Nếu như khi lên sóng, Hữu Bằng nhìn rất nghiêm túc và có phần "ông cụ" thì ngoài đời, anh trẻ trung và rất cởi mở. Thậm chí, BTV thừa nhận, nhiều bạn bè nhận xét, anh là người "bắng nhắng".
- Chương trình đầu tiên tôi dẫn là “Người của công chúng” năm 2006, phải nói là lần đó rất hồi hộp, thậm chí cảm giác như bị "tra tấn". Kể từ lúc được tuyển đến khi ghi hình chỉ có 3 ngày, nên dù đã chuẩn bị nội dung cũng như tinh thần rất ghê gớm, đến lúc "vào sóng" tôi vẫn bị ngợp.
Thử tưởng tượng lúc đó tôi trông thì quê quê, còn chưa biết vuốt keo tóc, hình thức khá "kinh dị", thế nên trường quay để điều hòa lạnh cóng, mà người tôi cứ toát hết mồ hôi. Đã thế, các khách mời toàn người nổi tiếng, tạo sức ép rất lớn. Đến giờ, tôi vẫn giữ những bức ảnh của các chương trình đó, có ảnh phỏng vấn cùng Mai Phương Thúy rất hay.
BTV Hữu Bằng bị ảnh hưởng từ BTV Quang Minh |
- Những lời nhận xét ban đầu dành cho anh thế nào?
- Nói chung các lãnh đạo bảo ổn, nhưng tôi biết đó là lời nói động viên mà thôi. Thực tế, tôi run và lo lắng như vậy thì lên hình khó có thể hoàn hảo. Đó là bởi cái trọng trách quá lớn, trong khi mình quá yêu công việc, nên thấy ngợp. Ví dụ thế này cho dễ hiểu, chàng trai trẻ đi gặp một cô gái nào đó đã có chút hồi hộp, gặp cô gái mà mình đang thầm yêu thì thành câu chuyện khác hẳn (cười).
- Vậy cảm giác hồi hộp đến giờ còn theo anh mỗi khi dẫn những chương trình quan trọng?
- Cảm giác hồi hộp là cần thiết, nó tạo ra màu sắc cho mỗi chương trình, tuy nhiên, giờ sự hồi hộp không còn chi phối mình nữa. Sau nhiều năm làm nghề, tôi đã tự tin hơn nhiều, nhưng cũng có những tình huống mất tự tin. Đó là khi làm một nội dung nào đó mà người chỉ đạo chưa có sự tin tưởng. Khi mình đang bị dò xét thì mình sẽ có cảm giác sợ sai, chỉ chăm chăm cố gắng làm cho đúng, thì sẽ thiếu đi sự sáng tạo và chương trình khó mà hoàn hảo.
- Người thân, mà cụ thể là vợ, có hay nhận xét cho anh về cách dẫn?
- Có một điều đặc biệt là vợ tôi chẳng bao giờ xem các chương trình tôi dẫn. Thường là tôi hay nhận được lời nhận xét của khán giả qua các kênh như FB, người thì khen, người thì góp ý tôi hơi cứng. Trước những lời nhận xét đó, thường tôi chỉ nói lời cảm ơn. Tôi tự thấy mình là người nghiêm túc, và cầu toàn trong công việc. Tôi kỹ tính đến mức, nếu chương trình không trơn tru, đôi khi tôi có thể nổi cáu với đồng nghiệp.
Hữu Bằng tự nhận mình là người đặc biệt kỹ tính. |
- Dường như công việc nhà đài có nhiều áp lực, thế nên thời gian qua nhiều BTV đã rời đi?
- Sức ép là có, nhưng tôi nghĩ rằng, càng để ý đến sức ép, thì nó càng trở thành quan trọng và ảnh hưởng đến tâm lý. Thường tôi chỉ chăm chăm vào công việc của mình, những chuyện khác tôi không quan tâm. Mỗi người có một sự lựa chọn riêng, có những mục tiêu riêng. Tôi trân trọng những quyết định đó, bản thân tôi rất yêu quý BTV Vân Anh, đó là một người chị tốt tính tuyệt vời, không biết nói gì hơn vì chị thực sự rất đáng mến.
- Trong nghề, anh thấy mình có ảnh hưởng phong cách từ ai?
- Tôi nghĩ là mình có bị ảnh hưởng từ anh Quang Minh, một cách tự nhiên chứ không phải cố ý, thế nhưng tôi chưa đạt được thành công như anh ý, nên nó trở thành điểm yếu (cười).
- Trong sự nghiệp, anh đặt ra mục tiêu nào cho mình?
- Tôi là người yêu nghề, thích công việc dẫn chương trình vì tôi thích cảm giác dược giao tiếp, nói chuyện. Với tôi, được sống với nghề là tốt rồi và tôi không có mục tiêu nào khác. Một số người thích quản lý, nhưng tôi thì chỉ thích quản lý chính mình, nói một cách chính thống thì là quản trị bản thân: biết rõ mình là ai, mình sống vì lẽ gì...
- Vậy lẽ sống của anh là?
- Tôi là người khá trọng tình cảm gia đình, và tôi có thể nói rằng điều quan trọng nhất là con cái, con trai tôi năm nay 12 tuổi và tôi đang mong vài năm nữa cu cậu cao lớn ngang với bố, để “hai anh em” có thể đi cà phê buôn chuyện với nhau.
- Con trai anh có thích theo nghề truyền hình?
- Con trai tôi khẳng định không thích nghề của bố. Cu cậu luôn than phiền: “Cái nghề gì mà thứ bảy, chủ nhật cũng phải đi làm". Nói chung là tít mít. Thật ra, tôi là người cầu toàn nên đôi khi, khối lượng công việc không phải quá nhiều, nhưng tôi luôn dành nhiều thời gian để chuẩn bị.
Một chương trình trực tiếp, có người chỉ phải chuẩn bị trước một ngày, nhưng tôi có thể tìm hiểu thông tin trước mấy ngày. Không chỉ bận rộn, một điểm trừ nữa là nghề này phải đi quá nhiều.
Đi ít thì còn thấy háo hức, tôi đi nhiều nên giờ lắm khi mất cảm giác khám phá, có khi đi nước ngoài mà cả mấy ngày trời cũng chỉ ở trong building, không ra đường, có cảm giác vẫn như đang ở Hà Nội.
Theo Đỗ Quyên - Mạnh Thắng (Tiền Phong)