Người hâm mộ Kpop phản pháo
Tranh cãi về chuyện yêu đương của Karina (Aespa) không chỉ dừng lại ở biên giới Hàn Quốc mà đã vươn tầm quốc tế sau khi nữ thần tượng viết tâm thư xin lỗi người hâm mộ vào ngày 5/3.
Không chỉ cư dân mạng mà báo chí phương Tây “ngã ngửa” trước tình huống hẹn hò bình thường cũng phải xin lỗi. Họ lên án việc fan can thiệp quá sâu vào đời tư của nghệ sĩ, xa hơn là chỉ trích nền văn hóa Kpop độc hại.
Ngày 8/3, một cư dân mạng đăng tên tài khoản cá nhân bài viết với chú thích “Bình luận dưới một bài báo về lời xin lỗi của Karina”. Chủ tài khoản trích dẫn bài báo trên trang Money Today có tiêu đề “Người nước ngoài coi fan Hàn Quốc là thiểu năng trí tuệ sau khi Karina đăng tải lời xin lỗi hẹn hò”, kèm theo đó là một số bình luận được tờ báo trích dẫn từ cư dân mạng quốc tế.
Bình luận viết: “Fan Hàn Quốc bị thiểu năng trí tuệ. Cộng đồng người hâm mộ (fandom) phức tạp hóa vấn đề thành thứ gì đó khó chịu”, “Nó không quá bất ngờ. Chính nhờ những người hâm mộ điên cuồng này mà các thần tượng kiếm được số tiền khó tin. Nếu người hâm mộ có tinh thần ổn định, ngành giải trí sẽ phá sản”…
Trước những đánh giá của người nước ngoài, cộng đồng mạng xứ củ sâm có những phản ứng trái chiều. Một số chỉ trích những người hành xử không văn minh khiến quốc tế đánh giá tiêu cực về toàn bộ fandom Kpop. Tuy nhiên, không ít người cho rằng đó là bản chất Kpop, thần tượng đã dấn thân vào đó phải chấp nhận quy tắc.
“Nếu người hâm mộ là vấn đề thì việc kinh doanh thần tượng cũng vậy. Thần tượng chỉ có thể kiếm tiền từ những người hâm mộ này”, “Tôi nghĩ rằng họ (thần tượng) cần phải hiểu cảm xúc của người tiêu dùng nếu muốn kiếm tiền... Bán một mối quan hệ tưởng tượng cho người hâm mộ rồi sau đó yêu cầu fan đừng tỏ thái độ gì là hành động làm tổn hại đến hoạt động kinh doanh của chính thần tượng”, “Những người nổi tiếng ở nước ngoài cũng có những người hâm mộ cuồng nhiệt. Khi tiết lộ mối quan hệ lãng mạn, đôi khi họ bị fan chống đối nhưng họ vẫn có thể tiếp tục sự nghiệp. Thần tượng Kpop không thể làm vậy vì nếu fan rời đi, họ không kiếm được tiền. Đó là lý do họ phải chấp nhận sự phán xét của fan”…
Mối quan hệ cộng sinh
Trước đây, một cách giải thích về khái niệm “thần tượng” trên diễn đàn Reddit nhận được sự đồng tình lớn từ cộng đồng mạng. Đó là khác với ca sĩ sử dụng giọng hát để sáng tạo nghệ thuật, thần tượng được tạo ra để bán hình ảnh. Họ duy trì ngoại hình và hình ảnh hoàn hảo để mọi người có thể thích họ, xem họ là hình mẫu bạn trai hoặc bạn gái lý tưởng. Nhiệm vụ của thần tượng là khiến người hâm mộ yêu mến với hình ảnh mà họ được xây dựng.
Chuyên gia của CNN cũng có cách lý giải tương tự. Ngành công nghiệp Kpop được xây dựng dựa trên cơ sở người hâm mộ cuồng nhiệt. Những người này nỗ lực hết mình để quảng bá cho các nhóm nhạc yêu thích. Họ không chỉ bỏ tiền mua sản phẩm âm nhạc và hàng hóa cho thần tượng, mà còn quyên góp từ thiện dưới danh nghĩa ngôi sao hoặc nhóm nhạc họ yêu thích, từ đó giúp nâng cao hình ảnh và danh tiếng của nghệ sĩ.
Như một lẽ thường, song song với việc không tiếc tiền và công sức “nuôi dưỡng” thần tượng, trung thành gần như tuyệt đối với hình mẫu lý tưởng của họ, một bộ phận người hâm mộ nảy sinh suy nghĩ muốn kiểm soát hoặc xem thần tượng là của riêng họ. Dĩ nhiên, không ai muốn "bạn trai" hoặc "bạn gái" của mình yêu đương với người khác. Nghệ sĩ và công ty nhận lợi ích từ người hâm mộ đồng nghĩa với việc họ bị ràng buộc chặt chẽ với nhu cầu và mong muốn của fan. Đúng với cư dân mạng Hàn Quốc phản bác ở trên, đó là cái giá phải trả cho việc kinh doanh thần tượng.
Không ít ngôi sao Kpop đã lĩnh hội thực tế tàn khốc này. Năm 2016, khi Hyuna và Dawn bắt đầu hẹn hò, cổ phiếu của Cube Entertainment bị giảm vài điểm. Ngay sau đó, bộ đôi bị công ty quản lý đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Năm 2020, khi Chen (EXO) thông báo kết hôn và vợ tương lai đang mang thai, hơn 20 fansite (trang web cho người hâm mộ) của nam thần tượng đóng cửa chỉ sau vài giờ. Nhiều fan kỳ cựu rao bán toàn bộ sản phẩm như poster, album về Chen với giá bèo bọt. Một bộ phận fan EXO yêu cầu SM Entertainment loại Chen ra khỏi nhóm vì sợ ảnh hưởng đến hình tượng nhóm. Nhiều người chuyển từ hâm mộ sang thù ghét Chen, họ xem việc ngôi sao sinh năm 1992 lấy vợ là phản bội fan.
Ngay trong trường hợp của Karina, fan gửi xe tải phát thông điệp phản đối người đẹp Gen Z yêu đương đến trước trụ sở SM Entertainment.
“Phải chăng tình yêu mà người hâm mộ dành cho cô chưa đủ? Tại sao cô lại chọn phản bội người hâm mộ? Xin hãy đích thân xin lỗi chúng tôi. Nếu không, cô sẽ thấy doanh số bán album sụt giảm và các địa điểm tổ chức hòa nhạc trống rỗng”, dòng chữ trên xe tải viết.
Chưa dừng lại ở đó, những dòng chỉ trích khác cũng được hiển thị: “Karina, thay vì cảm thấy có lỗi với người hâm mộ, cô nên xin lỗi chính mình - người đã làm việc chăm chỉ trong 7 năm. Cô làm hỏng sự nghiệp của chính mình. Mọi nỗ lực của cô đều bị phủ nhận bởi một tin tức hẹn hò. Cô thấy có đáng không?”.
Karina phải viết thư tay xin lỗi cho thấy cô thực sự e ngại "quyền lực" của người hâm mộ.
Tín hiệu thay đổi
Ngành giải trí Kpop không ít lần chứng kiến thần tượng bị fan gây áp lực đến mức chia tay. Điển hình như Jonghyun (cố thành viên nhóm Shinee) - nữ diễn viên Shin Se Kyung vào năm 2011 hay Taeyeon (SNSD) - Baekhyun (EXO) năm 2014... Trước đây, để tránh những tình huống không đáng có, hầu hết công ty giải trí Hàn Quốc có điều khoản cấm hẹn hò trong hợp đồng độc quyền với thần tượng.
Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu thay đổi trong những năm gần đây, với việc các công ty quản lý tránh xa các điều khoản hợp đồng gây tranh cãi, xâm phạm đời tư. Mặc dù còn hiếm nhưng việc công ty xác nhận mối quan hệ lãng mạn của thần tượng nhiều hơn xưa. Đáng chú ý nhất là YG Entertainment công khai Jisoo (BlackPink) hẹn hò nam diễn viên Ahn Bo Hyun vào năm 2023.
Một tín hiệu tích cực khác là nhận thức của người hâm mộ được nâng tầm, không phải ai cũng phản đối thần tượng Kpop có người yêu. Họ còn bắt đầu kêu gọi nhau cho phép ngôi sao có nhiều quyền riêng tư hơn và cơ hội sống cuộc đời khác bên ngoài sân khấu.
Dưới bài đăng xin lỗi của Karina, bên cạnh những bình luận tiêu cực, vô số những lời ủng hộ được để lại: “Không thần tượng nào cần phải xin lỗi vì hẹn hò vào năm 2024 cả”, “Xin lỗi vì yêu một ai đó? Bạn không cần phải làm điều này”…
Ở bài đăng về phản ứng của người nước ngoài về fan Kpop ngày 8/3, nhiều người Hàn Quốc bình luận: “Tôi hy vọng văn hóa Kpop có thể thay đổi để bố mẹ và bạn đời của thần tượng có thể cùng thần tượng đến xem concert của họ… Ai đã đặt ra quy định rằng thần tượng không được hẹn hò?”, “Chỉ những người hâm mộ tồi tệ nhất mới nghĩ rằng họ có thể ngược đãi thần tượng của mình vì họ đã chi tiền”, “Việc phải xin lỗi vì đang trong một mối quan hệ thật kỳ quặc”…
Không chỉ fan văn minh hơn, thần tượng cũng có ý thức bảo vệ quyền riêng tư của bản thân, không bị lệ thuộc cảm xúc vào người hâm mộ.
Bất chấp fan phản đối và công ty đuổi việc, Hyuna và Dawn vẫn tiếp tục bên nhau gần 7 năm cho đến khi "đường ai nấy đi" vào năm 2022. Họ chia tay một cách tự nhiên, không phải do người hâm mộ tạo áp lực. Chen cũng không vì mất fan mà từ bỏ vợ con.
Jennie (BlackPink) là đại diện tiêu biểu cho thần tượng Kpop có chủ kiến, thậm chí dám thách thức dư luận. Giai đoạn 2022-2023, cô bị lộ loạt ảnh bằng chứng hẹn hò với V. Thời điểm đó, người đẹp sinh năm 1996 nhận không ít lời công kích từ người hâm mộ BTS. Dù không chính thức lên tiếng, Jennie có động thái ngầm thừa nhận tin đồn khi đăng lên Instagram loạt ảnh về set đồ được cho là mặc trong buổi hẹn hò với V ở Paris (Pháp) vào tháng 5/2023.
Theo Koreaboo, việc đăng ảnh như để khẳng định Jennie không hề lo lắng nếu bị người khác phát hiện chuyện đời tư, cũng như không bận tâm đến những tranh cãi liên quan đến tin đồn hẹn hò với V.
Theo Tú Oanh (Tiền Phong)