Cổ tích "chàng tiên cá" dành cho người lớn
Sau cú ngã ngựa Justice League, vũ trụ điện ảnh DC đành từ bỏ cuộc đua nóng vội với hãng đối thủ Marvel để đặt niềm tin vào "ngôi sao hy vọng" Aquaman. May mắn là "ngôi sao hy vọng" đã không làm bõ công mong đợi của khán giả, mang lại điểm 10 tròn trĩnh về mặt giải trí.
Aquaman là câu chuyện về nguồn gốc cũng như cuộc hành trình riêng của siêu anh hùng kiêm vua biển sau sự kiện anh cùng nhóm Liên minh Công lý đánh bại Steppenwolf.
Trailer phim Aquaman. |
Aquaman tên thật là Arthur Curry- chàng trai mang dòng máu lai giữa loài người và dân Atlantis, là kết quả của cuộc tình bị ngăn cấm giữa người đàn ông giữ hải đăng và nữ hoàng biển cả.
Thân là con trai trưởng của nữ hoàng Atlanna, Aquaman có quyền ngồi lên ngai vàng cai quản Atlantis nhưng chàng siêu anh hùng đã chối bỏ ngai vị vì e ngại dòng máu lai của mình.
Nhưng khi cậu em trai cùng mẹ khác cha Orm toan đoạt ngôi báu và châm ngòi cuộc chiến giữa biển khơi với mặt đất, Aquaman buộc phải trở về ngăn cản, đồng thời giành lại những gì đáng lẽ thuộc về anh.
Gọi Aquaman là cổ tích "chàng tiên cá" cũng chẳng sai bởi phim mang mô-típ hoàng tộc tranh quyền đoạt vị khá quen thuộc. Bên cạnh đó, tạo hình nhân vật cũng đa phần dựa trên các thần thoại, cổ tích liên quan đến hải vương như thần Neptune hay truyện Nàng tiên cá.
Thế giới dưới đáy biển Atlantis tuy được miêu tả là sở hữu nền khoa học công nghệ tiên tiến, có giống người được tiến hóa hơn trên cạn nhưng vẫn đầy ắp hủ tục lạc hậu như hôn nhân sắp đặt, hiến tế người sống, cộng thêm vô số chi tiết bẻ cong mọi định luật vật lý lẫn logic kiểu truyện cổ tích.
Nhưng có hề gì khi đây lại là phiên bản cổ tích dành cho người lớn với kỹ xảo và hành động hoành tráng ngập mắt.
Khán giả thường nhớ đến James Wan- đạo diễn của Aquaman với cái tư cách "bậc thầy phim kinh dị" nhưng các nhà sản xuất biết rằng anh còn là người nhào nặn nên bom tấn hành động Fast & Furious 7.
Kinh nghiệm dày dặn trong cả hai thể loại kinh dị và hành động đã giúp vị đạo diễn gốc Á kiến tạo nên một bom tấn Aquaman hồi hộp đến nghẹt thở trong suốt 2 tiếng 22 phút.
Những phân cảnh đột kích bất ngờ và đại cảnh giao chiến hoành tráng với hai nhân vật phản diện được phân bố khá hợp lý, khiến người xem luôn "dán mắt" vào màn hình cho đến tận giây cuối cùng.
Bổ trợ hoàn hảo cho phần hành động gay cấn như Fast & Furious là kỹ xảo hình ảnh lộng lẫy đến khó tin. Thật không ngoa khi có nhà phê bình đã so sánh Aquaman như phiên bản dưới nước của siêu phẩm Avatar.
Tông màu xanh tím của biển cả cùng ánh dạ quang lấp lánh làm bừng lên cả một thế giới diệu kỳ dưới lòng biển sâu. Ê kíp sản xuất cũng đầu tư không ít công sức vào khâu thiết kế để tạo nên hàng loạt giống loài kỳ thú dựa trên các sinh vật biển có thật.
Cảnh tượng đàn cá ngựa và cá mập nhiều màu lao vào nhau như ngựa chiến hay hàng triệu con quái vật Vực Sâu nhào tới xâu xé người anh hùng là một trải nghiệm hình ảnh khó quên với khán giả.
Vũ trụ điện ảnh DC trước nay vẫn nổi tiếng phong cách làm phim lồng ghép những triết lý nhân sinh sâu sắc. Aquaman tuy không chất chứa những trăn trở "nhức đầu" như Superman hay Batman nhưng cũng không quá sơ sài trong xây dựng nhân vật, bất chấp cốt truyện khá đơn giản.
Đằng sau cuộc chiến hoàng tộc của Aquaman và Orm là những triết lý Khổng giáo quen thuộc với người Á đông. "Danh bất chính thì ngôn bất thuận", tuy là con lai nhưng Aquaman xứng ngôi vua biển hơn Orm vì là con trưởng và là người hùng chính nghĩa.
"Quân tử dụ ư nghĩa tiểu nhân dụ ư lợi", Aquaman không chỉ là vua mà còn là siêu anh hùng chính bởi cách hành xử như người quân tử của anh. Sau cùng, người siêu anh hùng khác kẻ có siêu năng lực ở chỗ anh ta chiến đấu vì mục đích cao cả.
Đầu phim, nếu khán giả còn cảm thấy lăn tăn vì hành động "thấy chết không cứu" của Aquaman thì tới đoạn kết thúc nghĩa cử tha mạng đầy nhân văn của anh đã chứng tỏ được sự trưởng thành của nhân vật, khiến khán giả tin tưởng vào người anh hùng này.
Thay đổi hay là chết
Nếu cách đây vài năm, có ai nói rằng vũ trụ điện ảnh của Superman và Batman phải "kiếm ăn" nhờ một siêu anh hùng nữ Wonder Woman và ông vua thủy tề Aquaman thì chắc hẳn các fan hâm mộ của hãng DC sẽ bò lăn ra cười.
Nhưng điều đó đã thành sự thực. Hai siêu anh hùng vốn bị đánh giá thấp trong thế giới truyện tranh nay lại là cứu tinh cho cả vũ trụ điện ảnh, có lẽ bởi sự cách tân mới mẻ trong xây dựng nhân vật.
Khi còn là siêu anh hùng truyện tranh, Aquaman bị cười nhạo vì bộ áo cam quần xanh bó chẽn và năng lực dớ dẩn trò chuyện với cá.
Nhưng khi hóa thành Aquaman trên màn ảnh rộng, chắc chắn người ta chẳng dám trêu chọc chàng diễn viên Jason Momoa cao 2 mét, râu tóc xồm xoàm, thân hình sáu múi lực lưỡng.
Vẻ ngoài to khỏe của Jason Momoa đại diện cho dạng phim hành động giải trí nhanh gọn và "xôi thịt", vốn là nhu cầu cơ bản của đại đa số khán giả ra rạp hiện nay.
Với phần after credit không hé lộ gì về số phận các nhân vật siêu anh hùng khác, khán giả hiểu rằng các lãnh đạo của DC dường như chưa có trong tay một kế hoạch rõ ràng cho tương lai của vũ trụ điện ảnh.
Nhưng với Aquaman, người hâm mộ biết DC đã sẵn sàng thay đổi, tạm thời buông bỏ màu phim âm u và những triết lý dài dòng vốn là đặc trưng của hãng nhưng cũng là thuốc độc giết chết các phần phim gần đây trong phòng vé.
Chọn giữa thay đổi và chết, DC đã chọn thay đổi. Hiệu quả nhãn tiền là Aquaman đã thu về gần 100 triệu đô la chỉ trong vài ngày khởi chiếu tại thị trường Trung Quốc. Bộ phim hứa hẹn sẽ còn chinh phạt phòng vé khắp thế giới trong dịp cuối năm.
Một phần phim thứ hai cho Aquaman là điều chắc chắn, cùng chung sức sẽ là Shazam và Wonder Woman 1984 ra mắt vào năm sau. Hy vọng một DC dám thay đổi sẽ mạnh mẽ hồi sinh từ đám tro tàn.
Theo Phương Anh (Soha/Trí Thức Trẻ)