Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nhận định việc đã phổ biến những ca khúc như "Con đường xưa em đi" suốt một thời gian dài rồi lại quyết định cấm sẽ dẫn tới những "tác dụng ngược".
Nhạc sĩ - nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long gửi đến Zing.vnbài viết bày tỏ quan điểm về vấn đề đang trở thành tâm điểm của dư luận.
Nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long. Anh là người từng trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực cấp phép băng đĩa. Ảnh: NVCC. |
Việc cấp phép phổ biến 'đã cởi mở hơn'
Trước tiên phải nhìn nhận những ca khúc sáng tác trước năm 1975 tại miền Nam là một phần tạo nên diện mạo của nền âm nhạc mới Việt Nam thế kỷ 20.
Bên cạnh nhạc trẻ và nhạc trữ tình, những nhạc sĩ sáng tác trong giai đoạn này đã góp phần sáng tạo nên dòng nhạc chúng ta vẫn gọi là bolero hay "nhạc sến", phù hợp với tâm tư, tình cảm và nhu cầu thẩm mỹ âm nhạc của số đông người Việt.
Đây chính là yếu tố khiến nhiều ca khúc thời kỳ này có sức sống và lan tỏa mạnh mẽ. Dẫu vậy, đã có một giai đoạn dài vì những lý do khách quan, trong đó có bối cảnh lịch sử của dân tộc, những ca khúc này rất ít được phổ biến.
Trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt những năm gần đây, Đảng và Nhà nước có chủ trương hòa hợp dân tộc. Chủ trương này tác động mạnh mẽ tới lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Ngày càng nhiều nhạc sĩ, ca sĩ hoạt động ở hải ngoại trở về quê hương. Nhiều nghệ sĩ đã chọn ở lại hẳn và tiếp tục hoạt động nghệ thuật. Nhiều ca khúc sáng tác trước 1975 đã được phổ biến chính thức.
Trường hợp gần đây tôi quan tâm đó là các tác phẩm của nhạc sĩ Vũ Thành An được phổ biến. Những tác phẩm của ông đều nói về tình yêu và thân phận, nổi bật nhất là các bài không tên đánh số.
Trước đó, trong nhiều năm, tác phẩm Vũ Thành An được coi là không thể có cơ hội được phổ biến ở trong nước, xuất phát từ lý do nhân thân tác giả. Nhạc sĩ Vũ Thành An từng hoạt động trong quân đội chế độ cũ ở miền Nam.
Nói như thế để thấy rằng việc cấp phép trong khoảng năm năm trở lại đây đã được cởi mở hơn nhiều. Chính vì vậy, việc Cục Nghệ thuật biểu diễn cấm năm ca khúc sáng tác trước 1975 ít nhiều gây bất ngờ trong giới nghệ sĩ và công luận.
Sự việc lại càng trở nên rối khi những lý do để cấm được đưa ra chưa thực sự khiến công chúng tâm phục. Điều này đã vô tình tạo nên một làn sóng phản ứng và đẩy sự việc thành tâm điểm dư luận kéo dài trong nhiều tuần.
Nhìn vào sự việc, thực tình với những lý do đưa ra để cấm lưu hành trong thâm tâm tôi cũng chưa được thuyết phục. Chính vì thế mới có ý kiến mổ xẻ những lý do trên và đưa những dẫn chứng tưởng chừng phi lý như Dạ cổ hoài lang rất có thể sẽ bị cấm nếu áp những quy định này.
Trong khi đó, theo tiết lộ của một nhà quản lý với báo chí rằng: “Chiến trường ở đây là chiến trường nào?” khi nói về ca khúc Con đường xưa em đi. Đây có vẻ như mới là lý do chính của sự việc.
Trong diễn biến tương tự, theo chia sẻ của vợ cố nhạc sĩ Châu Kỳ, "cha đẻ" Con đường xưa em đi, việc sử dụng từ “chiến trường” hay “phiên gác” chỉ là để phù hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ.
Sau này, với mong muốn ca khúc tiếp tục được phổ biến, nhạc sĩ Châu Kỳ đã chủ động sửa lại phần lời, thay thế bốn từ bị cho là nhạy cảm. Điều đó cho thấy thiện chí của nhạc sĩ. Vậy tại sao sự việc này các nhà quản lý lại không mở lòng?
Con đường xưa em đi là sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Châu Kỳ Hồ Đình Phương. Ảnh: Tư liệu. |
Cần ứng xử như thế nào cho văn minh?
Thực tình đây là vấn đề không hề dễ dàng xử lý nếu chính các cơ quan có thẩm quyền không đưa ra được giới hạn quy định phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Đương nhiên, những ca khúc nói về chế độ hay quân đội cũ ở miền Nam không còn phù hợp sẽ không được phổ biến. Nhưng cũng nên xem xét một số ca khúc chỉ mượn hình ảnh tương tự “chiến trường” để nói thay tâm tư tình cảm nhớ mong về tình yêu đôi lứa thì được hay không.
Ngay kể cả được hay không cũng phải rất rõ ràng và xử lý ngay từ khâu kiểm duyệt, tránh tối đa tình trạng đã cho phép rồi lại thu hồi. Rõ ràng nhãn tiền trông thấy là nếu sau một thời gian đã phổ biến rồi lại dừng lại thì hiệu quả của việc “làm sạch” sẽ có tác dụng ngược.
Xung quanh vấn đề liên quan, có ý kiến cho rằng tại sao Cục Nghệ thuật biểu diễn không đưa ra một danh sách những bài cấm. Tuy nhiên, theo tôi điều này khó khả thi. Bởi lẽ phía đơn vị chức năng sẽ khó sưu tập hết toàn bộ tác phẩm và phân loại để có được danh sách đầy đủ và xác định có bao nhiêu trong đó nội dung không còn phù hợp.
Cũng chưa nên xóa bỏ vai trò của việc cấp phép phổ biến như một vài ý kiến. Có chăng việc phân cấp rõ ràng hơn, phía cơ quan cấp Cục chỉ hoạch định các chính sách, thực thi nên thuộc về cơ sở. Không nên để tình trạng việc một cơ quan vừa ra chính sách vừa trực tiếp thực hiện.
Ở góc độ khác, tất cả mọi việc đều luôn có một giới hạn, đó là quy luật. Tôi tin rằng với sự nhạy cảm của mình, các nghệ sĩ đủ nhận thức đâu là ranh giới. Sẽ không có chuyện ca sĩ nào đó chọn một bài có nội dung gây tổn hại đến đất nước để đi xin cấp phép phổ biến.
Hơn nữa, nhà quản lý các cấp vẫn luôn là người chủ động trong việc kiểm duyệt, cấp phép. Sẽ không có lùm xùm nếu ngay từ đầu những ca khúc ấy không được phép phát hành.
Cần nhìn nhận thẳng thắn việc cấm năm ca khúc trên đây chỉ là hình thức. Thực chất hiệu quả của việc cấm cũng như không, bởi lẽ những ca khúc ấy đã có đủ thời gian sống trong lòng công chúng.
Mở rộng ra, với phần nhiều ca khúc cùng sáng tác trong giai đoạn trước năm 1975, sự cởi mở trong việc cho phép phổ biến chính là cách tốt nhất để quản lý hiệu quả của cơ quan quản lý văn hóa.
Việc cấm phổ biến sẽ khiến nhà quản lý đứng ngoài cuộc với những ca khúc được cho là nhạy cảm. Cần cởi mở để những ca khúc đã phổ biến trong công chúng (nếu không ảnh hưởng tới an ninh, chính trị, xã hội và đời sống tinh thần của đất nước và nhân dân), có cơ hội được ghi nhận bằng cách hợp pháp hóa trên văn bản cấp phép phổ biến.
Theo Nhạc sĩ Nguyễn Văn Long (Tri Thức Trực Tuyến)