NSƯT Đỗ Kỷ chia sẻ ngành nghề nào cũng có hiện tượng tiêu cực và đằng sau nhân vật câu kết với xã hội đen, anh muốn nhấn mạnh làm như thế xã hội sẽ loạn.
Không chỉ ngành công an mới có hiện tượng xấu
- Vai diễn cảnh sát Vũ Bắc, một cán bộ biến chất móc nối với trùm giang hồ Phan Quân và Thế Chột, không thuộc tuyến nhân vật chính của "Người phán xử" nhưng vẫn ghi dấu ấn nhất định trong lòng khán giả. Anh nhận vai này trong hoàn cảnh nào?
- Khi đọc kịch bản, tôi quan tâm đến số phận và tính cách của nhân vật. Thông thường người ta phải thích những nhân vật anh hùng, người tốt việc tốt hoặc nhân vật có điều kiện thể hiện màu sắc cuộc sống.
Nhưng với nghệ sĩ thế hệ chúng tôi, chúng tôi lại muốn gửi gắm khát vọng của mình thông qua nhân vật. Nghĩa là qua vai diễn đó, bạn muốn nói điều gì, ca tụng cái gì hay phê phán điều gì trong cuộc sống... Chúng tôi không nghĩ mình phải diễn như thế này, làm đẹp như thế kia hay tỏ ra nguy hiểm ra sao.
NSƯT Đỗ Kỷ nhận vai Vũ Bắc với cả tâm huyết. |
- Mỗi diễn viên của "Người phán xử" đều có sự đầu tư, tìm tòi cho vai của mình. Vậy cá nhân anh lấy chất liệu ở đâu để thể hiện nhân vật phản diện là một công an biến chất?
- Bộ phim Người phán xử mỗi tập có khoảng 35 phân đoạn. Phim kéo dài 47 tập nên số lượng phân đoạn, bối cảnh rất nhiều. Tôi tham gia chưa được 50 phân đoạn, chứng tỏ khán giả rất yêu quý tôi và theo dõi kỹ bộ phim nên mới ấn tượng với vai Vũ Bắc.
Tôi không câu nệ chuyện nhân vật của mình xuất hiện nhiều hay ít. Điều quan trọng là mình làm nhân vật đó với cả tâm huyết.
Thực ra dạng vai công an đã có vị trí nhất định nhưng vẫn tiêu cực không phải chỉ ở Người phán xử mới có. Trước đây phim Câu hỏi số 5 từng có hình mẫu như vậy. Nếu nói tôi lấy một mẫu nào nhất định thì không đúng. Nghề của chúng tôi là chắt lọc chỗ này một chút, chỗ kia một ít, có thể từ lực lượng công an hoặc không phải. Bởi ngành nghề nào cũng có hiện tượng xấu, hiện tượng tiêu cực.
Hơn nữa, nhân vật của tôi không chỉ để nói về ngành công an, mà nói chung về những người có vị trí xã hội hoặc có trách nhiệm trong xã hội. Chỉ cần một phút giây buông lỏng, không làm điều tốt đẹp thì họ sẽ tha hóa giống nhân vật Vũ Bắc.
- Cái hay của nhân vật để thể hiện ra được chất phản diện không nằm nhiều ở lời nói, hành động, mà ở chính ánh mắt rất mưu mô, xảo quyệt. Anh đã lột tả ánh mắt đó như thế nào?
- Kỹ thuật chỉ hướng cho mình cách thức thể hiện. Để truyền được đến người xem cảm xúc thật, bản thân mình phải cảm được sự giận dữ, đau buồn thực sự. Ví dụ khi bạn đến một đám tang, ai đau buồn thật bạn biết, ai khóc giả vờ bạn cũng biết. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là tư duy, xúc cảm của mình đến đâu, mình thể hiện đến đó, không giả vờ.
Cái giỏi của đạo diễn "Người phán xử" là chọn đúng người
- Vai công an Vũ Bắc gây chú ý cũng bởi có chất liệu cuộc sống trong đó. Như anh nói ở trên thì ngành nghề nào cũng có người xấu. Vậy chắc hẳn anh đã cảm nhận một chút xót xa nào đó khi đọc kịch bản?
- Đó là điều đương nhiên, nếu muốn làm tốt thì trước hết mình phải đồng cảm với nhân vật. Tôi nhớ khoảng năm 2000, tôi đóng vai thầy giáo trong phimMùa lá rụng trong vườn. Một phân cảnh tôi không thể quên là khi ông bố đang ru con ngủ, còn cô vợ đi với nhân tình. Phân cảnh đó diễn rất mệt, từng giọt nước mắt của ông bố đang lăn trên má con.
Tôi không diễn để cho khán giả thương ông bố. Tôi diễn để cho mọi người nhận ra rằng không nên có cảnh vợ chồng bỏ nhau. Trong những cuộc chia tay, khổ nhất chính là những đứa con.
Với Người phán xử cũng vậy, đằng sau nhân vật câu kết với xã hội đen, tôi muốn nhấn mạnh làm như thế xã hội sẽ loạn. Những người thấp cổ bé họng, không có quyền sẽ bị đè nén, khổ sở.
"Nghệ sĩ thế hệ chúng tôi muốn gửi gắm khát vọng thông qua vai diễn". |
- Vai phản diện thường vấp phải những phản ứng trái chiều, thậm chí bị khán giả ghét. Điều này có khiến anh phân vân khi nhận vai Vũ Bắc?
- Tôi không sợ vào vai phản diện. Hơn nữa, phản diện cũng có nhiều tầng bậc, phản diện có học thức và không có học thức.
Những người không được học hành đầy đủ có thể trở thành người xấu là đương nhiên. Nhưng sống trong môi trường có tri thức mà ứng xử với nhau thiếu văn hóa mới đáng lo ngại.
- Mỗi nhân vật trong "Người phán xử", dù chính hay phụ, đều có đất diễn và được khán giả nhớ đến. Cá nhân anh ấn tượng với sự hóa thân nào?
- Là người trong nghề, cách nhìn của tôi khác với công chúng. Tôi nhìn vào bề sâu và cả quá trình thể hiện vai diễn của các nghệ sĩ.
Điều tôi muốn nói đến ở phim Người phán xử là các đạo diễn đã chọn đúng diễn viên cho nhân vật. Tôi ấn tượng với cách kể của đạo diễn, chọn đúng diễn viên và khai thác chuẩn, khơi gợi được tiềm năng sáng tạo của họ.
Không bất ngờ với diễn xuất của vợ trong "Sống chung với mẹ chồng"
- Phải rất lâu rồi truyền hình Việt mới có hai bộ phim gây sốt, được dư luận quan tâm như "Người phán xử" và "Sống chung với mẹ chồng". Anh có nghĩ đây là một tín hiệu đáng mừng?
- Suy cho cùng mỗi thời điểm khán giả lại có một thị hiếu khác. Cũng giống như chúng ta ăn cơm, món ngon nào nếu ăn nhiều rồi sẽ chán. Nghệ thuật luôn luôn vận động, luôn thay đổi.
Trước đây, có giai đoạn rộ lên phim giã sử, phim về đề tài chiến tranh hay phim ngôn tình... Vì thế, tôi cho rằng "sức nóng" của hai bộ phim này cũng nằm trong chu kỳ đó, khi người ta đã "no nê" với những dòng phim khác.
Đỗ Kỷ cho rằng phim Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng có sức hút vì phù hợp với cuộc sống hiện nay. |
Cả hai phim này đều có tiết tấu nhanh, phù hợp với cuộc sống hiện nay. Nó không đặt nặng vấn đề chính trị, lý luận, mà đặt vấn đề những cái được và chưa được của xã hội đương thời.
Đặc biệt, với phim Sống chung với mẹ chồng, ai xem cũng sẽ thấy mình có một chút gì đó của nhân vật. Nội dung phim không phải để lên án bà mẹ chồng quá ghê gớm hay cô con dâu hỗn hào, mà nó phản ánh tình yêu thương mọi người dành cho nhau, nhưng yêu thương lại không đúng chỗ.
Như chúng ta vẫn nói với nhau rằng sống phải có nghệ thuật. Nghệ thuật ở đây không phải là lừa dối nhau, mà là để làm đẹp cho nhau và làm an lòng nhau. Cái tốt mà đặt không đúng chỗ lại thành dở.
- Dường như anh cũng là khán giả trung thành của "Sống chung với mẹ chồng"?
- Tất cả phim nào có tôi hoặc bà xã tham gia, tôi đều xem. Ngoài ra, nếu có thời gian, tôi cũng theo dõi các phim khác vì đến giờ này tôi vẫn phải học, học từ các bạn trẻ những cái hay.
- NSND Lan Hương (bà xã nghệ sĩ Đỗ Kỷ - PV) có một vai diễn rất ấn tượng. "Mẹ chồng" Lan Hương ngoài đời và trong phim có điểm nào tương đồng?
- Điểm tương đồng của bà Phương với Lan Hương chính là tình yêu dành cho chồng con và các cháu. Đó là tình yêu sẵn sàng hy sinh vì những người thân trong gia đình. Nhưng mỗi người có cách thể hiện khác nhau.
Tôi hoàn toàn không bất ngờ với diễn xuất của Lan Hương trong phim, bởi chúng tôi là những diễn viên chuyên nghiệp. Khi đọc kịch bản, chúng tôi đã biết phải làm thế nào để xây dựng hình ảnh nhân vật đủ thuyết phục người xem.
Vợ chồng nghệ sĩ Lan Hương - Đỗ Kỷ. Ảnh: BTVV. |
- Anh và bà xã có quan tâm đến phản ứng của cư dân mạng về vai diễn của mình, nhất là NSND Lan Hương, bởi nhân vật bà Phương cũng gây nhiều tranh cãi thời gian qua?
- Nếu không theo dõi nhận xét, đánh giá của khán giả thì mình sẽ rất bảo thủ. Hàng ngày, chúng tôi lên mạng cập nhật thông tin và cả ngôn từ của các bạn trẻ để mình không bị lão hóa.
Mọi người cứ nghĩ nếu bị chê quá, diễn viên sẽ stress hoặc khen quá thì lại ở trạng thái lâng lâng, không về lại được đời thường. Nhưng không phải vậy. Chúng tôi đoán biết được nó ở ngưỡng nào và hiệu ứng đến đâu chứ!
Theo Minh Đức (Tri Thức Trực tuyến)