Ban nhạc Bức tường ban đầu có tên là The Wall được thành lập vào năm 1995 với 5 sinh viên của trường Đại học xây dựng Hà Nội là Tuấn Hùng (chơi bass), Nguyễn Hoàng (guitar rhythm), Đức Hiệp (drums), Quang Hà (guitar lead) và cuối cùng Trần Lập trong vai trò vocal chính. Trưởng thành từ phong trào ca nhạc sinh viên, Bức Tường dần trở thành một trong những ban nhạc rock chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam.
Giọng ca chính của ban nhạc - ca sĩ, nhạc sĩ Trần Lập - từng chia sẻ, sở dĩ các thành viên chọn tên nhóm là Bức Tường vì: "Cái tên đó có một chút gì đó có chất xây dựng, một chút gì đó thô mộc nhưng có tính gắn kết bền vững và nối tiếp".
Ban đầu, nhóm chơi trên sân khấu các trường Đại học. Họ nhận được sự cổ vũ đầy nhiệt tình và máu lửa của hàng triệu sinh viên thời ấy.
Hình ảnh của ban nhạc Bức Tường trong năm đầu tiên thành lập. Ảnh: FB Trần Lập. |
Trong cuốn tự truyện Bên kia Bức tường, Thủ lĩnh Trần Lập nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp gian khổ. Họ phải tự thu âm, tự tìm nhà phát hành, tự dán từng chiếc tem cho CD đầu tay. Các thành viên của nhóm bao lần ngồi chờ trước cổng VTV, thấp thỏm hy vọng vào các buổi ghi hình phát sóng để rồi phải thất vọng ra về. Có biết bao buổi biểu diễn ngoài trời khi mưa như trút nước nhưng họ vẫn hừng hực cháy bất chấp nỗi lo nhạc cụ bị ướt, cát-xê nào bù cho lại.
Tuy nhiên, những khó khăn đó không khiến họ mất tinh thần và dao động như khi nghe những lời chê bai. "Tuổi trẻ hiếu thắng, ai chẳng thích ngọt, thích được khen" - Trần Lập thú nhận. May mắn là các thành viên có niềm đam mê mãnh liệt với rock và tinh thần kỷ luật tốt, do vậy, họ có thể vượt qua những khó khăn.
Bức Tường có lẽ vẫn là ban nhạc rock có nhiều live show riêng nhất tại Việt Nam. Ảnh: FB Trần Lập |
Những kỷ lục của Bức Tường
Vào ngày 25/4/2004, live show của Bức tường mở màn cho chuỗi chương trình Âm nhạc và những người bạn nổi tiếng trên VTV3. Tiếp đến là các đêm nhạc riêng như Những hòn đá lăn (2005), The Last Saturday (2006), Nhiệt (2011) và Dấu ấn (2013)...
Có lẽ tới thời điểm này, Bức tường vẫn là ban nhạc rock có nhiều live show nhất tại Việt Nam (với 9 live show chính thức). Nhóm vẫn giữ kỷ lục là ban nhạc đầu tiên ở Việt Nam có tour trình diễn xuyên Việt. 4 live show 9+ diễn ra ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP HCM.
Vào năm 2003, Bức Tường được chọn làm đại diện của âm nhạc Việt Nam đương đại tham dự Festival Khuôn mặt Việt Nam - Khuôn mặt Pháp ngữ được tổ chức tại thành phố Cahors ở miền Nam nước Pháp.
Nhóm cũng đã ra 5 album riêng là Tâm hồn của đá (2002), Vô hình (2003), Nam châm (2004), Ngày khác (2010) và Đất Việt (2014).
Bức Tường có thể coi là tượng đài trong nền rock Việt. Ảnh: FB Trần Lập |
Trong những năm đầu hoạt động, Bức Tường chủ yếu đi theo thể loại hard rock và power metal. Sau này, nhóm theo đuổi phong cách modern rock.
Những sáng tác của Bức Tường được công chúng yêu thích bởi những ca từ có ý nghĩa, giàu tính nhân văn và đề tài đa dạng. Các ca khúc như Rock xuyên màn đêm, Đường đến ngày vinh quang, Khám phá, Bình minh sinh viên 2000 nói lên sự khát khao tri thức của giới trẻ, những nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn của họ để vươn tới thành công. Đôi bàn tay nói lên sự đùm bọc lẫn nhau giữ con người với con người. Người mộng du, Cô gái mù nói về số phận của những con người không may mắn trong xã hội.
Ngoài các ca khúc theo thể loại hard rock và power metal, Bức Tường còn có những bản ballad da diết và khắc khoải, được nhiều khán giả yêu thích như Bông hồng thủy tinh, Mắt đen, Nếu em hiểu...
Bức Tường được đánh giá cao khi đem chất liệu âm nhạc dân gian vào rock. Nhóm phối ca khúc Bài ca Sông Hồng theo âm hưởng dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ và sử dụng âm thanh của cây đàn tính, thổi vào tinh thần nhạc rock đầy mới lạ, hiện đại vào trong các ca khúc dân ca như: Lý kéo chài, Ra khơi...
Bức Tường còn viết một số ca khúc dựa trên những câu chuyện dân gian như Người đàn bà hóa đá (dựa trên Sự tích nàng Tô Thị), Chuyện tình của Thủy Thần (truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh), Dấu vết nghiệt ngã (An Dương Vương xây thành Cổ Loa).
Theo Mộc Lan (Zing.vn)