Đã có nhiều năm trong nghề, ca sĩ Duy Mạnh nhìn nhận thế nào về vấn đề bản quyền sử dụng ca khúc trong làng nhạc Việt hiện nay?
Lâu nay, đã có nhiều nghệ sĩ ủy quyền sản phẩm cho Trung tâm tác quyền. Trước đây, nếu ca sĩ nào muốn hát thì phải xin phép tác giả, được cơ quan quản lý cấp phép, rồi mới được sử dụng. Nhưng, bây giờ cơ quản lý cấp phép, sau đó mới có người đi xin phép tác giả. Đúng ra phải theo quy trình như trước đây, ca sĩ muốn sử dụng ca khúc thì phải xin phép tác giả, được cơ quan quản lý cấp phép.
Từ thực tế này cho thấy, vấn đề bản quyền sử dụng các sản phẩm âm nhạc tại Việt Nam còn khá bất cập, lỏng lẻo. Thế nên, việc lách luật là khó tránh khỏi, nên tình trạng ca sĩ, đơn vị,… sử dụng sản phẩm xong không chịu trả tiền cho nhạc sĩ xảy ra khá nhiều. Tuy nhiên, việc “xài chùa” ca khúc như hiện nay sẽ rất bất công cho những người sáng tạo như chúng tôi.
Dù rất nhiều lần bị chỉ trích, lên án, nhưng tại sao nhiều ca sĩ vẫn bất chấp “xài chùa” sản phẩm mà không xin phép?
Thực tế, nhiều ca sĩ trẻ hiện nay không quan tâm đến vấn đề tác giả. Có những người tay ngang đi hát tự đưa sản phẩm lên các trang nhạc, thậm chí chỉ mong được lên để nổi tiếng. Nhưng, bản thân là người sống với nghề, kiếm tiền bằng nghề, nên bắt buộc tôi cần sự tôn trọng đối với những “đứa con tinh thần” của mình.
Sự việc một trang nhạc trực tuyến sử dụng trái phép các ca khúc của anh đã xảy ra suốt 10 năm, nhưng tại sao đến thời điểm này, anh mới lên tiếng?
Bản thân tôi là người đi hát, trong khi đó trang nhạc trực tuyến này lại là một tập đoàn truyền thông lớn. Thế nên, tôi không muốn bị mang tiếng hết thời phải “dựa hơi” để đánh bóng tên tuổi. Chính vì vậy, tôi cũng phải dành thời gian để thu thập đầy đủ bằng chứng, thì mới dám lên tiếng, khởi kiện.
Hiện tại, ca sĩ Duy Mạnh và phía trang nhạc trực tuyến kia đã thống nhất được phương án giải quyết chưa?
Tính đến thời điểm hiện tại, tôi và phía bên kia đã có 2 lần hòa giải nhưng chưa thành công. Ban đầu, họ cũng hứa sẽ bồi thường cho tôi 500 triệu đồng tiền mặt, và 2 tỷ đồng còn lại đền bù bằng việc hỗ trợ truyền thông. Nhưng, bao nhiêu năm lăn lộn với nghệ thuật, tôi được khán giả nhớ đến bằng chất giọng và các sáng tác của chính mình. Thế nên, tôi không bao giờ có nhu cầu “đánh bóng” tên tuổi.
Đáng nói, không ít nghệ sĩ dù phát giác việc bị người khác “xài chùa” sản phẩm của mình, nhưng rồi cũng tặc lưỡi cho qua, vì ngại kiện tụng. Vậy anh có nghĩ mình sẽ theo tới cùng vụ kiện này?
Thật ra, mỗi người sẽ có những cách giải quyết khác nhau. Nhưng với tôi, có hai phương án để giải quyết. Trường hợp họ bồi thường số tiền xứng đáng, thì tôi mới chấp nhận hòa giải. Còn nếu hai bên không thống nhất được, thì phải đi tới bản án cuối cùng thôi.
Vậy, theo anh, làm thế nào để chấm dứt vấn nạn sử dụng trái phép các sản phẩm âm nhạc, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”?
Thật ra, điều này cũng rất khó, bởi nó còn phụ thuộc và ý thức của từng cá nhân. Nhưng, đầu tiên, người nào có tác phẩm thì phải tự bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình, phải nắm bắt và hiểu rõ luật pháp. Bên cạnh đó, khâu quản lý cũng phải thặt chắt hơn nữa.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Theo Hà Linh (Người Đưa Tin)