Mới đây, dư luận và cộng đồng mạng đồng loạt lên tiếng, thể hiện sự bức xúc về chương trình truyền hình thực tế đang ăn khách hiện nay- “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” do VFC sản xuất, có nội dung được cho là nhạy cảm với cộng đồng mắc chứng tự kỷ.
Hình ảnh các cặp bố con dưới hố tự kỷ trong tập 18, chương trình 'Bố ơi! Mình đi đâu thế' mùa thứ hai. (Ảnh: VTV) |
Theo luật chơi, cặp bố con nào thua trong trò chơi “Vòng xoay Kim Cương” sẽ phải nếm trải cảm giác ở hố tự kỷ và bị các gia đình khác trêu đùa.
Thậm chí, bị khiêu khích, một ông bố còn cho biết sẵn sàng bỏ 500 triệu để mua một cặp vé xuống hố tự kỷ.
Ngay sau đó, các cặp bố con còn lại tự nhận lỗi, lần lượt phải xuống dưới hố tự kỷ để sám hối. Tuy nhiên, phần sám hối, nhận lỗi của 4 cặp bố con đã bị biến thành những cuộc vui, đầy ắp tiếng cười.
Ngay sau khi tập 18 “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” có đề cập nội dung được cho là “nhạy cảm” tới những người mắc chứng tụ kỷ lên sóng, mạng lưới "Người tự kỷ Việt Nam" (VAN) đã có thư ngỏ gửi tới ông Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC, đơn vị sản xuất chương trình.
Mạng lưới VAN cho rằng tập 18 “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” đã sử dụng khái niệm về tự kỷ như một trong những ý tưởng chủ đạo.
“Những người tham gia chơi có một hình thức phạt là xuống "Hố tự kỷ." Chúng tôi nhận thấy nội dung này đã làm tổn thương cảm xúc và tinh thần của nhiều gia đình có con tự kỷ và cả những Người tự kỷ trưởng thành.”
“Nội dung của chương trình đã vô tình tạo ra nhận thức sai về tự kỷ, cổ vũ cách dùng từ tự kỷ để chỉ trạng thái cô độc, lập dị, và cũng vô tình tạo ra định kiến không hay về khuyết tật tự kỷ. Điều này không phù hợp với với những giá trị nhân văn mà tất cả chúng ta đều hướng tới, nó cũng trái với khuyến nghị nói trên của Liên hợp quốc.”
“Đồng thời, chúng tôi băn khoăn về giá trị giáo dục của chương trình, vì qua đây con trẻ không được giáo dục về ý thức cảm thông và chia sẻ vời người khuyết tật" - Trích thư ngỏ của VAN gửi cho đơn vị sản xuất chương trình.
Hiện tại, đại diện đơn vị sản xuất chương trình “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” chưa có phản hồi chính thức về vấn đề này.
Tự kỷ là một khuyết tật phát triển, điều đó đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc khẳng định trong Nghị quyết 62/139 năm 2007. Liên hợp quốc cũng khuyến nghị các quốc gia quan tâm đến vấn đề tự kỷ và lấy ngày 2/4 là Ngày Thế giới Nhận thức Chứng tự kỷ. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đang hướng tới nhận thức đúng và chia sẻ với người tự kỷ và gia đình của họ bằng nhiều chính sách, hành động tích cực và sự ra đời của VAN là một trong những hành động đó. |