Nhạc sĩ cũng hát sai lời
Lời bài hát của Trần Tiến: “Ở nơi ấy tôi đã thấy trên ngọn núi cao/Có hai người, chỉ có hai người yêu nhau/Họ đã sống không mùa đông không mùa nắng mưa/Có một mùa, chỉ có một mùa yêu nhau”.
Phóng viên liên lạc với Uyên Linh cô thừa nhận hát sai lời “chút ít”. Có người đánh giá: Uyên Linh với “Giấc mơ Chapi” là tiết mục dở nhất chương trình. Vì “Giấc mơ Chapi” rất quen thuộc với nhiều khán giả nên việc hát sai lời dễ bị phát hiện và dễ khiến khán giả tuột cảm xúc.
Kết nối với nhạc sĩ Trần Tiến, ông nói không hề biết việc Uyên Linh hát sai lời ca khúc “Giấc mơ Chapi” vì lúc đó ông đang chuẩn bị tiết mục của mình. Tuy nhiên, ông không cho đó là lỗi nghiêm trọng: “Ca sĩ không có lỗi lắm đâu. Vì chính tác giả Trần Tiến hát ca khúc của mình cũng còn bị sai lời. Ngay cả bạn, nếu bạn lên sân khấu hát cho bạn bè nghe ca khúc của Trần Tiến thì sẽ có lúc bạn tự hỏi: Tại sao mình lại phản bội ông Trần Tiến thế nhỉ? Hát sai lời là chuyện bình thường, có thể do cảm xúc chi phối khiến ca sĩ tự nhiên quên hoặc lẫn. Như hôm đó tôi hát bài của tôi mà còn không biết bắt đầu từ đâu, vì không nhớ được lời. Với bài “Rock đồng hồ”, tôi phải hỏi các cháu: Bài đó như thế nào nhỉ? Rồi mới hát được. Cho nên tôi không nặng nề chuyện hát sai lời. Cứ vui là được. Nghêu ngao ngoài sân khấu lúc hay, lúc dở, lúc nhớ lời, lúc quên lời, ca sỹ nổi tiếng trên thế giới cũng thế. Chuyện hát sai lời chỉ là một sự cố đáng tiếc thôi”.
Có khán giả “soi”, không phải lần đầu Quán quân Vietnam Idol mùa 3 năm 2010, hát sai lời. Trong quá khứ, Uyên Linh từng hát sai lời “bét nhè” với ca khúc “Nối vòng tay lớn” (Trịnh Công Sơn), trong chương trình ca nhạc hưởng ứng giờ trái đất ở quảng trường thành phố Nha Trang. Hồi ấy, không ít khán giả trẻ bất ngờ và thất vọng vì “Nối vòng tay lớn” là ca khúc “nằm lòng” của học sinh, sinh viên.
Đứa con bị đặt sai giới tính
Quốc Bảo là chủ nhân của nhiều ca khúc đình đám: “Tóc nâu môi trầm”, “Tình ca”, “Dạ khúc”, “Bình yên”… Về chuyện ca sĩ hát sai lời ca khúc của mình, ông chọn giải pháp im lặng: “Tôi bị hát sai hoặc thiếu lời rất nhiều mà chẳng nói gì. Có vẻ như các bạn ca sĩ lười học lời, lên sân khấu mang cái iPad để đọc lời nữa nên càng không thuộc”.
Theo Quốc Bảo, không hẳn chỉ ca sĩ trẻ mới hát sai lời, ông không ngại “điểm danh” một bậc đàn anh trong nghề hát: “Ngay cả anh Tuấn Ngọc cũng có thuộc lời đâu”. (Nhắc đến Tuấn Ngọc, lại nhớ đến ồn ào gần đây của danh ca khiến cư dân mạng “dậy sóng”.
Một số nhạc sĩ trẻ cũng “dị ứng” với việc ca sỹ hát sai lời.
Với Đông Thiên Đức: “Ca sĩ hát sai lời bài hát của tôi khiến tôi cảm thấy như đứa con của mình bị đặt sai giới tính vậy. Rất ức chế. Chỉ thay vài từ, vài câu đã làm “vẹo” hết kết cấu bài hát”.
Anh xác nhận hiện nay việc ca sỹ hát sai lời không hiếm mà nhiều vô kể. Tác giả “Ai chung tình được mãi” tìm ra một số lý do khiến ca sĩ hát khác lời: “Họ cố tình thay đổi vài từ để tạo cái mới trong phần thể hiện của mình, vì bài này trước kia đã có ca sĩ khác thể hiện thành công quá rồi”. Theo Đông Thiên Đức, chính làn sóng “cover” thịnh vượng hiện nay cũng đưa đến việc ca sĩ sửa lời bài hát.
Thí dụ, “Ai chung tình được mãi” mà các ca sĩ vẫn hát hiện nay lại là bản sửa. Bản gốc của Đông Thiên Đức: “Đôi chân mang lặng thinh bước một mình mặc đời khiêu khích”. Bản sửa: “Đôi chân mang lặng thinh thương một người không hề toan tính”. Hay câu khác, Đông Thiên Đức viết: “Chỉ là vì chẳng muốn yêu ai, khi cô đơn trêu cánh hoa dại”. Nhưng bị sửa thành: “Chỉ là vì chẳng muốn yêu ai, khi mình anh với những đêm dài”.
Khi “Ai chung tình được mãi” được phát hành, Đông Thiên Đức đã hỏi ca sĩ tại sao sửa lời, họ đáp: “Sửa lời để cả nam và nữ đều có thể hát được”. Đến nay, bản gốc “Ai chung tình được mãi” chỉ còn một người hát, chính là cha đẻ của nó: “Tôi quên cách ấm ức rồi chỉ thấy hơi tiếc khi đôi câu trong bài bị sửa. Lâu lâu tôi đem bản gốc ra ngồi nghêu ngao hát cho mình ta nghe”, Đông Thiên Đức nói.
Đừng hát “xuyên tạc”
“Nữ hoàng sầu muộn” chia sẻ: Ở tuổi 74 bà vẫn không cần cầm giấy để nhớ lời bài hát, cũng chưa bị sai lời bao giờ. Thời của Giao Linh, ca sĩ hát chuẩn lời, nhạc sỹ không phải phàn nàn. Bà giải thích: “Hồi ấy chúng tôi rất nghiêm túc khi thu băng. Trước khi thu băng, nhạc sĩ cầm bản gốc đưa cho ca sĩ, rồi ca sĩ tập kỹ mới thu. Một ngày người ta thu mấy chục bài, hết ca sĩ này đến ca sĩ khác, nếu mình không tập kỹ cứ thu đi thu lại sẽ phiền ban nhạc lắm. Nếu nhạc công khó chịu thì đàn không hay. Vì thế, mình phải nghiêm túc để mọi người cùng hay”.
Vì mỗi ca khúc đều tập kỹ nên hát ở phòng thu hay trên sân khấu ca sỹ đều không bị sai lời. Theo bà, một số ca sỹ hiện nay mắc lỗi hát sai lời có thể bắt nguồn từ việc không có văn bản gốc: “Có thể đã sai từ người chép bài hát đưa cho ca sĩ hát. Chứ tôi không nghĩ một ca sĩ biết sai lời vẫn hát”. Cũng có trường hợp ca sỹ lớn tuổi, trí nhớ suy giảm hay quên lời.
“Nữ hoàng nhạc Rock” thập niên 90 - ca sĩ Ngọc Ánh cũng có ý kiến tương tự: “Có thể người ta lấy bài trên mạng, phần lời trên mạng lại thiếu chính xác. Hoặc các ca khúc karaoke cũng hay sai phần lời. Nếu ca sĩ không để ý cứ bê nguyên lên sân khấu sẽ bị “dính”. Tốt nhất nên tìm văn bản gốc của bài đó. Dù nhạc xưa hay nhạc mới đều cần tìm đến văn bản gốc thì lời mới chuẩn”. Ngọc Ánh chia sẻ, chị đi hát đã 40 năm, cũng có lần hát sai lời: “Hồi đó tìm văn bản gốc khó khăn, phải hát bằng văn bản truyền miệng. Bây giờ Internet phát triển mọi việc dễ dàng hơn rất nhiều. Tôi chỉ cần kết nối với nhạc sĩ, nhờ họ chụp lại bản gốc và chuyển ảnh cho mình là xong rồi. Mà tôi nói thêm, lấy bài hát trên mạng không những dễ bị sai lời mà còn sai cả nốt nhạc luôn”.
Ca sĩ Siu Black xác nhận, chị cũng từng hát sai lời. Theo chị, hát sai lời thường xuất phát từ vài nguyên nhân căn bản: “Thứ nhất, bài mới, chưa tập nhiều thì hay sai lời, hay lộn lời, đáng phải hát lời 2 thì lại hát lời 1”. Bằng kinh nghiệm của mình Siu Black nhắn đồng nghiệp trẻ: “Nhiều lúc hát chơi thì cũng đừng hát xuyên tạc lên sân khấu dễ “dính”. Tôi cũng từng bị “dính” nhưng chữa lại được liền”.
Ngọc Ánh khẳng định: Chị chưa bao giờ sửa lời ca khúc. Ngay cả khi ca khúc ấy gây tranh cãi. Ngày trước, khi hát “Mùa xuân bên cửa sổ” (Xuân Hồng) nhiều ca sĩ “kiêng” chữ “hôn” trong câu hát mở đầu, họ đổi thành “yêu” nhưng Ngọc Ánh giữ nguyên: “Năm 1989, bản thu âm đầu tiên của tôi cho Đài tiếng nói Việt Nam, tôi hát: “Cao cao bên cửa sổ có hai người hôn nhau”.
Cũng không ít ca sĩ trẻ tôn trọng văn bản gốc. Đông Thiên Đức kể: “Tôi mới phát hành ca khúc “Ngày mai người ta lấy chồng”. Ca sĩ Thành Đạt giữ nguyên không sửa bất kỳ chữ nào khi hát ca khúc này. Tôi thấy rất vui”.
Theo Nông Hồng Diệu (Tiền Phong)