Tác phẩm tâm lý xoay quanh tình mẫu tử của NSƯT Kim Xuân rất dễ lấy lòng khán giả, dù bộ phim vẫn tồn tại nhiều điểm yếu nhất định.
Thể loại: Tâm lý
Đạo diễn: Bình Nguyên, Mai Thế Hiệp
Diễn viên chính: NSƯT Kim Xuân, Khắc Minh, Dương Cường, Lê Bình
Ra rạp khi sức nóng Em chưa 18 chưa hề suy giảm, áp lực dành cho Căn nhà nằm nghe nắng mưa - tác phẩm mới nhất của điện ảnh Việt Nam - là không hề nhỏ.
Đề tài phim gần gũi, nhưng khá nặng. Dàn diễn viên trong phim bao gồm nhiều lứa tuổi, mà chỉ có thế hệ gạo cọi là quen mặt, còn các diễn viên trẻ thì còn tương đối xa lạ trên màn ảnh. Có căn nhà nằm nghe nắng mưa vì thế giống như bước tiến liều lĩnh trên con đường đi ngược lại thị hiếu số đông.
Tuy trailer phim khá ma mị, nhưng cốt truyện Có căn nhà nằm nghe nắng mưa thực tế rất chân phương, giản dị. Bối cảnh phim diễn ra chủ yếu trong một con hẻm nhỏ và trải dài suốt 30 năm, từ những ngày đất nước bắt đầu đổi mới cho tới thời hiện đại.
Có căn nhà nằm nghe nắng mưa là câu chuyện về một bà mẹ ngồi đợi con suốt 30 năm dài. |
Mặc cho xã hội biến đổi khôn lường, thời gian cứ như ngưng đọng trong căn nhà bé nhỏ của bà Tư (Kim Xuân), nơi người phụ nữ ngày qua ngày mỏi mòn chờ đợi cậu con trai duy nhất trở về nhà.
Cách đây ba thập kỷ, mọi người sống với nhau vui vẻ, chan hòa trong hẻm. Thế rồi, một biến cố kinh hoàng xảy ra khiến cậu con trai bà Tư (Khắc Minh) phải bỏ nhà đi biệt xứ. Tình làng nghĩa xóm giữa gia đình bà Tư và gia đình ông Phát (Lê Bình) cũng tan vỡ.
30 năm sau, khu chung cư ngày càng xuống cấp và buộc phải di dời. Nhưng bà Tư, ông Phát, chú Được (Hoàng Nhất), chị Diễm (Kiều Oanh) vẫn kiên quyết bám trụ.
Hóa ra, họ chẳng phải luyến tiếc căn nhà, mà chỉ bởì lo cho bà Tư - người mẹ gần đất xa trời vẫn đau đáu mong con trở về. Đúng lúc ấy, sự xuất hiện của Sơn (Dương Cường) và mối liên hệ bí ẩn giữa anh với cậu con trai bà Tư càng làm mọi chuyện trở nên rối rắm.
Sự vượt trội của lớp diễn viên gạo cội
Cần phải khẳng định rằng Có căn nhà nằm nghe nắng mưa chưa phải một bộ phim xuất sắc. Vẫn mang điểm yếu cố hữu ở khâu kịch bản như nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam khác, phim khó lòng làm thỏa mãn khán giả khó tính bởi một số nút thắt không được tháo gỡ thỏa đáng.
Điều đó có lẽ xuất phát từ rất nhiều cái “đầu tiên”, như Mai Thế Hiệp lần đầu làm sản xuất, đạo diễn chính của phim là Bình Nguyên mới 23 tuổi, NSƯT Kim Xuân có lần hiếm hoi sắm vai chính, Khắc Minh của Học viện ngôi sao có lần chạm ngõ màn ảnh rộng, Dương Cường lần đầu có vai diễn then chốt sau 15 năm thường diễn vai quần chúng…
NSƯT Kim Xuân có phần hóa thân thuyết phục trong vai bà Tư. |
Điểm sáng lớn nhất của tác phẩm đến từ phần diễn xuất của hai cái tên kỳ cựu: NSƯT Kim Xuân và Lê Bình. Hai nghệ sĩ không ngại chia sẻ rằng đây là tác phẩm “để đời” của họ, và đã dồn tâm huyết cho nó.
Kim Xuân là diễn viên có đủ sắc vóc lẫn tài năng, sở hữu khả năng hóa thân vào nhiều kiểu vai diễn khác nhau. Với vai bà Tư trong Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, người nghệ sĩ ưu tú có thừa đất diễn để chứng tỏ đẳng cấp.
Nữ diễn viên lột tả trọn vẹn hình ảnh một người mẹ “cá chuối đắm đuối vì con”, thậm chí đến mức mù quáng, nông nổi. Điểm hay nhất của NSƯT Kim Xuân là chị diễn tả được rõ nét sự khác biệt giữa bà Tư của năm 1986 với 2016. Trải qua thời gian, nhân vật già đi, kém minh mẫn hơn, nhưng còn niềm thương con thì luôn vẹn nguyên.
Đối trọng với Kim Xuân là nghệ sĩ Lê Bình. Ông có thời lượng xuất hiện ít hơn, với nhân vật có thể coi là “phản diện”. Nhưng khán giả làm sao có thể ghét được người đàn ông ngang tàng, khắc khổ, luôn nặng trĩu nỗi hối hận trong tâm trí?
Lê Bình là một điểm sáng khác trong dàn diễn viên của Có căn nhà nằm nghe nắng mưa. |
Một phân đoạn xuất thần của người nghệ sĩ là khi ông Phát vừa cười, vừa khóc. Tuy phải diễn tả hai trạng thái cảm xúc đối lập cùng lúc, nhưng Lê Bình đã xử lý rất tốt, cho thấy bên trong lớp vỏ xù xì cáu bẳn, ông Phát thực chất rất trọng tình nghĩa, hào sảng y hệt như biết bao người con Sài Gòn.
Hầu hết số diễn viên còn lại đều hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ của mình. Đáng tiếc thay, vai thứ chính của Dương Cường lại bị lép vế hoàn toàn. Nam diễn viên vẫn còn mang nhiều chất diễn kịch từ sân khấu lên màn ảnh, đôi lúc bị gồng cứng quá mức.
Nhưng một phần lý do thất bại còn bởi nhân vật Sơn của anh có diễn biến tâm lý và hành động kém tự nhiên. Xuyên suốt tác phẩm, Sơn không có sự thay đổi nào theo diễn biến cốt truyện và dần trở nên nhạt nhòa, hời hợt.
Chữ “tình” trong phim
Nếu như hồi tháng 3, khán giả mới được chứng kiến tình phụ tử trĩu nặng ởCha cõng con, thì Có căn nhà nằm nghe nắng mưa nay lại khắc họa tình mẫu tử có sức nặng không kém. Cả hai chủ đề đều gần gũi, dễ lấy được sự cảm thông từ khán giả.
Bao trùm toàn bộ Có căn nhà nằm nghe nắng mưa chắc chắn là tình mẫu tử. Vốn đang sống bình yên trong tình yêu thương, mẹ con bà Tư phải chịu cảnh chia rẽ hàng chục năm trời. 30 năm bặt vô âm tín từ con, nhưng người mẹ luôn một mực tin tưởng cậu sẽ trở về.
Bà Tư thậm chí còn nuôi ý định đi thi hát để được lên truyền hình, để có cơ hội nhắn nhủ con quay về. Qua diễn xuất cảm động của NSƯT Kim Xuân, hẳn những trường đoạn giữa bà Tư và con trai sẽ lấy được không ít nước mắt từ khán giả.
Bộ phim mang nặng chữ "tình", nhưng khó lòng đẩy hết được cảm xúc của người xem. |
Bên cạnh đó, tình phụ tử tuy chỉ xuất hiện thoáng qua, nhưng cũng đủ khiến người xem ghi nhớ. Hình ảnh chồng bà Tư với khuôn mặt tràn ngập âu lo, rầu rĩ, không quản ngại vào Nam ra Bắc tìm con, cho đến lúc sắp mất vẫn canh cánh về tông tích cậu con trai duy nhất quả thật xót xa.
Nhưng chữ “tình” trong phim còn nằm ở tình xóm giềng giữa những con người dung dị, cùng chung sống trong con hẻm tồi tàn. Xã hội ngày nay đã hiếm cảnh bà con lối xóm mỗi tối rủ nhau ra sân nhậu chung, xem TV chung, nói chuyện chung…
Có lẽ tại thời điểm mọi thứ đều thiếu thốn thì tình người dường như lại đủ đầy hơn. Nó sâu đậm đến nỗi ngay cả “người dưng nước lã” như anh Được, cô Diễm cũng chấp nhận trụ lại căn nhà rách nát không biết sập lúc nào chỉ để sớm tối chăm sóc bà Tư.
Bộ phim gợi lại những thứ tình cảm xưa cũ, nhưng lại là nền tảng đạo đức một thời, ở một xã hội tuy còn thiếu thốn nhưng được xây dựng bởi sự gắn bó, yêu thương lẫn nhau giữa con người với con người.
Nhưng ngần ấy chữ “tình” vô tình khiến người xem cảm thấy toàn bộ Có căn nhà nằm nghe nắng mưa còn hơi “kịch” với nhiều tình huống sắp đặt chưa tốt, thiếu tự nhiên, được diễn giải theo lối kể lể. Các nút thắt tạo cao trào bị sơ sài, khiến nội dung phim còn chứa đựng các lỗ hổng..
Với phần hình ảnh và âm thanh chăm chút, Có căn nhà nằm nghe nắng mưacho thấy sự tận tụy của đội ngũ những người đứng sau máy quay. Tác phẩm “cả gan” đi ngược lại thị hiếu công chúng, bứt phá khỏi “vòng an toàn” là điều rất đáng khen ngợi. Nhưng con đường “tới đích” của dòng phim cảm xúc Việt hẳn còn rất nhiều chông gai.
Theo Việt Phương (Tri Thức Trực Tuyến)