Coi phim võ hiệp ai cũng "rành 6 câu" mấy chuyện này

17/04/2017 10:36:00

Xem phim võ hiệp, khán giả thuộc nằm lòng với những tình tiết quen thuộc như hiệp nữ giấu mặt, vận dụng nội công trị thương, bị rắn độc cắn…

Xem phim võ hiệp, khán giả thuộc nằm lòng với những tình tiết quen thuộc như hiệp nữ giấu mặt, vận dụng nội công trị thương, bị rắn độc cắn…

Vận dụng nội công trị thương - Ảnh: Sina

Tuy nhiên, những tình tiết quá đỗi quen thuộc này lại không làm khán giả cảm thấy nhàm chán, ngược lại nếu thiếu đi những tình tiết “bất hủ” này sẽ khiến bộ phim bị… “nhạt”.

Vận dụng nội công trị thương

Không biết từ lúc nào phim võ hiệp khởi nguồn cho cách vận dụng nội công trị thương, nhưng hầu như trong bộ phim võ hiệp nào cũng có cảnh nhân vật nam chính dùng nội công chữa trị cho người bị trúng độc, trọng thương, kiệt sức vì tiêu hao nguyên khí trong lúc giao đấu.

Nguyên tắc của việc vận dụng nội công chữa thương là cả hai người đều phải tập trung tinh thần, tránh bị quấy nhiễu trong lúc đang truyền nội công, mỗi lần điều trị phải mất mấy canh giờ, đỉnh cao của quá trình điều trị là toàn thân tỏa nhiệt (giống như bốc khói) và được kết thúc bằng “công thức” phun ra ngụm máu độc.

Coi phim võ hiệp ai cũng 'rành 6 câu' mấy chuyện này

Hiệp nữ giấu mặt - Ảnh: Read01

Hiệp nữ giấu mặt

Vì một nguyên nhân nào đó, nhân vật nữ chính phải xuất hiện với chiếc mặt nạ hoặc khăn che mặt. Trong một hoàn cảnh ngẫu nhiên, nam nữ nhân vật chính gặp nhau, vì hiểu lầm mà hai người trở thành đôi oan gia.

“Không đánh không biết nhau”, trong lúc giao đấu, nhân vật nam chính vô ý giở chiếc khăn che mặt của nhân vật nữ chính lên và lập tức bị hớp hồn bởi vẻ đẹp của cô.

Coi phim võ hiệp ai cũng 'rành 6 câu' mấy chuyện này

Tắt thở trong giây phút quan trọng nhất - Ảnh: Mtime

Tắt thở trong giây phút quan trọng nhất

Tình huống tắt thở trong giây phút quan trọng nhất chẳng biết có phải do các nhà biên kịch cố tình tạo ra để đẩy kịch tính lên đỉnh cao trào hay không, nhưng khán giả rất dễ dàng bắt gặp những tình huống tương tự trong các bộ phim cổ trang.

Thậm chí, đôi khi các nhà biên kịch còn cố tình cường điệu tình tiết này lên, chẳng hạn như trong phim Anh hùng xạ điêu (1983), đoạn Giang Nam Thất Quái bị giết hại trên đảo Đào Hoa, khi Quách Tĩnh và Hoàng Dung đến nơi thì cuộc chiến đã tàn, chỉ còn một người đang hấp hối, người này để lại manh mối bằng cách viết tên hung thủ lên mặt đất, nhưng chỉ mới viết được bốn chữ “Người giết tôi là…”, thì ông đã tắt thở.

Nếu khán giả nào tinh ý thì sẽ phát hiện ra điểm không hợp lý, tại sao người này còn đủ sức viết đến 4 chữ mà lại không viết tên hung thủ là “Tây độc” chỉ có 2 chữ cho ngắn gọn?

Coi phim võ hiệp ai cũng 'rành 6 câu' mấy chuyện này

Trú mưa trong miếu hoang - Ảnh: L99

Trú mưa trong miếu hoang

Đối với khán giả thích xem phim cổ trang thì cảnh trú mưa trong miếu hoang là hình ảnh quá đỗi quen thuộc.  

Điều trùng hợp là các đạo diễn khi dựng cảnh miếu hoang thường là miếu thổ địa, sau khi tìm được nơi trú mưa ở miếu hoang, nam nữ nhân vật chính nhóm lửa để sưởi ấm và phơi áo khoát bị ướt, cùng ngồi bên đống lửa trò chuyện và ngủ quên lúc nào không biết.

Coi phim võ hiệp ai cũng 'rành 6 câu' mấy chuyện này

Điểm huyệt trị… tính cứng đầu - Ảnh: Mtime

Điểm huyệt trị… tính cứng đầu

Tình huống này thường xuất hiện với các nữ chính, thường thấy nhất là lúc nhân vật nữ bị trọng thương, chạy trốn sự truy sát của kẻ thù, may mắn được nam chính ra tay giúp đỡ.

Sau khi tìm được nơi trú ẩn an toàn, nam chính đề nghị giúp cô chữa trị vết thương, nhưng cô kiên quyết từ chối. Năn nỉ mãi không được, người nam đành áp dụng cách điểm huyệt, để người nữ ngoan ngoãn cho anh điều trị thương tích.

Coi phim võ hiệp ai cũng 'rành 6 câu' mấy chuyện này

Rắn độc cắn - Ảnh: Mtime

Rắn độc cắn mà... ít chết

Trong bối cảnh rừng núi hoang sơ, nam nữ nhân vật chính trên đường chạy trốn bọn quan binh hay sát thủ, lúc ẩn náo trong bụi rậm thì bị rắn độc cắn. Trong tình huống cấp bách, người A không cần suy nghĩ đã dùng miệng hút nọc độc cho người B khiến người này rất cảm động, sau đó người A bị trúng độc ngất đi.

Những tình huống hoạn nạn có nhau như thế thường được nhà biên kịch viết ra để dẫn lối cho nam nữ nhân vật chính bộc lộ tình cảm với nhau.

Coi phim võ hiệp ai cũng 'rành 6 câu' mấy chuyện này

Đại hiệp bị hàm oan - L99

Đại hiệp bị hàm oan

Trong phim võ hiệp, những vị đại hiệp, anh hùng hảo hán rất dễ bị hàm oan. Tình huống thường gặp nhất là vị đại hiệp xuất hiện đúng lúc một vị cao thủ giang hồ vừa bị giết hại, trên người còn cắm một thanh kiếm.

Trong lúc vị đại hiệp này rút thanh kiếm ra thì có một tốp người chạy đến chỉ thẳng vào mặt vị đại hiệp quát to: “Tại sao ngươi lại giết xxx”, vị đại hiệp này liền thanh minh: “Không, không phải tôi giết”.

Đám đông cùng quát nạt: “Chứng cứ rành rành, ngươi còn ngụy biện!”. Tình tiết tiếp diễn sau đó là trận quyết đấu để trả thù cho người đã chết.

Theo Thục Nghi (Tuổi Trẻ)

Nổi bật