Ông Nguyễn Danh Thắng - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Hãng phim truyện Việt Nam đã có cuộc trao đổi với chúng tôi về những ồn ào liên quan tới Hãng.
Nghệ sĩ không phải là người ngoài hành tinh!
- Trong cuộc họp ngày 29/9, sau khi bị ông Thủy Nguyên nói những lời xúc phạm về tình cảm cha con của mình, nghệ sĩ Quốc Tuấn có chửi bới hay có hành động định đánh lại không thưa ông?
Tôi ở đấy và cũng thấy anh Tuấn đứng dậy nói rất nặng lời, xúc phạm anh Nguyên, rằng ông không đủ tư cách làm lãnh đạo của tôi.
Đồng thời cũng có hành động chỉ mặt cũng rất nặng nề rồi chứ không phải chỉ nói mồm. Thực ra chưa xông lên thôi chứ còn cũng gân mặt gân mũi rồi.
- Ông đã nhận được đơn kiến nghị đề cập đến những điều thiếu hợp lý trong quy định chấm công mới của công ty chưa?
Có một số người gửi cho tôi đơn kiến nghị về hình thức chấm công nhưng chúng tôi chỉ thực hiện theo luật. Quy định của công ty thì không có gì sai luật cả.
Cán bộ nghệ sĩ cũng là người lao động chứ không phải người ngoài hành tinh mà không phải đúng luật lao động.
- Trong đơn chỉ ra một số điều không phù hợp trong quy định mới này. Liệu Ban giám đốc có xem xét và điều chỉnh lại?
Thứ nhất là những thắc mắc thì chúng tôi sẽ có văn bản gửi trả lời. Còn quy định thì vẫn thưc hiện.
Thứ 2 là chả có gì bất hợp lý cả. Chúng tôi cũng xem xét đến tất cả các công việc đặc thù rồi. Trong quy định cũng ghi rất rõ các công việc đặc thù rồi.
Quy định này nó sẽ bất lợi cho những người đi làm ở công ty khác mà hàng tháng vẫn về lĩnh lương. Chứ còn những người làm việc cho công ty thì không có gì bất lợi cả.
Trong thời gian đang chờ việc, nếu họ đến công ty để chờ việc, thì công ty vẫn trả lương bình thường.
|
Đơn kiến nghị của các nghệ sĩ gửi lên Ban lãnh đạo và công đoàn công ty về quy chế chấm công mới được ban hành đầu tháng 10 này. |
- Có ý kiến rằng quy định này mang tính áp đặt, vì trước đó chưa có sự thống nhất giữa các nghệ sĩ và phía Ban lãnh đạo?
Cái này là quy định Ban lãnh đạo công ty áp dụng dựa trên luật lao động để quản lý, chứ không phải thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Nếu cái quy định đó nằm ngoài luật quy định cơ, còn chúng tôi ở đây đang thực hiện theo đúng luật. Công ty nào cũng vậy thôi, các cán bộ công nhân viên phải làm 8 giờ/ ngày và 40 giờ/tuần.
- Còn câu chuyện đặc thù của nghề thì sao?
Đặc thù của nghề thì chúng tôi cũng đã có những quy định rõ. Đối với NSND, NSƯT thì không phải chấm công bằng dấu vân tay nhưng phải làm đề án kế hoạch rõ ràng.
- Hiện tại phòng ốc, cơ sở vật chất cũng còn nhiều hạn chế: không máy móc, không bàn làm việc, không gian cũng chật chội... Vậy việc yêu cầu nghệ sĩ lên đó để làm việc ngay lúc này theo ông có hợp lý không?
Cái này là cơ sở vật chất hạn tầng hiện có của công ty nhà nước bàn giao sang. Chúng tôi mới tiếp cận được được 2 tháng thôi. Chúng tôi cần thời gian để cải tạo, sửa chữa. Chúng tôi phải thực hiện từng bước.
Chúng tôi cũng phải xin phép các cơ quan quản lý chức năng, chứ không phải bây giờ cứ nói có là có ngay phòng ốc hiện đại để mọi người làm việc
Trong bản phương án của chúng tôi khi đăng ký làm cổ đông chiến lược đã nói đến việc cải tạo cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất.
Mà trong kế hoạch kinh doanh chúng tôi cũng phải thực hiện điều đó. Chứ cứ để cơ sở vật chất, điều kiện hạ tầng như thế thì làm sao mà kinh doanh được.
Toàn cảnh cơ sở vật chất của Hãng phim truyện Việt Nam (hình ảnh ghi ngày 9/10) |
- Vậy nhưng bây giờ không có phim để làm, cũng không có bàn ghế thiết bị phục vụ cho công việc, thì các nghệ sĩ sẽ lên đó để làm gì?
Bây giờ chúng tôi đang triển khai 1 bộ phim, chuẩn bị khởi quay rồi. Cơ chế trước đây cũng thế thôi. 1-2 năm mới có một bộ phim. Thế nhưng có đến 10 đạo diễn, 8 quay phim.
Mọi người cứ nói đề tài sáng tác các thứ chứ thực chất cũng chỉ có 1 vài người làm việc thôi còn đa số là không làm việc. Họ làm việc ngoài là chính. Chứ có phải trước đây nhiều phim, mọi người đều làm việc đâu?
Công ty nhà nước 2 năm trước đây cũng chẳng có phim nào. Thế nên không thể tất cả mọi người ở đó đều có việc được.
Bởi vì cơ chế nhà nước ngày xưa như thế, cứ có tên ở đấy là lĩnh lương. Và mọi người vẫn cứ đi làm ở nơi khác, thỉnh thoảng mới về công ty thôi.
Bây giờ chúng tôi mới vào thôi, không thể một lúc mà chúng tôi bố trí được 10 bộ phim cho 10 đạo diễn làm việc được.
"Họ cho chúng tôi là công dân hạng 2, là dân xúc cát"
- Tư cách lãnh đạo của Ban giám đốc mới cũng là câu chuyện được đề cập đến rất nhiều?
Thực ra có một số người chống đối từ trước khi chúng tôi vào đây. Trong quá trình điều hành thì lực lượng chống đối đó luôn luôn nói chúng tôi không đủ tư cách.
Họ cho chúng tôi là công dân hạng 2, là dân xúc cát. Nên họ luôn luôn nói chúng tôi là không đủ tư cách. Thế nhưng chúng tôi là nhà đầu tư. Từ chủ tịch hội đồng quản trị công ty đến chúng tôi đều là kỹ sư, thạc sĩ cả...
Mỗi người một ngành nghề, xã hội phân công công việc. Chúng tôi là nhà đầu tư thì chúng tôi đầu tư, chứ không thể nói nhà đầu tư không đủ tư cách lãnh đạo.
Tôi nghĩ mấu chốt ở đây chỉ là việc chưa tìm được tiếng nói chung. Một số nghệ sĩ vẫn làm việc theo kiểu bao cấp là cứ đi làm ngoài, vì hãng phim ngày xưa làm gì có việc. Mọi người đi làm ngoài nhưng hàng tháng vẫn lĩnh lương.
Chính điều đó đã đem lại cái gánh nặng cho công ty cổ phần phải trả là 21 tỷ tiền thuế trước đây công ty nhà nước giữ lại không đóng để trả lương dần.
|
Rất nhiều nghệ sĩ bày tỏ sự bức xúc trước những hành động và cách ứng xử của Ban lãnh đạo mới công ty |
- Trong bối cảnh sự việc đang rất căng thẳng như này, cách làm có phần hơi cứng nhắc của Ban lãnh đạo công ty có phải làm một cách làm sáng suốt?
Chúng tôi thì luôn luôn mềm mỏng. Chúng tôi đang phải giải quyết những tồn tại của cơ chế nhà nước cũ. Nhưng chúng tôi cũng phải đưa dần công ty vào hoạt động của một doanh nghiệp.
Thứ nhất không thể có chuyện một số người đi làm ở công ty khác lấy thu nhập, sau đó hàng tháng vẫn về nhận lương 100% của công ty. Chuyện đấy doanh nghiệp không thể bao cấp được.
Nếu các nghệ sĩ đó không đi làm nơi nào, cứ đến công ty là chúng tôi trả tiền. Còn những người đã làm việc ở nơi khác rồi, mà đến với chúng tôi, thì chúng tôi vẫn tạo điều kiện, tạo thời gian để làm việc.
Nhưng chúng ta phải thỏa thuận với nhau rằng chúng tôi không làm ở công ty, chúng tôi làm nơi khác, lúc nào có việc thì công ty gọi chúng tôi về, chúng tôi tiếp tục phục vụ cho công ty. Mục tiêu của chúng tôi là như thế.
Chứ không thể có những người làm việc, những người không làm việc đến và cào bằng như nhau. Có người làm 8 tiếng, có người theo đoàn làm phim làm đến 10-12 tiếng chẳng hạn cũng chỉ hưởng lương bằng những người đi làm công ty khác xong hàng tháng về lĩnh lương. Chuyện nó đang bất cập như thế!
- Cũng có ý kiến cho rằng việc gây sức ép về giờ giấc, quy chế làm việc, trả lương... nằm trong kế hoạch "đuổi" bớt các nghệ sĩ đi và dần dần tiến tới xóa sổ hãng phim Việt Nam?
Mọi người hiểu thế thôi, chứ ở đây chúng tôi đang làm theo luật lao động, và trả lương theo quy định của luật lao động trên mức lương tối thiểu, đúng các hệ số.
Mọi người đến dù không làm việc, dù chưa có việc, chưa bố trí được việc thì vẫn được hưởng lương theo đúng quy định của luật. Thì tại sao lại nói là chúng tôi chèn ép?
Bây giờ chúng tôi chưa bố trí được việc, mọi người cứ đến đấy, chúng tôi vẫn trả đủ lương. Chỉ trừ những người cứ đi làm bên ngoài, rồi cũng đến công ty đòi lĩnh lương, thì những người đó mới ảnh hưởng dến quyền lợi thôi.
Bởi người ta đi làm bên ngoài là chính mà nên người ta không thể đến công ty để chấm vân tay được. Còn không đi làm nơi khác, trong lúc chờ việc đến công ty chấm công, chúng tôi vẫn coi là đang làm việc.
Chúng tôi đang phải giải quyết khó khăn sao lại bảo chúng tôi cản trở để bắt mọi người nghỉ việc?
- Vậy mọi người có thể hiểu mục đích chính của công ty khi đầu tư vào Hãng phim là kinh doanh hay làm phim, thưa ông?
Trong bản phương án của chúng tôi khi làm đề xuất nhà đầu tư chiến lược đã nói rồi. Chúng tôi cũng có những phương án sản xuất kinh doanh, mục tiêu kinh doanh đề rõ trong hồ sơ. Và chúng tôi cam kết như thế nào, chúng tôi sẽ thực hiện đúng như thế!
Theo Ý An (Soha/Trí Thức Trẻ)