Bom tấn đua xe, trộm cướp 'Fast 10' bị chê ngớ ngẩn

26/05/2023 15:41:50

"Fast 10" tiếp tục bị chê phi lý, nhiều cảnh thậm chí ngớ ngẩn vì hoàn toàn thiếu tính logic.

Tính đến 26/5, Fast 10 thu 352 triệu USD trên phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, phần phim thứ 10 của series bom tấn đua xe, hành động đạt 56,2 tỷ đồng. Giống với các phần phim trước, phim bị giới phê bình chê thậm tệ vì phi logic, nhiều cảnh không khác gì tác phẩm siêu anh hùng.

Ở phần mở màn, phim bị chê phi lý khi ôtô của nam chính Dominic (Vin Diesel đóng) chạy với tốc độ như bay trên đường phố dù đang kéo lê hầm sắt đựng tiền.

Ở nhiều phân đoạn sau, do tham yếu tố kịch tính, đoàn làm phim đẩy nhiều tình tiết cao trào, đôi khi tạo tình huống phi lý. Chi tiết đài truyền hình thông báo không có người bị thương trong cảnh nhóm Dominic ngăn chặn âm mưu phá tan Tòa thánh Vatican, dư chấn vụ nổ khiến hàng chục ôtô bị thổi bay cũng bị đánh giá phi lý.

Trong cảnh cuối, khoảnh khắc Dominic điều khiển lái dù xe bị trực thăng nhấc bổng, hạ gục phản diện hoặc cảnh Vin Diesel lao xe từ đỉnh dốc dựng đứng... hoàn toàn đúng với chất điên rồ của phim.

Bom tấn đua xe, trộm cướp 'Fast 10' bị chê ngớ ngẩn

Bom tấn đua xe, trộm cướp 'Fast 10' bị chê ngớ ngẩn - 1
Những cảnh xe bay, rượt đuổi hoành tráng quen thuộc trong Fast 10.

Trên trang Rotten Tomatoes, Fast 10 chỉ được xếp hạng 55%, ở mức trung bình với tác phẩm được gọi là bom tấn. Hàng loạt ý kiến chê phim chủ yếu tập trung vào việc phim quá phi lý.

"Vấn đề của phim là loạt phim dần xuất hiện ngày càng nhiều những điều phi lý. Điều đó khiến người xem ngày càng khó thưởng thức", nhà phê bình Matthew Lickona đánh giá.

Nhà phê bình Alison Willomore của Vulture cho rằng Fast 10 là vô lý nhất của series phim. Điều đáng cười nhất là dường như mọi xe hơi trên phố đều không có tài xế bên trong.

"Xem Momoa mặc trang phục kỳ quặc là niềm vui lớn nhất của phim. Nhưng phần mới của loạt phim hoàn toàn thất vọng, nó cho chúng ta biết thế nào là điều phi lý", Wesley Morris của New York Times đưa ý kiến.

Trong bốn phần đầu, Fast & Furious đơn thuần là loạt phim về băng cướp kết hợp yếu tố đua xe, hành động ngạt thở. Nhưng từ phần năm trở đi, khi dần bí ý tưởng và mong muốn đổi mới, nhà sản xuất gạt bỏ yếu tố logic, đưa vào tình tiết mang yếu tố "chỉ có trong phim", nhất là cảnh xe bay ở Fast 7, xe bay vào vũ trụ ở Fast 9 nhờ gắn động cơ tên lửa...

Dù bị giới phê bình đánh giá phi lý, nhiều chê bai thậm tệ, với khán giả 20 năm yêu thích loạt phim, họ vẫn ngóng chờ bom tấn làm nên tên tuổi của Vin Diesel. Theo ghi nhận của Tiền Phong, nhiều khán giả Việt nhận định họ bỏ tiền mua vé vì thương hiệu Fast & Furious. Phim có kỹ xảo, hình ảnh ổn định nhưng nội dung thực chất nhạt dần từ phần 5, khi phim bắt đầu thêm vào yếu tố phi logic quá đà.

Theo Trạch Dương (Tiền Phong)