Các hội Nhạc sỹ lên tiếng trước việc cấp phép 300 bài hát của Cục NTBD

23/05/2017 11:15:00

Đại diện Hội Nhạc sỹ Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và Nhà văn Quang Vinh đã bày tỏ nhiều ý kiến liên quan đến chuyện Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép cho ca khúc “Quốc ca” và 300 ca khúc khác.

Đại diện Hội Nhạc sỹ Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và Nhà văn Quang Vinh đã bày tỏ nhiều ý kiến liên quan đến chuyện Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép cho ca khúc “Quốc ca” và 300 ca khúc khác.

Tôi thấy cái việc Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép cho “Tiến quân ca” là một việc làm trái khoáy, không đáng làm chút nào. Một ca khúc đã được đích thân Bác Hồ lựa chọn, được Quốc hội thông qua và đưa vào Hiến pháp rồi sao Cục Nghệ thuật biểu diễn lại phải cấp phép lại. Thế hoá ra Cục Nghệ thuật biểu diễn cao hơn cả Quốc hội à?

Ngoài ra, những ca khúc cách mạng nổi tiếng khác như: Chào em cô gái Lam Hồng, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Bài ca hy vọng, Anh vẫn hành quân… Những ca khúc cách mạng đã từng đi vào lòng bao thế hệ, xuất hiện trong hàng loạt chương trình chính trị lớn nhỏ nhưng đến bây giờ Cục Nghệ thuật biểu diễn làm động tác cấp phép cho lưu hành là cớ làm sao? Những ca khúc này, ngay khi vừa ra đời đã được cấp phép. Ví dụ: Đài Phát thanh, Đài Truyền hình, các Nhà xuất bản… Và chính Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đã xuất hàng trăm tem cấp phép cho những ca khúc này lưu hành dưới dạng những đĩa nhạc. Vậy bây giờ cấp phép lại để làm gì?

Nhiều nhạc sỹ cho rằng, việc cấp phép phổ biến Tiến quân ca là một việc làm trái khoáy. Ảnh: TL.

Nhiều nhạc sỹ cho rằng, việc cấp phép phổ biến "Tiến quân ca" là một việc làm trái khoáy. Ảnh: TL.

Theo tôi, việc cấp phép chỉ nên dành cho những ca khúc nào có vấn đề, sáng tác trước 1975. Còn những ca khúc cách mạng đó đã rõ rành rành ra đó, cần gì phải cấp phép.

Đành rằng, các ông làm chức năng của cơ quan quản lý Nhà nước nhưng làm gì cũng phải suy nghĩ, tính toán, nghiên cứu… chứ cứ làm đại thế sao được.

Tôi cho rằng, bất kỳ việc cấp phép hoặc thẩm định nào, kể cả giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật cũng cần phải có Hội đồng chuyên môn cho ý kiến. Bản thân những người ở Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ làm chức năng và nhiệm vụ của người quản lý nhà nước chứ chuyên môn chưa chắc đã am hiểu về những tác phẩm âm nhạc đó. Người làm luật và người làm chuyên môn là hai phạm trù khác nhau.

Nhạc sỹ Lê Phùng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế:

Dưới gốc độ quản lý nhà nước, có thể Cục Nghệ thuật biểu diễn được phép dựa vào luật này, luật kia để đưa ra những quy định. Tuy nhiên, không thể “vin” vào luật định đó để rồi quá cứng nhắc. Cái gì đã thuộc về quốc hồn, quốc tuý của dân tộc thì phải nên tôn trọng.

“Tiến quân ca” đã tồn tại bao nhiêu năm qua, đã được Đảng, Nhà nước và mọi tầng lớp nhân dân công nhận thì mặc nhiên tác phẩm đó là của cả dân tộc rồi. Hơn nữa, vào năm ngoái, gia đình của cố nhạc sỹ Văn Cao đã rất nhân văn và có trách nhiệm với dân tộc đó là hiến tặng bài hát này cho toàn thể nhân dân thì không có lý do gì để cấp phép hay không cho phép nữa. Đó là một cách làm thiếu tôn trọng. Tôi thấy việc làm này khiên cưỡng đến lạ lùng.

Và không chỉ “Quốc ca”, còn có những bài hát đã từng trở thành lời hiệu triệu hàng vạn thanh niên – sinh viên Việt Nam xuống đường đấu tranh bảo vệ tổ quốc… mà còn phải cấp phép nữa là sao? Tôi nghĩ rằng, anh làm chức năng quản lý nhà nước thì phải làm sao đó để vừa đảm bảo nguyên tắc quản lý nhưng cũng phải tôn trọng ý nguyện của lòng dân, tôn trọng tính nhân văn của những bài hát đó đối với mọi tầng lớp nhân dân.

Tôi nhớ, cách đây không lâu, Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã có văn bản gửi Hội đồng Lý luận Văn học nghệ thuật Trung ương nói quan điểm của Hội Nhạc sỹ Việt Nam về vấn đề này. Trong đó, văn bản có nhấn mạnh, cần thiết phải có những tổ chức nghề nghiệp để giúp cho quản lý nhà nước trong khâu thẩm định tác phẩm. Vì rõ ràng, chỉ có những người trong nghề mới hiểu rõ nhất hoàn cảnh ra đời, nguồn gốc xuất xứ, lời gốc, lời dị bản…

Bản thân Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ giữ vai trò quản lý nhà nước, chắc gì đã am hiểu về chuyên môn. Tôi nói vì dụ như bài “Mùa thu chết” do nhạc sỹ Phạm Duy phổ nhạc bài thơ rất hay của nhà thơ Pháp. Bài hát này nói về cuộc cách mạng mùa thu nhưng Cục Nghệ thuật biểu diễn lại có ấu trĩ rất lạ lùng. Nghĩa là anh làm việc mà không hiểu gì cả, cứ “chụp mũ” như thế thì tội cho tác phẩm, tội cho tác giả, tội người nghe lắm.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh:

Việc cấp phép có thể được hiểu là khi và chỉ khi được cho phép, tác phẩm âm nhạc ấy mới được sử dụng chính thức ở các chương trình, sự kiện, sân khấu biểu diễn cộng đồng, mới được in, xuất bản, sang băng đĩa.

 Nhà văn Nguyễn Quang Vinh

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh

Như vậy, trước khi có quyết định "phổ biến rộng rãi" thì hàng loạt ca khúc cách mạng và cả bài “Tiến quân ca” là đang sử dụng trái phép hay theo cách nói nôm na là hát “chui” hay sao?

Cần phải nói rõ, bài “Tiến quân ca” từ năm 1976, sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua việc lựa chọn làm Quốc ca của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tác phẩm mặc nhiên trở thành tài sản quốc gia, trở thành một tác phẩm âm nhạc được sử dụng nghiêm cẩn trong lễ chào cờ, khánh tiết ngoại giao, không ai được cho phép hay không cho phép phổ biến rộng rãi tác phẩm âm nhạc này.

Hành động cho phép "phổ biến rộng rãi" bài “Tiến quân ca” của Cục nghệ thuật biểu diễn thể hiện rõ ràng ý thức và nhận thức chính trị rất có vấn đề.

Cùng với đó, hàng loạt những ca khúc: Nối vòng tay lớn, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó... đã trở thành những bài hát quen thuộc, nằm lòng, đã trở thành tài sản âm nhạc của cả dân tộc trong suốt chặng đường lịch sử từ ngày thành lập nước đến nay, không lẽ bây giờ Cục Nghệ thuật đưa vào danh sách "phổ biến rộng rãi" thì mới được sử dụng? Còn dằng dặc thời gian qua là sử dụng vi phạm?

Cục Nghệ thuật biểu diễn đã thể hiện năng lực quản lý của mình ở mức dưới âm vì đến như nhận thức của học sinh tiểu học cũng có thể giải “bài toán” đơn giản này: Chỉ cần công bố những bài hát bị cấm phổ biến, nghĩa là những bài hát còn lại mặc nhiên được sử dụng, thay vì lâu lâu lại làm ra vẻ quản lý, đưa ra một số quyết định vô lối, như trò đùa với dư luận, làm nhiều người phẫn nộ.

Hành động cho phép "phổ biến rộng rãi" bài Tiến quân ca của Cục Nghệ thuật biểu diễn thể hiện rõ ràng ý thức và nhận thức chính trị rất có vấn đề. Đã tới lúc, Bộ chủ quản cần xem xét lại vị trí của người đứng đầu Cục này bởi suốt một quá trình dài vừa qua, với những lùm xùm quanh chuyện cấp phép rồi đổ lỗi cho cấp dưới, ra văn bản chữa cháy đã cho thấy năng lực của ông Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương đang rất có vấn đề.

Theo Hà Tùng Long (Dân Trí)