Khá lâu mới lại có một phim nổi đình nổi đám vì tái hiện scandal tình dục có thật như "Bombshell", không chỉ phơi bày vụ bê bối gây chấn động nước Mỹ của Roger Ailes ông trùm kênh truyền hình Fox News cách đây 4 năm, bộ phim còn quy tụ dàn hồng xinh đẹp, tài năng bậc nhất Hollywood - Charlize Theron, Nicole Kidman và Margot Robbie. Những đề tài mang tính thời sự kiểu này luôn kích thích sự tò mò của khán giả và thu hút sự quan tâm của truyền thông. “Bombshell” được dự đoán sẽ kích nổ phòng vé đầu năm, trong lịch sử, những bộ phim kể lại scandal có thật dưới góc nhìn điện ảnh cũng từng có những giây phút vẻ vang như thế.
“All The President’s Men” (1976)
Kiệt tác điều tra của Alan J. Pakula được đánh giá là đỉnh cao điện ảnh. "All The President’s Men" được chuyển thể từ cuốn sách cùng tên của hai phóng viên điều tra tờ Washington Post, phanh phui scandal tai tiếng bậc nhất thế kỉ 20 của giới chính trị gia. Bộ phim khắc hoạ lại các sự kiện xoay quanh vụ Watergate năm 1972, 2 phóng viên trẻ Bob Woodward và Carl Bernstein đã theo dõi vụ án 5 tên trộm đột nhập tòa nhà Watergate để cài thiết bị nghe lén, trong quá trình lần theo các manh mối, họ âm thầm phát hiện hàng loạt sai phạm của chính phủ. Các phóng sự điều tra được công bố, trở thành tâm điểm chú ý trên Washington Post, dẫn đến việc từ chức của tổng thống Richard Nixon và lễ nhận chức của Phó tổng thống Gerald Ford năm 1974.
"All The President’s Men" từng gây tiếng vang lớn ở Oscar, nhận 8 đề cử và thắng 4 giải, phim cũng vinh dự nằm trong top 100 tác phẩm vĩ đãi nhất mọi thời đại vì tính thời sự và ý nghĩa lịch sử của nó. Ngày nay, bộ phim vẫn được nhắc đến khi lấy ví dụ về tự do báo chí và sức mạnh ngôn luận trước sự hoang tưởng và thổi phồng quyền lực của chính phủ.
The Cat’s Meow (2001)
"The Cats's Meow" dựa trên câu chuyện có thật ở Mỹ vào thập niên 1920, thời đại vàng son của đế quốc, hưởng lợi kinh tế từ việc cho các nước tham gia chiến tranh thế giới thứ I vay nặng lãi rồi bán vũ khí cho cả 2 phe. Phim lấy cảm hứng từ cái chết bí ẩn của ông trùm phim Thomas H. Ince xảy ra trên du thuyền của William Randolph Hearst trong chuyến du ngoạn cuối tuần kỷ niệm sinh nhật Ince vào tháng 11 năm 1924. Trong số những người tham dự có những bạn đồng hành lâu năm của Hearst, cô tình nhân Marion Davies, danh hài Charlie Chaplin, nhà văn Elinor Glyn, và nữ diễn viên Margaret Livingston.
Tác phẩm của Peter Bogdanovich gợi lại mối tình tay ba giữa Hearst (Edward Hermann), Davies (Kirsten Dunst) và Chaplin (Eddie Izzard), một trong số đó đã thành kẻ giết người. Tuy nhiên, Tom Ince đã mau chóng bị lãng quên sau khi chết, rất ít tờ báo đưa tin, cảnh sát không vào cuộc, những người có mặt trên tàu lờ đi như chưa có chuyện gì xảy ra. Bộ phim mở ra góc khuất đen tối đằng sau vẻ hào nhoáng và sự nổi tiếng của Hollywood.
Eight Men Out (1988)
"Eight Men Out" là bộ phim về đề tài thể thao có nội dung dựa trên cuốn sách"Eight Men Out: The Black Sox and the 1919 World Series" của Eliot Asinof xuất bản năm 1963. Phim do John Sayles viết kịch bản và đạo diễn. Tác phẩm tái hiện vụ scandal cá độ đình đám trong làng bóng chày tại tại World Series năm 1919, trong đó 8 thành viên của Chicago White Sox đã nhận tiền cá độ để chơi thua Cincinnati Reds. Vụ cá độ bị phanh phui, Arnold Rothstein được cho là kẻ cầm đầu, 8 thành viên còn lại của đội bóng đều phải dừng sự nghiệp, và 1919 cũng là World Series cuối cùng được tổ chức.
Sayles tung hứng các sự kiện vào trong một buổi hòa nhạc khổng lồ, nhưng ông cũng là một nhà làm phim đầy lòng trắc ẩn khi để các cầu thủ nói ra suy nghĩ của mình và lý do tại sao họ làm người hâm mộ thất vọng dù biết đó là sai trái.
Erin Brockovich (2000)
Câu chuyện đầy nghị lực về một bà mẹ đơn thân, để trang trải cuộc sống, cô đã xin vào làm việc tại hãng luật Masry & Vititoe. Luật sư Marsy giao cho Erin Brockovich (Julia Roberts) nhiệm vụ thu thập tài liệu về vụ bán nhà đất của gia đình Walker, trong quá trình tìm hiểu, cô phát hiện ra cả gia đình này cũng như hàng trăm gia đình khác tại thị trấn Hinkley trên vùng sa mạc bang California bị mắc các bệnh rất nghiêm trọng về máu, ung thư, truyền nhiễm...
Vụ ngộ độc môi trường nghiêm trọng do công ty Công ty điện lực và khí đốt Pacific Gas & Electric (PG&E) gây ra cho toàn vùng Hinkley suốt nhiều năm bị phanh phui, Erin Brockovich đã một mình theo đến cùng vụ việc, gõ cửa hơn 500 hộ dân trong toàn vùng để vận động mọi người kí tên vào đơn kiện tập thể.
Vụ kiện kéo dài 4 năm được tái hiện trong bộ phim dài 130 phút của đạo diễn Steven Soderbergh. "Erin Brockovich" mang về cho người đàn bà đẹp Julia Roberts giải Nữ chính xuất sắc nhất tại hàng loạt lễ trao giải điện ảnh, trong đó có Oscar, BAFTA, Quả Cầu Vàng. Đạo diễn Steven Soderbergh cũng nhận được nhiều đề cử với "Erin Brockovich", nhưng năm đó ông giành chiến thắng với tác phẩm "Traffic".
Fair Game (2010)
Mặc dù không tỏa sáng ở các giải thưởng lớn nhưng "Fair Game" vẫn là bộ phim đáng xem, nó phản ánh sự lạm dụng quyền lực gây sốc bởi chính quyền tổng thống trong lịch sử nước Mỹ, chỉ đứng sau vụ bê bối Watergate. Bộ phim chính trị tiểu sử do Doug Liman - cha đẻ bom tấn "The Bourne Identity" đạo diễn được lấy cảm hứng từ 2 cuốn hồi kí "Fair Game" của Valerie Plame và "The Politics of Truth" của Joseph C. Wilson.
"Fair Game" kể lại câu chuyện điệp viên CIA Valerie Plame (Naomi Watts) bị sa thải như sự trả đũa của Bộ ngoại giao trước phát ngôn phản đối chiến tranh Iraq của chồng cô Joseph Wilson (Sean Penn). Bộ phim thông minh và chân thực đã từng là một trong những lựa chọn chính thức cạnh tranh với "Palme d'Or" tại Liên hoan phim Cannes 2010. Phim cũng đồng thời nhận được giải Freedom of Expression do Ủy ban đánh giá quốc gia trao tặng.
Hollywoodland (2006)
Tác phẩm của Allen Coulter từng bị chính kinh đô điện ảnh phớt lờ vì phản ánh bi kịch, tham vọng, đố kị và thói đạo đức giả trong thời đại hoàng kim của Hollywood. "Hollywoodland" vén màn bí ẩn về cái chết của George Reeves (Affleck) - Superman phiên bản truyền hình của thập niên 50, người đầu tiên mang siêu anh hùng này đến gần với hàng triệu khán giả.
Ngày 16/6/1959, George Reeves chết tại nhà riêng ở Hollywood Hills khiến cả thế giới sửng sốt. Cái chết của George Reeves được đưa tin như một vụ tự tử bằng súng trong phòng ngủ dựa trên các bằng chứng thu thập tại hiện trường. Tuy nhiên, mẹ của nam diễn viên tin rằng có sự mờ ám và bàn tay thao túng phía sau nên đã âm thầm thuê thám tử tư Louis Simo (Adrien Brody) tìm hiểu mọi việc. Mối quan hệ bất chính giữa Reeves và Toni (Diane Lane) - vợ của Giám đốc điều hành hãng phim GMG Eddie Mannix (Bob Hoskins) dần lộ ra, Simo cũng đồng thời khám phá nhiều bí ẩn phức tạp về con người Reeves đằng sau hình tượng siêu nhân quốc dân mà mọi người đều biết đến.
The Insider (1999)
Tiếp tục trong danh sách scandal chấn động là câu chuyện về ngành công nghiệp thuốc lá. "The Insider" là bộ phim được đạo diễn bởi Michael Mann, kịch bản phim do Mann và Eric Roth chuyển thể từ bài báo "The Man Who Knew Too Much" của tác giả Marie Brenner trên Vanity Fair. Tác phẩm tái hiện cuộc đấu tranh của nhà bác học Jeffrey Wigand (Russell Crowe) và nhà báo Lowell Bergman (Al Pacino) chống lại đế chế thuốc lá - đem đến sự thật về tác hại của thuốc lá với sức khỏe con người.
Mặc dù không thành công về doanh thu phòng vé nhưng "The Insider" nhận được vô số lời khen ngợi, phim nhận 7 đề cử Oscar bao gồm Phim hay nhất và nam chính xuất sắc nhất cho Russell Crowe.
Quiz Show (1994)
“Quiz show” do Robert Redford đạo diễn và sản xuất, dựa trên cuốn hồi kí của cố vấn Uỷ ban Hạ viện và Ngoại thương Richard Goodwin (Rob Morrow) với nhan đề “Nhớ Mỹ”, bộ phim tái hiện 21 vụ bê bối ghi lại vụ scandal của chương trình đố vui Twenty-One thập niên 1950, trong đó người chơi nổi tiếng Charles Van Doren (Raphl Fiennes) cùng nhiều thí sinh khác đã được ban tổ chức cho biết trước kết quả câu đố để chiến thắng tuyệt đối. Năm 1959, ông đã làm chứng trước Quốc hội Hoa Kỳ về việc gian lận của cuộc thi. Bộ phim đã góp phần lật mặt bản chất dối trá của ngành công nghiệp truyền hình.
Bộ phim nhận được đánh giá tích cực từ các nhà phê bình, phim đã lọt nhiều đề cử danh giá trong đó có Oscar và Quả cầu vàng.
A Royal Scandal (1945)
“A Royal Scandal” tái hiện vụ bê bối chính trị gây rúng động lịch sử Anh quốc. Kịch bản phim bắt đầu với Stephen Ward (John Hurt) - một nhân vật tiếng tăm trong giới thượng lưu Anh, có quan hệ thân thiết với nhiều quan chức chính phủ cao cấp. Ward gặp Christine Keeler (Joanne Whalley) 16 tuổi xinh đẹp trong một hộp đêm và đem cô về nuôi dưỡng để trở thành công cụ ngoại giao. Dưới sự dẫn dắt của Ward, Christine đã qua tay nhiều nhân vật nổi tiếng như Lord Astor (Leslie Phillips), tuỳ viên Liên Xô Eugene Ivanov (Jeroen Krabbe) và gây tranh cãi nhất là quan hệ với Bộ trưởng Bộ chiến tranh của Đảng Bảo thủ Anh John Profumo. Vụ bê bối tình ái được biết đến với cái tên Profumo, dẫn đến việc ông phải từ chức, rời khỏi chính phủ của thủ tướng Anh Harold Macmillan vào năm 1963.
Bộ phim khai thác mối quan hệ giữa Christine và Stephen dưới góc độ tình bạn. Vì vậy khi vụ bê bối ập đến, khán giả có thể đồng cảm với 2 nhân vật chính ở góc độ con người. Phim được chiếu tại Liên hoan phim Cannes năm 1989.
A Scandal In Paris (1946)
“A scandal in Paris” của đạo diễn Douglas Sirk kể lại cuộc đời của Eugène François Vidocq (George Sanders), một tên tội phạm người Pháp cải trang thành cảnh sát trưởng nổi tiếng trong thời Napoleon. Eugène François Vidocq được xem là thám tử đầu tiên và người xây dựng lực lượng cảnh sát Pháp.
“ Scandal In Paris” thể hiện quan điểm ai sinh ra cũng đều có sẵn phần tốt và phần xấu trong mình, như một lời thoại trong phim đã khẳng định điều đó “Trong tất cả chúng ta đều tồn tại cùng lúc một vị Thánh và một con rồng”. Mặc dù không nhận được sự đón nhận của khán giả ở thời điểm ra mắt, nhưng đây vẫn là một bộ phim thú vị và đáng xem cho những ai quan tâm đến lịch sử.
Shattered Glass (2003)
Thêm một tác phẩm tái hiện bê bối trong ngành truyền thông, “Shattered Glass” là bộ phim tiểu sử về nhà báo Stephen Glass (Hayden Christensen) và vụ bê bối của anh tại The New Republic. Tác phẩm của đạo diễn Billy Ray dựa trên một bài báo cùng tên của H. G. Bissinger trên Vanity Fair. Stephen Glass được đánh giá là một nhà báo tài năng, cho đến khi những bài viết đầy màu sắc và lôi cuốn của anh bị phanh phui phần lớn là chuyện bịa đặt.
Bộ phim công chiếu tại Liên hoan phim Toronto năm 2003, mặc dù không thành công tại phòng vé nhưng nhận được nhiều đánh giá tích cực, đặc biệt là sự khen ngợi với màn trình diễn của Christensen.
Trúc An (SHTT)