Theo Straits Times, sức ảnh hưởng quá mức của Taylor Swift khiến Đại học Melbourne, một trong những đại học danh giá và hàng đầu Australia, tổ chức buổi hội thảo mang tên Swiftposium.
Chuyên gia muốn thảo luận về tầm ảnh hưởng của nghệ sĩ từng đoạt giải Grammy trên nhiều lĩnh vực, nhân dịp cô sang Australia biểu diễn concert Eras Tour.
Tiến sĩ Jennifer Beckett, giảng viên cấp cao về truyền thông tại Đại học Melbourne, cho biết: “Thật đáng kinh ngạc khi biết bạn có thể giải mã Taylor Swift bằng nhiều cách. Tỷ phú người Mỹ mới 34 tuổi nhưng có thể thúc đẩy nền kinh tế của một thành phố mỗi khi xuất hiện".
Jennifer Beckett cho rằng giọng ca Cardigan ngày càng quyền lực, có sức ảnh hưởng lớn chưa từng có trong ngành âm nhạc, lan rộng ra kinh tế, sắp tới có thể là chính trị.
"Về mặt kinh tế, thương hiệu Taylor Swift phát triển mạnh mẽ. Có rất nhiều điều có thể học hỏi từ nữ ca sĩ, nhưng chúng ta cũng cần phải suy nghĩ chín chắn. Nghĩa là khi Taylor Swift 'mạnh lên', người dân và xã hội được gì, chúng ta có nên mong đợi điều đó?", Beckett nói thêm.
Vai trò nhạc sĩ, biểu tượng nữ quyền, nữ doanh nhân của Taylor Swift cũng được mang ra bàn luận. Hội nghị chuyên đề ở Melbourne thậm chí lật lại nghiên cứu tại Đại học Ghent của Bỉ nhằm kiểm tra xem Swift có phải là thiên tài văn học hay không.
Trong buổi giải mã Taylor Swift, nhiều học giả tin rằng nhịp điệu, ca từ trong âm nhạc của nữ ca sĩ có thể chữa lành. Chuyên gia so sánh một số ca khúc của Swift với Stayin' Alive của Bee Gees, họ nhận ra có sự tương đồng nhịp điệu trong hồi sức tim phổi (CPR).
"Ca khúc của Bee Gees xuất hiện từ năm 1977, nay Swift mang lại nhịp điệu phù hợp để thu hút Gen Z và Millennials", chuyên gia nhận định.
Swiftonomics, thuật ngữ chỉ hiệu quả kinh tế chuyến lưu diễn của Taylor Swift tác động đến thành phố, quy hoạch đô thị, giao thông công cộng, nhà hàng và khách sạn cũng được mang ra thảo luận.
Nhà xã hội học Georgia Carroll nghiên cứu cách Swift khuyến khích người hâm mộ vung tiền mua đĩa, album và vé xem concert: "Cô ấy luôn biết cách thu hút để người hâm mộ thoải mái vung tiền. Fan của nữ ca sĩ luôn trung thành một cách bài bản".
Tiến sĩ Carroll nói thêm rằng người hâm mộ không xem Taylor Swift là thần tượng, tỷ phú mà là cô hàng xóm gần gũi, giống với cách cô thể hiện trên mạng xã hội, đấu tranh vì phụ nữ và cộng đồng LGBTQ+, lập quỹ từ thiện, giúp đỡ fan có hoàn cảnh khó khăn...
Nhóm nghiên cứu sau đó kết luận Taylor Swift là một trong những nghệ sĩ thông minh nhất trong việc "đắc nhân tâm". Cô xuất sắc trong việc tương tác với người hâm mộ trên mạng để fan có cảm giác được thấu hiểu và kết nối với thần tượng.
"Đó là điều quan trọng làm nên hiện tượng Taylor Swift như hiện nay", chuyên gia kết luận.
Taylor Swift đang có chuyến lưu diễn tại Australia thuộc khuôn khổ Era Tours. Theo thị trưởng thành phố Melbourne, với 7 buổi diễn khắp hai thành phố lớn nhất Australia từ 16-26/2, Taylor sẽ mang lại lợi nhuận kinh tế khổng lồ. Chỉ tính riêng ba đêm diễn ở Melbourne, chuyến lưu diễn tạo ra giá trị kinh tế 1,2 tỷ AUD (khoảng 790 triệu USD) cho nền kinh tế.
Sau Australia, Taylor Swift sang Singapore biểu diễn. Ở khu vực Đông Nam Á, nữ ca sĩ chuẩn bị là "ca sĩ độc quyền" của đảo quốc sư tử. Nhiều quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc khao khát ngôi sao sinh năm 1989 gật đầu đồng ý tổ chức concert nhưng bất thành.
Theo Trạch Dương (Tiền Phong)