Việt Nam tươi đẹp và nhiều sắc màu
Việt Nam khi lên phim Hollywood thường khó tránh khỏi hình ảnh chiến tranh, những hình tượng cũ kỹ, sai lệch. A tourist's guide to love (tựa Việt: Bí kíp yêu của một du khách) đã thoát khỏi hướng đi cũ kỹ đó bằng cách đặt điểm nhìn từ khách du lịch. Bộ phim cho thấy một Việt Nam đang phát triển rất nhanh, hiện đại nhưng vẫn giữ được nét dân dã đặc trưng, một đất nước có nhiều danh lam thắng cảnh với bề dày lịch sử đáng ngưỡng mộ.
Nội dung phim xoay quanh Amanda Riley (do Rachael Leigh Cook thủ vai), một chuyên gia nghiên cứu về du lịch người Mỹ. Gặp trục trặc trong chuyện tình cảm, cô đã tìm đến Việt Nam để giải khuây, đồng thời bí mật nghiên cứu ngành du lịch của nước sở tại. Tại đây, cô gặp anh chàng hướng dẫn viên người Việt tên Sinh (Scott Ly) và hai người dần nảy sinh mối quan hệ lãng mạn trên chuyến đi.
Thay vì đi tới những điểm do công ty du lịch định sẵn, họ đã tìm đến những địa điểm khác lạ để khám phá vẻ đẹp cuộc sống, tình yêu và con người theo cách hoàn toàn mới.
A tourist's guide to love khiến người xem thích thú khi khắc họa tỉ mỉ về Việt Nam. Dưới lăng kính những nhà làm phim đến từ Hollywood, khán giả có thể cảm nhận được sự náo nhiệt của TPHCM, phong cảnh hữu tình của Đà Nẵng, nét cổ kính của Hội An, một Hà Giang có thiên nhiên hùng vĩ và một Hà Nội đặc trưng, nơi giao thoa giữa quá khứ và hiện tại.
Chi tiết hơn, người xem còn cảm nhận được những hoạt động đặc trưng của Việt Nam như băng qua đường, mặc cả giá ở chợ... bên cạnh những phong tục đã quen thuộc như dùng đũa ăn cơm, gói bánh chưng, lau dọn lư hương, nhà cửa chuẩn bị đón Tết... Tất cả được khéo léo giới thiệu xuyên suốt cuộc hành trình.
Là phim quốc tế đầu tiên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép quay tại Việt Nam sau đại dịch COVID-19, A tourist's guide to love đã thành công về quảng bá du lịch song chất lượng nội dung của phim lại không tương xứng.
Kịch bản yếu, nhiều "sạn"
Rất nỗ lực trong tôn vinh du lịch Việt Nam, A tourist's guide to love vẫn là một bộ phim rom-com (hài - lãng mạn) dễ đoán với lối dẫn chuyện cũ kỹ cùng chất lượng diễn xuất ở mức trung bình của dàn diễn viên. Mô-tuýp cặp đôi có xuất thân, quan điểm khác biệt phải lòng nhau tại một vùng đất mới đã không còn xa lạ. Thậm chí, có thể coi A tourist's guide to love là phiên bản cải biên từ cốt truyện của Eat, Pray, Love của Julia Roberts sao cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
Bên cạnh đó, phim còn mắc phải một số lỗi ngớ ngẩn, không khớp với đời thật. Đơn cử phân cảnh đoàn du lịch đến Hà Giang để đón Tết, người dân ở đây lại nói giọng miền Nam, mặc áo quần cộc tay mùa hè. Hay như phân đoạn cuối phim, cảnh nữ chính chạy đi tìm nam chính ở Hà Nội cũng thiếu chính xác về khoảng cách địa lý.
Về những chi tiết bất hợp lý trong A tourist's guide to love, trong buổi họp báo ra mắt phim vào ngày 20/4, NSƯT Lê Thiện cho rằng: "Theo tôi, điều này nên được thông cảm. Cả ê-kíp đã nỗ lực nhiều để thực hiện bộ phim. Cảm ơn những cố gắng của đoàn làm phim quốc tế".
Trên diễn đàn Subtle Viet Traits, nhà biên kịch Eirene Trần Donohue cũng chia sẻ: "Tôi biết rằng phim không hoàn hảo. A tourist's guide to love là tác phẩm rom-com theo khuôn mẫu dễ đoán. Có nhiều điều trong quá trình làm phim, tôi không thể kiểm soát được. Tuy nhiên, thay vì lại đề cập đến chiến tranh, tôi muốn lấy tình yêu làm trọng tâm và đem đến hình ảnh Việt Nam thời hiện đại một cách thật tích cực. Tôi muốn các bạn biết rằng đoàn làm phim đã nỗ lực rất nhiều để có thể khắc họa Việt Nam chân thực nhất có thể".
Là người gốc Việt, Eirene Trần Donohue dùng vốn hiểu biết về văn hóa truyền thống quê hương để viết nên kịch bản phim. Câu chuyện trong phim được lấy cảm hứng từ gia đình và bản thân cô. Mẹ Eirene là người Việt, gặp và yêu bố cô tại TPHCM, còn cô với chồng hiện tại kết hôn sau khi tình cờ quen nhau tại Hà Nội.
Tín hiệu tích cực từ Hollywood
Có thể A tourist's guide to love yếu về mặt nội dung nhưng không thể phủ nhận lợi thế phát hành toàn cầu thông qua Netflix giúp hình ảnh Việt Nam được lan tỏa đến với khán giả thế giới. Điều đáng mừng hơn cả chính là những nhà làm phim đến từ Hollywood đã có cách nhìn nhận mới mẻ hơn về Việt Nam.
A tourist's guide to love không chỉ là một tác phẩm quảng bá du lịch, hơn hết có thể coi đây là khởi đầu cho những sự kết hợp mới đầy hứng khởi trong tương lai giữa hai đất nước đã gác lại quá khứ chiến tranh phía sau lưng.
Theo Phú Quang (Tiền Phong)