BTV Diệp Anh và những năm làm việc không lương ở VTV

25/02/2015 09:32:59

Với một người bận rộn như BTV Diệp Anh, chuyện nuôi dạy con có gì khác biệt? Cùng khám phá những điều thú vị về cuộc sống cũng như cách nuôi dạy con của nữ nhà báo xinh đẹp này.

Với một người bận rộn như BTV Diệp Anh, chuyện nuôi dạy con có gì khác biệt? Cùng khám phá những điều thú vị về cuộc sống cũng như cách nuôi dạy con của nữ nhà báo xinh đẹp này.

- Tôi chưa bao giờ hối hận cả, nhất là khi được làm công việc mình thích. Tôi rất cảm ơn bố mẹ đã dạy và rèn cho tôi tính tự lập từ bé nên dù có bị “ném” vào bất cứ môi trường nào tôi cũng có thể sống được. 15 năm trước, khi mới ra trường, tôi có thể có ngay một công việc ổn định với mức lương cao nhưng lời khuyên của bố (cũng là một nhà báo) đã giúp tôi lựa chọn nghề báo. Ba năm liền thử việc không lương, chỉ nhận “lương” hàng tháng từ bố nhưng tôi vẫn rất sung sướng vì được làm việc và được tin tưởng.

- Vậy, trong môi trường đô thị phức tạp hiện nay, một bà mẹ bận bịu như chị làm thế nào để không cảm thấy nơm nớp lo lắng khi không thường xuyên ở cạnh các con?

- Tôi vẫn luôn cho rằng, các con tôi nói riêng và những đứa trẻ có bố mẹ làm truyền hình nói chung thực sự rất thiệt thòi. Vì không có nhiều thời gian nên bất cứ khi nào rảnh rỗi, tôi chỉ muốn về nhà. Ra ngoài, dù đi chơi, gặp gỡ bạn bè tôi cũng đều đưa các con đi cùng. Tôi muốn các cháu có nhiều kiến thức xã hội, hiểu cuộc sống, có kỹ năng để chúng không cảm thấy sợ khi gặp tình huống bất ngờ nào đó.

Quan điểm của tôi không giống nhiều bậc phụ huynh khác: không đặt nặng vấn đề con phải là học sinh giỏi, đạt thành tích này, kết quả kia mà là dạy con biết yêu thương, biết lựa chọn và tự đưa ra quyết định của mình, rồi chịu trách nhiệm về quyết định ấy. Ngay từ khi các con còn nhỏ, khi chúng ngã, rất ít khi tôi đỡ con lên ngay mà chỉ động viên các bé tự đứng lên. Bây giờ, mỗi khi con đối diện khó khăn, không thể xoay xở, tôi chỉ hỗ trợ, gợi ý chứ không chỉ con đường phải đi. Có lẽ vì vậy mà tôi thường không quá sợ hãi hay lo lắng về những tình huống mà con sẽ gặp.
 

BTV Diệp Anh trong buổi ghi hình thử của Vấn đề hôm nay. 

 
- Về câu chuyện cậu con trai lớn 11 tuổi làm mất thẻ xe buýt đã đi bộ hơn 4km về nhà mà chị đã chia sẻ trên Facebook, khi đó, chị có lo lắng không?

- Hôm đó, tôi phải ghi hình Gặp gỡ VTV tới gần 12h đêm mới xong. Lúc nghe chồng kể lại, tôi đã ứa nước mắt. Lúc đó, vừa thương con, vừa tủi thân. Tôi tự hỏi, sao con lại có cách xử lý như thế nhỉ? Vì sao con không gọi cho mình? Hay con không cần mình nữa? Nhưng sau khi bình tĩnh nói chuyện với con, tôi lại thấy rất tự hào.

Trước đó, khi quyết định cho cháu đi học bằng xe buýt lúc bắt đầu vào cấp 2, cả chồng tôi và ông bà nội, ngoại của cháu đều rất e ngại. Nhưng tôi khẳng định cháu làm được. Nếu tin bọn trẻ làm được, chúng sẽ làm tốt hơn mình nghĩ nhiều.

Tôi dẫn cháu đi xe buýt một lần, chỉ cho cháu đâu là điểm lên, đâu là điểm xuống. Vừa phân tích sự tiện lợi và cả thích thú khi đi xe buýt, tôi còn chỉ cho cháu trên xe buýt phải hành xử như thế nào, vì sao cần phải nhường chỗ cho người già, phụ nữ… Bây giờ, thấy cháu tự lập như vậy tôi biết mình đã quyết định hoàn toàn đúng.

- Trong gia đình có hai cậu con trai, mỗi khi xảy ra mâu thuẫn, chị có cảm thấy phiền lòng không?

- Đúng là các cháu rất hiếu động và luôn có sự bướng bỉnh của những cậu bé. Dù cách nhau tới 6 tuổi nhưng chuyện chành chọe vẫn diễn ra thường xuyên. Tôi rất may mắn vì đã tham gia vào lớp học "Kỷ luật không nước mắt" của chị Ái Liên. Sau đó, tôi đã bỏ ra một số tiền không nhỏ để tham dự khóa học "Cha mẹ tuyệt vời" trong 2 ngày.

Vì thế, tôi không cảm thấy phiền lòng mỗi khi ông bà nội, ngoại phàn nàn bọn trẻ quá nghịch. Ngoài chuyện hiếu động, nghịch ngợm, có lúc chúng còn nói linh tinh vì đang có nhu cầu được chia sẻ và thu hút sự chú ý của người lớn.

Hiểu như vậy, tôi luôn tự nhủ mình cần phải lắng nghe bọn trẻ nhưng do công việc căng thẳng, bận rộn, có những lúc tôi cũng nặng lời với con mà chưa kịp hiểu chúng đang nghĩ gì, nghĩ có đúng không, chúng cần gì ở mình.

- Bên cạnh việc dạy con cách xử lý các mối quan hệ trong cuộc sống, hai con trai của chị có phải tham gia việc nhà như một nhiệm vụ bắt buộc không?

- Gia đình tôi có người giúp việc, nhưng chỉ theo giờ thôi. Những ngày cuối tuần, khi kết thúc công việc sớm, tôi thường đi chợ và nấu cho con những món chúng thích. Khi mẹ nấu cơm thì cậu con trai lớn sẽ có nhiệm vụ rửa bát. Tôi quy định, rửa bát được 5.000 đồng, lau nhà 10.000 đồng.

Những tháng hè, tôi luôn khuyến khích con làm việc nhà, cậu con trai nhỏ cũng phải tự dọn đồ chơi. Bố mẹ tôi phản đối việc “trả công” cho bọn trẻ, nhưng tôi nghĩ, 5.000 hay 10.000 đồng là số tiền rất nhỏ nhưng qua đó giúp bọn trẻ hiểu được nghĩa vụ của mình với gia đình và biết rằng muốn có tiền phải lao động. Với số tiền dành dụm, cháu lớn có thể tự thuê một bộ Lego hoặc mua những thứ nho nhỏ để chơi.

- Qua những chuyến đi dã ngoại, làm từ thiện…, chị mong muốn đem lại cho các con điều gì?

- Tôi nghĩ đó là sự trải nghiệm. Qua những chuyến đi, bọn trẻ thu hoạch được rất nhiều. Đó là cơ hội để chúng nhìn cuộc sống, nhìn cách những người khác sống như thế nào để có những quyết định đúng đắn sau này. Tôi nghĩ, bố mẹ nào cũng đều mong muốn con mình có những suy nghĩ tốt đẹp và hướng thiện. Nhưng muốn con làm được điều đó thì bố mẹ phải là người nêu gương. Tôi không bao giờ bảo con lấy tiền tiết kiệm để giúp đỡ bạn này, bạn kia mà chỉ kể câu chuyện về những đứa trẻ tầm tuổi cháu đã làm để con nhận thấy nên như thế nào.

- Là người phụ nữ duy nhất trong gia đình, chị có nhận được sự đối xử đặc biệt?

- Đặc biệt chứ! Mỗi ngày tôi đều được hai cậu con trai nói “Con yêu mẹ” ít nhất một lần. Hai đứa cũng có vẻ tự hào khi tôi làm nghề này. Cậu con nhỏ (5 tuổi) trước đây luôn nói “Thời sự của mẹ”, bây giờ là “Vấn đề hôm nay của mẹ”. Mỗi lần tôi đến lớp cậu con lớn, khi có bạn nào đó reo lên: “A, cô Diệp Anh! Cô cho con xin chữ ký nhé!” hay “Mẹ bạn… đấy!” thì cu cậu thường không nói gì, chỉ cười nhưng tôi biết là cũng có chút… phổng mũi. Thực ra, đó là niềm vui nho nhỏ của các bà mẹ làm truyền hình nói chung.

Tuy nhiên, cũng phải thú thật, là người phụ nữ duy nhất trong gia đình, được chiều nên tôi cũng hơi… “hư”, hay dỗi, cả với các con. Ông xã không chỉ rất hiểu công việc mà còn phải rất thông cảm mới chịu được người vợ như tôi. (Cười) Và chính một người ngoại đạo, không liên quan đến truyền hình như anh ấy lại có những quan điểm và gợi ý rất hay cho tôi khi lựa chọn đề tài hay góc nhìn để phản ánh.

Chẳng ai nói trước được điều gì nhưng tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại. Hạnh phúc không nhất thiết phải là những chuyến đi chơi xa, những chuyến du lịch đắt tiền mà đôi khi chỉ là cả nhà cùng xem một bộ phim, cùng bạn bè tụ tập và nấu một bữa tối thật ngon.

Tôi là người lạc quan, ít có điều gì khiến tôi buồn được quá 2 ngày. Vì sao phải buồn cơ chứ khi cuộc sống luôn có rất nhiều việc phải làm và quá nhiều thứ để yêu thương.

Theo Yến Trần (VTV.vn)

Nổi bật