Đến với LHP Cannes 2018, điện ảnh châu Á đã đem lại không ít sự bất ngờ với 6 bộ phim tranh giải Cành Cọ Vàng, trong đó có 2 cái tên của Nhật Bản là Asako I & II (đạo diễn Hamaguchi Ryusuke) và Shoplifters (đạo diễn Hirokazu Kore-eda). Vượt qua một loạt các đối thủ nặng kí khác như Cold War, BlacKkKlansman, Burning,... Shoplifters đã giành được giải thưởng danh giá nhất - Cành Cọ Vàng.
Trailer Shoplifters |
1. Câu chuyện về những người ở tận cùng xã hội
Shoplifters là câu chuyện về những con người được xem là tầng lớp tận cùng của xã hội Nhật Bản hiện đại. Không chỉ nghèo khổ, đói rách, bẩn thỉu giữa một đất nước Nhật Bản nổi tiếng văn minh, hiện đại; họ còn có những hành động khiến người khác khinh ghét để kiếm sống.
Ở vùng ngoại ô thành phố Tokyo, có một gia đình 5 người nghèo khổ gồm cặp vợ chồng là Osamu (Lily Franky) và Nobuyo (Sakura Ando) chuyên hành nghề trộm cắp vặt tại các cửa hàng. Cô con gái lớn Aki (Matsuoka Mayu) thì phải làm việc trong một câu lạc bộ phục vụ tình dục để đỡ đần giúp gia đình. Trong nhà còn một cậu con trai nhỏ là Shota (Jyo Kai) và người bà lớn tuổi (Kirin Kiki).
Một hôm, người cha dẫn về một cô bé lạ lẫm về nhà. Cô bé là Juri (Sasaki Miyu), trên người có rất nhiều vết thương do bạo hành. Tuy nhiên, đây chẳng phải là ngã rẽ đạo đức hay sự cứu rỗi linh hồn gì cả, ông cứu đứa bé nhưng cũng như là một cách cứu gia đình mình khi truyền cho nó nghề ăn trộm. Ban đầu, gia đình ông có vẻ không chấp nhận cô bé nhưng sau khi được truyền nghề và cảm thương cho số phận của cô thì gia đình này ngày càng quý mến và thực lòng xem Juri như một thành viên trong gia đình.
Bộ phim không phải là câu chuyện về những người "đói cho sạch, rách cho thơm", không lột tả màu sắc lãng mạn vốn có của điện ảnh Nhật Bản, lại càng không phải là cuộc sống gia đình no đủ mà là trái ngược của tất cả những điều trên. Thế nhưng, ở khu ổ chuột tồi tàn, trong một gia đình trộm cắp vặt, nổi bật lên trên hết là tình cảm ấm áp và chân thành nhất trong sâu thẳm mỗi con người. Chính những điều giản đơn ấy đã làm nên một Shoplifters xuất sắc, hoàn toàn khiến những trái tim cứng rắn nhất phải mềm lòng.
2. Chứa đựng nhiều thông điệp
Không chỉ có một nội dung mới mẻ, Shoplifters còn mang đến cho độc giả nhiều thông điệp thấm đẫm tính nhân văn và hiện thực.
Nhật Bản, từ lâu luôn được biết đến như là một đất nước văn minh, hiện đại bậc nhất thế giới. Bất chấp nền kinh tế đứng thứ 3 thế giới, xã hội Nhật Bản vẫn còn đó những góc khuất tồi tàn và nghèo khó mà chính quyền đã vô tình hoặc cố ý bỏ quên. Và Shoplifters đã dũng cảm mang những góc khuất đó đến với khán giả để họ có một cái nhìn toàn cảnh về đất nước mặt trời mọc.
Bên cạnh đó, tình người, tình cảm gia đình cũng là một trong những điểm nổi bật của Shoplifters. Hành động cưu mang đứa bé Juri của Osamu không xuất phát từ lòng thương cảm nhưng cuối cùng những tình cảm đơn thuần nhất của loài người lại xuất hiện trong một gia đình ăn cắp, một gia đình ở tận cùng của xã hội. Đây chính là tính nhân văn cao đẹp của bộ phim.
3. Đạo diễn kỳ cựu Hirokazu Kore-eda
Với những cái tên như Dare mo Shiranai (Nobody Knows), Soshite Chichi ni Naru (Like Father, Like Son)... , người ta thường nhớ đến Hirokazu Kore-eda như là một đạo diễn của những câu chuyện bình dị nhưng xúc động về cuộc sống của những gia đình bình thường trong xã hội. Và Shoplifters chính là một câu chuyện thể hiện rõ nét phong cách trên của vị đạo diễn kỳ cựu này. Tuy nhiên ông cũng đã từng chứng minh rằng mình là một đạo diễn đa tài khi gây bất ngờ lớn cho khán giả qua tác phẩm Sandome no Satsujin (The Third Murder), một bộ phim mang tính chất hoàn toàn khác hẳn với những gì ông thể hiện trước đó.
Hirokazu Kore-eda từng chiến thắng hơn 40 giải thưởng dành cho đạo diễn và kịch bản ở các liên hoan phim quốc tế danh giá, các giải thưởng châu Á và ở Nhật Bản. Like Father, Like Son, bộ phim năm 2013 của ông, từng giành Giải của Ban giám khảo tạo Cannes và được Dreamworks mua bản quyền làm lại với đạo diễn là Steven Spielberg. Tại LHP Quốc tế Vienna 2005, Kore-eda từng được miêu tả là "một nghệ sĩ đi trên dây trong giới điện ảnh, đứng giữa ranh giới ảo và thực, giữa thuật lại và sáng tác, giữa riêng tư và công khai".
4. Diễn viên thực lực
Shoplifters quy tụ một dàn diễn viên đầy nội lực có có khả năng diễn xuất tuyệt vời. Đầu tiên là nam diễn viên chính Lily Franky. Ông đã tham gia hàng chục bộ phim lớn nhỏ với khả năng diễn xuất vô cùng linh hoạt. Những tác phẩm nổi bật làm nên tên tuổi của ông là Kyokaku (The Devil’s Path), Soshite Chichi ni Naru…
Thủ vai người mẹ là nữ diễn viên Ando Sakura. Cô xuất thân trong một gia đình đều là người nổi tiếng trong showbiz Nhật lẫn giới chính trị. Những bộ phim mà cô tham gia được nhiều người quan tâm có thể kể đến Sweet Little Lies, Kazaku no Kuni (Our Homeland)…
Người con gái lớn Aki do Matsuoka Mayu đảm nhận. Tuy còn trẻ nhưng kinh nghiệm diễn xuất của Mayu lại khá đáng nể. Một số tác phẩm nổi bật mà Mayu tham gia là Little Forest, Chihayafuru… Những diễn viên nhí còn lại và người bà đều thể hiện được khả năng diễn xuất tự nhiên, truyền tải được cảm xúc đến người xem. Sự kết hợp của dàn diễn viên đã tạo nên một gia đình ấm áp, tràn đầy tình yêu thương.
5. Những lời khen ngợi từ giới chuyên môn
Với những gì đã thể hiện, Shoplifters nhận được không ít lời khen ngợi từ giới chuyên môn. Đạo diễn Denis Villeneuve - một thành viên BGK - đã nói rằng quyết định trao giải được cả hội đồng giám khảo thống nhất và bộ phim là "trải nghiệm cảm xúc vô cùng sâu sắc". Trong khi đó, nữ minh tinh Cate Blanchett, chủ tịch BGK, đánh giá Shoplifters là một "bộ phim phi thường".
Cây viết Peter Debruge của tờ Variety gọi đây là bộ phim yêu thích của anh trong 21 phim tranh giải tại Cannes 2018. Còn David Ehrlich của tờ IndieWire nói rằng Shoplifters là "câu chuyện chính kịch xúc động, tinh tế và đánh lừa tuyệt vời nhất của Kore-eda về động lực khiến một gia đình trở nên gắn kết (hoặc không)".
Chím (Daidoanket.vn)