Giành được giải thưởng Diễn viên kịch xuất sắc năm 2016, không chỉ riêng Công Lý cảm thấy vinh dự và hạnh phúc mà đây còn là niềm tự nào chung của Nhà hát Kịch Hà Nội.
Trong buổi lễ, Hội cũng trao tặng rất nhiều giải thưởng danh giá dành cho các Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, nghệ sĩ được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, các giáo sư đầu ngành tròn 70 và 80 tuổi đã đóng góp cho sự nghiệp sân khấu Việt Nam. Giải thưởng Nghệ thuật năm 2016 cũng được trao cho những tập thể, cá nhân xuất sắc.
Đáng chú ý, giải thưởng Diễn viên sân khấu xuất sắc 2016 đã được trao cho NSƯT Công Lý với vai diễn Do trong vở Vùng Lạnh (do NSND Hoàng Dũng dàn dựng).
Đây là giải thưởng cá nhân danh giá, thể hiện sự ghi nhận của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt nam dành cho cống hiến và tài năng của 1 diễn viên kịch trong năm 2016.
|
Ảnh tư liệu vở diễn Vùng lạnh. |
Chia sẻ về giải thưởng, NSƯT Công Lý xúc động nói: "Tôi rất bất ngờ và hạnh phúc khi nhận được giải thưởng này. Tôi xin cảm ơn Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã ghi nhận những nỗ lực trong lao động nghệ thuật của tôi, xin cảm ơn NSND Hoàng Dũng đã dàn dựng vở kịch xuất sắc này.
Thú thực, hiện tại tôi cùng các anh em trong Nhà hát Kịch Hà Nội đang rất bận rộn với các vở diễn phục vụ các cháu thiếu nhi nhân dịp Trung thu, nên cũng không có thời gian để tham gia buổi lễ và trực tiếp nhận giải.
Tôi đã phải nhờ người thân nhận thay giải thưởng này. Và khi giải thưởng về đến tay, tôi vẫn đang trong buổi tập với anh em trong Nhà hát nên cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào".
NSƯT Công Lý chia sẻ thêm, nhân vật Do trong vở Vùng Lạnh là một vai diễn mà anh khá thích thú ngay từ khi nhận kịch bản:
"Đây là một nhân vật vừa mang tính thời sự lại vừa có chiều sâu tâm lý. Kịch bản vở Vùng Lạnh của đạo diễn - NSND Hoàng Dũng - kể về thân phận của một người cựu chiến binh có tên Do.
|
NSƯT Công Lý hạnh phúc nhận giải thưởng Diễn viên sân khấu xuất sắc 2016. |
Do hoàn cảnh khách quan, sau khi cuộc chiến kết thúc được 30 năm, ông Do về lại quê hương. Nhưng vì thời gian đã quá lâu, ông lại bị mất trí nhớ nên những hi sinh, cống hiến của ông Do trong cuộc chiến không được ghi nhận.
Bỏ qua thiệt thòi này, người cựu chiến binh đã âm thầm vay mượn để xây dựng một trang trại nuôi cá nhằm cải thiện đời sống kinh tế. Nhưng môi trường ô nhiễm khiến ông Do mất trắng.
Lúc này, mọi người xung quanh mới bắt đầu đấu tranh đòi lại công bằng cho ông Do. Qua cuộc đấu tranh này, ông Do gặp lại những người đồng chí, đồng đội và cấp trên - những người đã vô tình đẩy cuộc đời ông ấy vào cảnh khốn khó.
Họ chính là những "vùng lạnh" trong xã hội, lạnh lùng ngay cả với người đã từng cùng hàng ngũ với mình, từng cùng mình vào sinh ra tử.
Nhưng không vì thế mà trách móc hay lên án, ông Do vẫn vững niềm tin vào lý tưởng của mình, và sẵn sàng tha thứ cho tất cả.
Vở kịch muốn gửi gắm thông điệp rằng vẫn tồn tại một "vùng lạnh" trong xã hội, một bộ phận những con người vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, vô cảm trước những thực trạng nhức nhối của xã hội.
Thế nhưng, dù cuộc sống có thể đẩy con người vào những hoàn cảnh éo le nhưng người lính Cụ Hồ vẫn luôn giữ một niềm tin vững chắc với lý tưởng của mình".
Theo Thảo Nguyên (Soha/Trí Thức Trẻ)