Làng võ thuật Trung Quốc có rất nhiều tài năng. Nhưng không phải ai cũng đủ sức khiến một cao thủ như Lý Liên Kiệt phải thốt ra lời khen tặng.
Ngô Kinh sinh ngày 3/4/1974 tại Bắc Kinh, Trung Quốc trong một gia đình nhà võ danh gia vọng tộc có cả bố và mẹ là võ sư.
Trong một lần phát biểu với báo chí, anh đã nói rằng: “Tổ tiên nhà tôi là mãn tộc Đa Nhĩ Cổn, từng đã bao lần làm Võ Trạng Nguyên.
Ông nội tôi học chính là Thái cực quyền Ngô thị. Còn ba tôi là sự kết hợp giữa Đường Lang Quyền và Cửu Tiết Tiên. Nhưng ông lại bận lo việc ngoài đời, công việc trong ngành hàng không. Ông không thể dạy tôi, mà nhà tôi lại nhất định phải có người học võ”.
Ngô Kinh đã phải học võ từ khi mới 6 tuổi |
Chỉ sau 20 ngày bố Ngô Kinh đã phát hiện và bắt anh đứng tấn 3 tiếng đồng hồ. Chưa hết, ông bố cao cường võ công này còn tung 1 cú đá khiến anh chàng “dán chặt như bức tranh vào tường”.
Lại có một lần, anh chàng cố chấp vẫn chưa muốn học võ, bố anh biết rõ, thầm khéo léo thử lực, thoáng chút đã quật ngã anh văng bảy tám thước. Không đỡ con trai dậy, ông nghiêm khắc nhìn anh từ trên tường ngã xuống.
Từ đó, Ngô Kinh hiểu rằng mình cần tập luyện chăm chỉ hơn để không phụ sự trông đợi của cả gia đình.
Quá trình tập luyện "điên cuồng"
Sáu tuổi bước vào Viện võ thuật Bắc Kinh, rèn luyện trong môi trường khắc nghiệt nên Ngô Kinh sớm thể hiện mình là người mạnh mẽ và rắn rỏi.
Năm 10 tuổi, anh mắc phải một chấn thương nghiêm trọng ảnh hưởng đến cột sống dẫn đến tê liệt cả hai chân. Tuy nhiên, với nghị lực phi thường của mình cùng các môn võ công đặc biệt, Ngô Kinh đã chiến thắng bệnh tật.
Trong cùng năm đó anh giành 1 giải thưởng Wushu cao quý tại giải vô địch võ thuật Bắc Kinh.
13 tuổi, Ngô Kinh được đưa đến học Wushu ở trường TDTT Shichahai và gặp HLV trưởng của trường là Ngô Bân. Đây là người đã dạy dỗ Chung Tử Đơn, Triệu Văn Trác và cả Lý Liên Kiệt.
Khi mới đến Shichahai, Ngô Bân rất ngại và không muốn nhận Ngô Kinh bởi ngón cái tay trái của anh thiếu mất nửa mẩu. Với người học võ lực ở ngón cái là điểm mấu chốt, các cao thủ hơn thua nhau thực chất là ở nửa ngón này.
Đó là vũ khí mạnh nhất và cần thiết của mỗi người học võ.
Tiếp đó, anh giơ cao chân 1000 lần, nhảy cóc 500 lần, xoay eo 500 lần để kết thúc màn khởi động trước khi bước vào luyện quyền, đấu đối kháng.
Ngô Kinh còn chăm chỉ thức khuya dậy sớm đứng tấn và rèn luyện sức bền. Nhờ thế mà võ công tiến triển rất nhanh.
Học Wushu từ bé cộng thêm sự chuyên tâm rèn luyện, Ngô Kinh đã đạt tới ngưỡng đỉnh cao của môn võ này, khiến nhiều người phải kính phục. Phải nói rằng, anh là một trong những cao thủ Taolu của võ thuật Trung Hoa hiện đại.
Ngô Kinh là một trong số những cao thủ của làng võ thuật Trung Quốc |
Mặc dù bị thầy Ngô Bân chê khi mới bắt đầu xin làm học trò, tuy nhiên do nhiều ngày tháng tập luyện không biết mệt mỏi Ngô Kinh đã rèn cho mình được một thân tuyệt kĩ và trình độ Wushu đến mức điêu luyện.
Những đòn đấm thẳng, đấm vòng và xúc của anh bao giờ cũng được tung ra nhanh và hiểm hóc trong khi thực chiến.
Vào các năm 1986, 1987, 1989, 1991, 1994, Ngô Kinh đoạt quán quân tại cuộc thi Wushu trên toàn quốc với nhiều nội dung thi như quyền, đao, thương.
Theo tờ Sina đánh giá, Ngô Kinh xếp thứ 6 về khả năng thực chiến trong danh sách top 10 ngôi sao võ thuật lợi hại nhất Trung Quốc.
Bén duyên với điện ảnh
Năm 1995, đạo diễn võ thuật nổi tiếng Viên Hòa Bình đến viện Võ thuật Bắc Kinh để tuyển chọn diễn viên cho vai diễn mới.
Sự phụ Ngô Bân lúc đó không muốn giới thiệu ai bởi trước đó ông cũng mất đi học trò cưng Lý Liên Kiệt vào tay đạo diễn tài danh này.
Ngô Kinh trong một vai diễn |
Ngô Kinh đã tham gia nhiều phim lớn như Thiếu Lâm Võ Vương, Nam Thiếu Lâm, Thái Cực Sư Tôn...Nhưng phải đến Sát Phá Lang (2005) người ta mới thấy được sự chuyển mình vượt bậc của võ sư – diễn viên này.
Trong phim, Ngô Kinh vào vai sát thủ máu lạnh, tàn độc, hung bạo đến đáng sợ. Bộ phim quy tụ dàn diễn viên võ thuật gạo cội như Chung Tử Đơn, Hồng Kim Bảo. Ngô Kinh và Chung Tử Đơn đã có những màn đấu võ vô cùng đẹp mắt.
Đạo diễn tiết lộ rằng trước khi diễn cảnh đối kháng, cả hai đã phải thảo luận những chiêu thức võ thuật để ăn khớp với nhau. Họ cũng biết chỉ là diễn xuất mà thống nhất những động tác nhẹ nhàng ít gây thương tổn nhất.
Vai ác của Ngô Kinh trong Sát Phá Lang |
Theo Triệu Mẫn (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)