Bộ phim truyền hình bị nguyền rủa

14/10/2023 11:30:33

Loạt bi kịch ngoài đời thực khiến những bộ phim như Glee, Diff’rent Strokes, Family Affair… bị gắn mác “bị nguyền rủa” gây ám ảnh nhất lịch sử truyền hình Mỹ.

Hầu hết phim truyền hình gây cười, kịch tính hoặc theo chủ nghĩa hiện thực đều miêu tả các nhân vật có vấn đề dựa trên kịch bản có sẵn. Tuy nhiên, đôi khi những rắc rối lại xảy ra ngoài đời thực.

Trong lịch sử 75 năm của truyền hình Mỹ, nhiều diễn viên vướng vào những scandal hoặc bi kịch không đáng có. Nhưng với một số chương trình, có nhiều hơn một diễn viên gặp rắc rối ngoài phim trường hoặc tệ hơn. Khi điều đó xảy ra, bộ phim bị gắn mác “bị nguyền rủa”.

Dưới đây là những bộ phim được đánh giá là bị nguyền rủa gây ám ảnh nhất.

Glee

Glee là loạt phim ca nhạc do Ryan Murphy đạo diễn, phát sóng trong giai đoạn 2009 - 2015 trên Fox. Phim được cả giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao. Phim kể về một câu lạc bộ âm nhạc trong trường trung học có tên là Glee, tập hợp những học sinh có cá tính và câu chuyện khác nhau nhưng chung đam mê âm nhạc.

Dù mang lại danh tiếng cho nhiều diễn viên trẻ, Glee cũng là nỗi ám ảnh của họ khi chứng kiến nhiều cái chết.

Bộ phim truyền hình bị nguyền rủa
Naya Rivera (trái), Cory Monteith (giữa) và Mark Salling đều qua đời khi còn trẻ.

Ngày 13/7/2013, Cory Monteith, đóng vai Finn Hudson trong bốn mùa, được tìm thấy qua đời trong phòng khách sạn ở Vancouver (Canada) khi mới tuổi 31. Nguyên nhân cái chết được xác định dùng ma túy quá liều. 4 tháng trước đó, anh phải vào cơ sở điều trị lạm dụng chất gây nghiện.

Mark Salling, đóng vai Stuart “Puck” Puckerman, bị bạn gái cũ buộc tội tấn công tình dục vào năm 2011. Anh phải trả 2,7 triệu USD để dàn xếp ngoài toà án. Tháng 12/2015, Salling bị bắt tại nhà riêng ở Los Angeles vì tình nghi sở hữu nội dung khiêu dâm trẻ em. Anh bị buộc tội vào tháng 5/2016 và nhận tội vào tháng 9/2017. Tháng 1/2018, Salling treo cổ tự tử gần nhà.

Đau lòng nhất là trường hợp của Naya Rivera, đóng vai Santana Lopez. Cô qua đời ở tuổi 33 vào ngày 8/7/2020 do đuối nước tại Hồ Piru thuộc Rừng Quốc gia Los Padres ở California. Theo các nhà điều tra, cô cùng con trai thuê thuyền đi bơi giữa hồ. Do không mặc áo phao, hai mẹ con chết đuối. Rivera cố gắng đẩy con trai lên thuyền và chìm dần do kiệt sức. Sau đó, mọi người phát hiện con trai 4 tuổi của Rivera còn sống trên thuyền. Thi thể nữ diễn viên được tìm thấy 5 ngày sau đó. Không tìm thấy bằng chứng cho thấy bà mẹ xấu số uống rượu.

Ngoài ra, vào tháng 6/2020, Lea Michelle (đóng nữ chính Rachel Berry) bị bạn diễn Samantha Marie Ware tố cáo bắt nạt trên phim trường phần 6 của Glee. Các diễn viên khác là Heather Morris, Alex Newell, Amber Riley và Lindsay Pearce sau đó lên tiếng bênh vực nạn nhân. Cuối cùng Lea phải công khai xin lỗi.

Bộ phim truyền hình bị nguyền rủa - 1
Lea Michelle bị tố bắt nạt bạn diễn. Ảnh: Fox.

Diff’rent Strokes

Diff’rent Strokes là bộ phim sitcom nổi tiếng, chiếu trên NBC từ 1978 đến 1985 và 1985-1986 trên ABC. Phim kể về hai đứa trẻ đến từ Harlem (Todd Bridges, Gary Coleman) được một doanh nhân giàu có (Conrad Bain) và con gái ông (Dana Plato) nhận nuôi.

Không rõ vì lý do gì, ba diễn viên nhí trong phim đều có vấn đề về đời tư, hai trong số họ qua đời trong đau khổ.

Bridges (đóng vai Willis Jackson) bắt đầu hút cần sa trong thời gian đóng phim. Ở độ tuổi 20, ông nghiện cocaine và ma túy đá. Năm 1989, khi mới 24 tuổi, Bridges bị bắt và bị buộc tội âm mưu sát hại một kẻ buôn ma túy ở Los Angeles. Nam diễn viên sau đó được trắng án nhờ chứng minh được không có mặt tại hiện trường vụ án. Tuy nhiên, ông lại bị bắt vào năm 1992 sau khi Cảnh sát Burbank, California phát hiện ra methamphetamine (chất kích thích hệ thần kinh) và một khẩu súng nạp đạn trong xe riêng. Bridges được tại ngoại và ngừng sử dụng ma túy vào năm sau. Tất cả quá khứ đáng xấu hổ đó được ông kể lại trong cuốn hồi ký ra mắt năm 2008.

Plato bị đuổi khỏi đoàn phim vào năm 1984 sau khi sinh con ở tuổi 20. Rời Diff'rent Strokes , bà phải vật lộn vì không tìm được việc. Năm 1989, bà chụp ảnh cho Playboy, rồi xuất hiện trong một loạt phim hạng B. Suốt thập niên 1990, bà liên tục gây ra các vụ bê bối, bao gồm cướp cửa hàng video vào năm 1991 và làm giả đơn thuốc an thần diazepam vào năm 1992. Cuối cùng, vào tháng 5/1999, bà được tìm thấy đã chết ở tuổi 34 trong xe hơi đỗ bên ngoài nhà mẹ chồng sắp cưới ở tiểu bang Oklahoma. Cô được xác định đã uống hydrocodone (thuốc giảm đau) và thuốc giãn cơ. Cảnh sát xem đây là một vụ tự tử nhưng một số bạn bè, trong đó có Bridges, không đồng tình.

Bộ phim truyền hình bị nguyền rủa - 2
Ba sao nhí của Diff’rent Strokes đều gặp rắc rối trong cuộc sống đời thường. Ảnh: Courtesy Everett Collection.

Coleman (đóng vai Arnold Jackson) bị buộc tội hành hung người hâm mộ tại trung tâm mua sắm ở California vào năm 1998. Ông nộp đơn xin phá sản vào năm 1999. Năm 2009, Coleman trải qua ca phẫu thuật tim ở tuổi 41. Tháng 5/2010, ông bị ngã cầu thang tại nhà riêng ở Utah, đầu bị đập mạnh dẫn đến xuất huyết não. Ông được đưa đến bệnh viện, nhưng tình trạng ngày càng tồi tệ hơn, phải dùng máy hỗ trợ sự sống. Ông qua đời vào ngày 27/5/2010, thọ 42 tuổi.

Family Affair

Family Affair là bộ phim sitcom hài hước chiếu trên CBS vào năm 1966-1971. Phim kể về chàng độc thân tài năng Bill Davis (Brian Keith) được giao nhiệm vụ chăm sóc những đứa con mồ côi của anh trai mình – thiếu nữ 15 tuổi Cissy (Kathy Garver) cùng cặp song sinh 6 tuổi Buffy và Jody (Anissa Jones, Johnnie Whitaker) - trong căn hộ sang trọng ở New York.

5 năm sau khi phim kết thúc, Anissa Jones được phát hiện đã chết ở tuổi 18 trong phòng ngủ trên lầu nhà một người bạn ở Oceanside, California. Cô đến dự tiệc và mãi mãi không thể về nhà do dùng quá liều cocaine, PCP (gây ảo giác), Quaaludes (an thần) và Seconal (an thần). Người nhà hỏa táng thi thể cô và rải xuống Thái Bình Dương.

Brian Keith qua đời ở tuổi 75 do tự sát vào năm 1997, chỉ hai tháng sau khi con gái ông rời bỏ thế giới. Trước khi mất, ông bị ung thư phổi và khí phế thũng.

Bộ phim truyền hình bị nguyền rủa - 3
Các diễn viên trong Family Affair (từ trái qua phải): Cathy Garver, Brian Keith, Sebastian Cabot, Johnny Whitaker và Anissa Jones.

Adventures of Superman

Adventures of Superman (1052 - 1958) là một trong những bộ phim ăn khách đầu tiên trên truyền hình Mỹ. Phim hướng về đối tượng người xem là trẻ em, do George Reeves đóng vai siêu nhân chuyên giúp đỡ người yếu thế.

Bộ phim mang đến cho George danh tiếng tại Hollywood, nhưng cũng là tác phẩm cuối cùng mà ông tham gia.

Năm 1959, một năm sau khi phim bị hủy bỏ, George qua đời ở tuổi 45 trong phòng ngủ trên lầu nhà riêng ở Benedict Canyon (Los Angeles) vào rạng sáng. Thời điểm đó, có một bữa tiệc đang diễn ra dưới tầng 1. Cảnh sát phát hiện trên đầu ông có vết thương do đạn bắn.

Đến nay, nguyên nhân cái chết vẫn là một bí ẩn. Cảnh sát cho rằng George tự sát nhưng nhiều người không tin. Một số hướng sự nghi ngờ về phía vị hôn thê của ông, Leonore Lemmon.

Cuộc đời và cái chết u ám của ông truyền cảm hứng cho bộ phim Hollywoodland năm 2006, có sự tham gia của Ben Affleck.

Bộ phim truyền hình bị nguyền rủa - 4
George Reeves qua đời sau một năm kết thúc vai diễn trong Adventures of Superman. Ảnh: Courtesy Everett Collection.

Our Gang

Our Gang (tên khác là The Little Rascals , 1922-1944) không được sản xuất cho truyền hình nhưng nhiều thế hệ người hâm mộ biết về phim khi xem trên các đài truyền hình địa phương. Loạt phim ngắn hài hước Mỹ kể về nhóm trẻ em trong khu nhà nghèo và những cuộc phiêu lưu của chúng.

Our Gang được quay trong 22 năm, có sự góp mặt của một dàn diễn viên nhí như Carl Switzer trong vai Alfalfa mặt đầy tàn nhang, George McFarland trong vai Spanky, Matthew Beard trong vai Stymie, Norman Chaney trong vai Chubby, Darla Hood trong vai Darla và Billie Thomas trong vai Buckwheat...

Switzer, mới 12 tuổi khi kết thúc vai diễn trong Our Gang , tiếp tục bám trụ tại Hollywood nhưng chỉ được giao những vai nhỏ trong phim điện ảnh và truyền hình. Ông từng kết hôn nhưng không bền lâu. Năm 1958, ông bị bắn vào tay bên ngoài một quán bar (tay súng không bao giờ bị bắt). Cuối năm đó, ông bị bắt tại Rừng Quốc gia Sequoia vì chặt hạ trái phép 15 cây thông và bị kết án một năm quản chế.

Năm 1959, Switzer được người bạn Bud Stiltz thuê huấn luyện chó. Chú chó sau đó bị mất tích, dù tìm lại được nhưng gây ra xích mích giữa Switzer và Stiltz về vấn đề tiền bạc. Khi Switzer lái xe đến nhà Stiltz để đòi tiền, ông bị Stiltz bắn vào háng và chết trên đường đến bệnh viện. Khi đó, ông mới 31 tuổi. Vụ nổ súng được xác định là phòng vệ chính đáng.

Bi kịch cũng ập đến với Norman Chaney (Chubby). Ông tiếp tục tăng cân không kiểm soát, cuối cùng đạt tới 136 kg mặc dù có chế độ ăn uống bình thường và tập thể dục thường xuyên. Được chuẩn đoán bị bệnh, ông điều trị tại Bệnh viện Johns Hopkins, giảm xuống chỉ còn dưới 63 kg. Tuy nhiên, việc giảm cân quá nhanh và nhiều tác động xấu đến cơ thể ông. Ông qua đời vì bệnh tim vào năm 1936 ở tuổi 21.

Matthew Beard (Stymie) rời Our Gang vào năm 10 tuổi và nghỉ diễn khi vào trung học. Ông sa ngã vào con đường sử dụng ma túy, nghiện heroin, sống lang thang trên đường phố một thời gian, rồi vướng tù tội. Đầu những năm 1960, ông tham gia chương trình cai nghiện ma túy ở Los Angeles, sau đó xuất hiện với những vai nhỏ trên các chương trình truyền hình Sanford and Son , Maude và The Jeffersons . Ông bị đột quỵ và ngã cầu thang ngay trước sinh nhật lần thứ 56. Tháng 1/1981, ông qua đời vì bệnh viêm phổi.

Bộ phim truyền hình bị nguyền rủa - 5
Từ trái qua phải: Mickey Gubitosi (Mickey), Billie Thomas (Buckwheat), William Laughlin (Froggy) và George McFarland (Spanky). Ảnh: Courtesy Everett Collection.

Robert Hutchins, đóng vai Weezer, không theo đuổi nghiệp diễn mà gia nhập lực lượng không quân. Năm 1945, ông thiệt mạng trong lúc cố hạ cánh máy bay trong một cuộc tập trận. Lúc đó, ông mới 19 tuổi.

William Laughlin bị một chiếc xe tải tông từ phía sau và cán chết ở tuổi 16 khi đang giao báo trên chiếc xe máy của mình.

Scott Becket (Scotty) nghiện rượu và ma túy, có hai cuộc hôn nhân thất bại, có tiền sử bạo lực và nhiều lần vi phạm pháp luật. Năm 1968, ông vào viện dưỡng lão ở Hollywood sau khi bị đánh đập. Ông qua đời hai ngày sau đó ở tuổi 38. Thư tuyệt mệnh và một lọ thuốc được tìm thấy bên giường bệnh, nhưng nguyên nhân cái chết của ông chưa bao giờ được xác nhận chính thức.

Theo Tú Oanh (Tiền Phong)

Nổi bật