Người mẫu Cao Thùy Linh từng gây xôn xao khi tung ra bộ ảnh chụp với ngựa |
Trong nội dung mà Thông tư kể trên đề cập, có thể thấy các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh không được phép thực hiện 2 hành vi là phổ biến trên mạng viễn thông những hình ảnh cá nhân không có trang phục (hay còn hiểu là ảnh khỏa thân) và sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm. Về việc không phổ biến hình khỏa thân được xem là “động chạm” nhiều nhất đến giới người mẫu bởi việc chụp ảnh, ghi hình vốn dĩ là công việc thường ngày của họ, trong đó việc chụp ảnh khỏa thân hay bán khỏa thân trong nhiều trường hợp được xếp vào hoạt động sáng tạo nghệ thuật…
Nói như lời siêu mẫu Ngọc Tình - giải Vàng “Siêu mẫu Việt Nam 2010”, người từng chụp bộ ảnh khỏa thân toàn thân thì ngay cả việc đánh giá bộ ảnh của anh là dung tục hay nghệ thuật cũng còn tùy thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người. Vì thế nếu đã đặt ra “barie” với ảnh khỏa thân trên mạng viễn thông thì cơ quan quản lý văn hóa cũng nên có những quy định cụ thể hơn như cứ khỏa thân là cấm tất, hay khỏa thân đến mức nào thì được.
Nam vương thế giới Tiến Đoàn cũng từng có những khuôn hình khoe thân thể gây ồn ào |
Sự ra đời của Thông tư trên được xem là kịp thời siết chặt việc quản lý đời sống nghệ thuật đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi mạng xã hội, nhất là khi hầu hết những người hoạt động trong lĩnh vực này đều coi đây là kênh thông tin giao lưu và chia sẻ hình ảnh của mình tới công chúng.
Như chia sẻ của ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh, nhiều lúc cô cảm thấy buồn vì người thưởng thức và người làm nghệ thuật đều dễ dãi bởi không có bất cứ chuẩn mực nào cả. Đó là lý do mà nhiều nghệ sĩ có tài, được đào tạo bài bản, khổ luyện lâu năm cũng chẳng bằng những người “tay trái” vào nghề, lên mạng xã hội tìm cách quảng cáo bản thân bằng những lời nói, hành động và hình ảnh phản cảm.
Vì vậy, Ngọc Anh cho rằng Thông tư 01 sẽ góp phần quan trọng trong việc định hướng cách nhìn nhận và thưởng thức nghệ thuật của khán giả, cũng như cách làm nghệ thuật đúng với người nghệ sĩ.
Đồng tình với quan điểm này, ca sĩ Long Nhật cho rằng mạng xã hội không phải là trang cá nhân hoặc riêng tư, vì thế khi đưa bất cứ hình ảnh hay thông tin nào lên đó đều phải suy nghĩ kỹ lưỡng, bởi thời buổi này trẻ con chỉ cần một cú nhấp chuột cũng có thể lướt mạng để xem và đọc đủ thứ trên đời.
Dù đồng tình với Thông tư 01 song ngay bản thân những người trong cuộc cũng tỏ ra khá hoang mang về khái niệm phản cảm được đề cập đến trong Thông tư. Như băn khoăn của đại diện một công ty đào tạo người mẫu thì việc đưa ra quy định không được phổ biến hình ảnh mặc trang phục, hóa trang phản cảm trên mạng là rất mơ hồ.
Ví dụ như người đẹp, người mẫu, thậm chí là cô Hoa hậu nào đó nhận lời làm đại diện cho thương hiệu áo tắm hoặc đồ lót, đồ ngủ nên chụp ảnh trong các trang phục này thì có bị xem là phản cảm hay không? Cũng theo thắc mắc của người này thì khái niệm phản cảm tùy thuộc vào cảm quan của mỗi người, ngay cả việc lập ra Hội đồng thẩm định thì sẽ căn cứ vào đâu để thẩm định và thẩm định cái gì.
Về điều này, ca sĩ Long Nhật cũng bày tỏ e ngại rằng khi người nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp trên sân khấu, việc đánh giá một bộ trang phục là phản cảm hay không đã khó, huống hồ là thẩm định hình ảnh trên mạng xã hội. Ca sĩ gốc Huế khẳng định ranh giới giữa phản cảm với không phản cảm rất mong manh và cần được làm rõ bằng quy định cụ thể để cơ quan quản lý văn hóa dễ thẩm định và xử lý, còn nghệ sĩ nếu bị xử lý mới phục.
Còn ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh thẳng thắn cho rằng bản thân mạng xã hội đã là kênh thông tin nhạy cảm, vì thế để Thông tư đi vào cuộc sống hiệu quả thì việc càng rõ, càng cụ thể sẽ càng dễ thực thi.
Theo Dương Cầm (An Ninh Thủ Đô)