và bà Vàng đứng hát cải lương giữa đêm mà không chút lo lắng, không sợ zombie phát hiện và truy đuổi cũng khiến khán giả ngán ngẩm.
Bên cạnh đó, phim có ý xây dựng tuyến hài với mục đích thu hút sự quan tâm của khán giả về nội dung. Dù vậy, những miếng hài của cặp đôi Hoàng (La Thành) - Cảnh (Xuân Nghị) được đánh giá là chưa chạm đến cảm xúc của khán giả. Trong đó, chuyện tình yêu đồng giới của cặp đôi được khai thác quá nhiều đến mức nhàm chán, không ăn nhập với nội dung câu chuyện.
Ngoài ra, có những tuyến nhân vật được cho là dư thừa, không biết “chui” từ đâu ra, có vai trò gì trong phim đã được công chúng liệt kê như: Nhóm giang hồ hoạt động giữa đại dịch có đại ca suốt ngày cướp bóc, bắt con gái nhà lành về quấy rối (do Hoàng Mèo thủ vai đại ca), cặp nam - nữ xuất hiện như hai vị thần để cứu con gái Công rồi biến mất,....
Lồng ghép văn hóa miền Tây, thông điệp về tình người
Ngoài những điểm trừ chủ yếu liên quan đến kịch bản, Cù Lao Xác Sống cũng khiến người xem mãn nhãn bởi những yếu tố đậm chất miền Tây. Xuyên suốt bộ phim, người xem có thể bắt gặp những cảnh vật thân quen, gắn với làng quê Việt như cánh đồng lúa, dòng sông quê, máy cày, cầu khỉ, áo bà ba,...
Điều này mang đến cho khán giả cái nhìn gần gũi hơn về hình tượng xác sống truyền thống. Nếu phim được chiếu ở nước ngoài, đây cũng là dịp để quảng bá văn hóa dân tộc.
Những câu cải lương được đưa vào phim dù bị chê không ăn khớp với nội dung, nhưng cũng phần nào gây ấn tượng cho khán giả khi khai thác loại hình âm nhạc truyền thống. Những câu cải lương của bà Vàng, ông Tám cũng là chi tiết mà người xem nhắc đến đầu tiên khi nói về bộ phim. Giá như, những câu vọng cổ được đặt để vào các tình huống hợp lý thì chúng chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả về mặt nghe nhìn nhiều hơn.
Ngoài việc lồng ghép những yếu tố miền Tây, phim còn cài cắm những thông điệp ý nghĩa, chủ yếu về tình người giữa lúc đại dịch hoành hành. Đó là tình cảm gia đình giữa nhà Công và bà Vàng, tình làng nghĩa xóm khi ai ai cũng đoàn kết một lòng để chống lại sự xâm lăng của binh đoàn xác sống,...
Bên cạnh đó, sự ích kỷ của con người khi bị dồn đến đường cùng cũng được đưa vào phim. Đó là Diễm - nhân vật phản diện hiếm hoi của phim khi lợi dụng lòng tin của bà con mà bắt cóc trẻ em về làm bạn với con gái cô,...
Tóm lại, Cù Lao Xác Sống là một bộ phim điện ảnh đáng khen khi dũng cảm lựa chọn một đề tài sinh tồn - xác sống để đưa lên màn ảnh. Phim cũng có ý lồng ghép những đặc trưng của văn hóa Việt Nam để làm mới hơn hình tượng zombie truyền thống.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận những điểm trừ trong phim quá nhiều và lộ liễu. Nếu muốn níu chân khán giả, khiến họ tin tưởng mà đến rạp xem những dự án tiếp theo về đề tài này, chắc chắn nhà sản xuất phải thay đổi về cách làm phim cũng như đầu tư hơn nữa về nội dung, tạo hình, kỹ xảo,...
Phim khép lại với cái kết mở, ngầm báo hiệu cho sự xuất hiện của phần phim tiếp theo. Chính nhà sản xuất cũng tiết lộ Cù Lao Xác Sống chỉ là phần phim thử nghiệm, những dự án sau này sẽ được đẩy mạnh hơn về quy mô cũng như độ nguy hiểm của xác sống. Công chúng hoàn toàn có thể chờ đợi vào những phần phim tiếp theo về đề tài này trên màn ảnh rộng Việt Nam.
Theo Team Điện Ảnh (Saostar.vn)